Cấm dạy thêm cực đoan, học sinh sẽ thiệt thòi
Nhiều chuyên gia cho rằng, một khi cả nước chưa đổi mới cách ra đề thi, phương pháp dạy và học, chưa giảm tải chương trình, sĩ số lớp còn đông… thì việc cấm dạy thêm - học thêm một cách cực đoan sẽ gây thiệt thòi cho học sinh, làm giảm chất lượng giáo dục.
Một lớp dạy thêm tại nhà giáo viên ở TPHCM.
Chỉ nên cấm dạy thêm bậc tiểu học
Ngày 11/9, HĐND TPHCM tổ chức chương trình “Lắng nghe và trao đổi” về chủ đề “Dạy thêm - học thêm”. Nhiều chuyên gia cho rằng, một khi cả nước chưa đổi mới cách ra đề thi, phương pháp dạy và học, chưa giảm tải chương trình, sĩ số lớp còn đông… thì việc cấm dạy thêm - học thêm một cách cực đoan sẽ gây thiệt thòi cho học sinh, làm giảm chất lượng giáo dục.
Theo GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, học thêm là nhu cầu của xã hội nhưng dạy thêm - học thêm tràn lan là không nên, gây căng thẳng cho học sinh (HS).
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thu Cúc, hiệu trưởng trường THPT Gia Định thừa nhận một số giáo viên (GV) dạy không hết chương trình, buộc các em phải đi học thêm là có nhưng không nhiều. Việc đẩy một số em không có nhu cầu thành nhu cầu tạo ra bức xúc cho cả xã hội.
TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng nên cấm dạy thêm ở cấp tiểu học. Tiêu cực của việc dạy thêm để lại hậu quả rất xấu là ảnh hưởng đến người dạy thêm chân chính, làm HS quay cuồng vì học thêm, đánh mất tuổi thơ và dẫn đến tâm lý ngại học, sợ học.
“Dạy thêm – học thêm là hậu quả của cách giáo dục còn quá xem trọng kiến thức, xem nhẹ kỹ năng tự tìm tòi, nghiên cứu”. GS.TSTrần Hồng Quân |
“HS học thêm như khổ sai, ăn bánh mỳ, ngủ gục sau lưng cha mẹ. Chúng ta học suốt đời và phải tự học chứ không ai học thêm suốt đời. Khi đã sợ thì thụ động, không tự học, tự nghiên cứu, khó trở thành hiền tài của quốc gia”, ông Hùng phân tích.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, bức xúc nhiều nhất về nạn dạy thêm là ở bậc tiểu học. Một số GV gọi điện… “khủng bố” phụ huynh, ép HS phải học thêm.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói dạy thêm, học thêm tràn lan gây hậu quả xấu một khi GV dạy không phải vì tấm lòng mà vì kinh tế, còn HS học thêm không phải vì nhu cầu mà vì… sợ.
“Mới đây có một du học sinh nói với tôi cháu rất mừng vì thành phố cấm dạy thêm. Hồi học phổ thông, cháu bị chính bố mẹ ép học thêm để không thua sút bạn bè”, bà Tâm lưu ý.
Phản đối dạy tràn lan nhưng GS.TS Trần Hồng Quân cho rằng học thêm là nhu cầu chính đáng của phụ huynh, HS. Truyền thống của dân tộc là hiếu học. Nhiều phụ huynh gửi con học thêm để đi làm. GV có nhu cầu bồi dưỡng kiến thức cho HS yếu, HS giỏi, các kỹ năng không có trong chương trình, thi cuối cấp...
Cần chú trọng kỹ năng tự nghiên cứu
Theo TS Hồ Thiệu Hùng, dạy thêm - học thêm các môn học, các địa bàn, các cấp, bản chất khác nhau nên cần có “biệt dược” cho từng loại.
“Phụ huynh số đông ủng hộ học thêm. Nếu muốn con học hết lớp 9, lớp 12 rồi đi làm thì không cần đi học thêm. Học thêm để đổi đời là nhu cầu chính đáng”, ông Hùng nói.
GS.TS Trần Hồng Quân cho rằng kiến thức dạy bao nhiêu cũng không đủ và sẽ có lúc lạc hậu, cần chú ý tới kỹ năng giúp các em tự nghiên cứu tiếp thu kiến thức. Đào tạo kỹ năng mới tạo sự sinh động, các em muốn học nhưng bị xem nhẹ.
“Khi chúng tôi xây dựng khung chương trình, chuyên gia bộ môn nào cũng muốn tăng giờ dạy môn mình. Chúng ta chưa quan tâm đến việc tích hợp”, ông Quân nói.
Ông Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận HS cấp II, III học 13 môn, để các em tiếp thu đúng nội dung chương trình là quá nặng vì kiến thức nhiều. TPHCM đang khuyến khích xây dựng chương trình để HS tự nghiên cứu, tự học.
Theo nhà giáo Nguyễn Thị Thu Cúc, cơ chế trong thi cử, sách giáo khoa hiện còn bất cập. Muốn HS tự học với đề thi phân hóa quá cao, chương trình nặng là rất khó, dẫn đến các em phải đi học thêm.
“Bộ muốn HS tự nghiên cứu, tranh luận dẫn đến GV không nói hết trong bài giảng, để các em tự nghiên cứu, khám phá. Sĩ số lớp học đông, trình độ, năng lực nhận thức của HS không đồng đều, dẫn đến một số em không hiểu, phải học thêm chính thầy cô của mình. Việc giảm kiến thức, dành thời gian dạy kỹ năng nếu theo cách thi cử như hiện nay thì sẽ ảnh hưởng đến HS vì thi tốt nghiệp lớp 12 là của quốc gia, TPHCM không chủ động ra đề được”, bà Cúc cảnh báo.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa xã hội HĐND TPHCM kể: Một trí thức khá nổi tiếng chưa từng học thêm nhưng ông nói sẽ cho con đi học thêm, nếu không cháu sẽ rớt lớp 10. Học sinh lớp 5 phải đi học thêm nếu muốn thi đỗ vào được các trường điểm.
Vì sao HS các trường quốc tế không học thêm? Bà Nhung cho biết các trường quốc tế sĩ số 20 - 22 HS/lớp. Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) 35-36 em/lớp. Các quận ngoại thành như Gò Vấp là 42 -45 HS/lớp.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu thừa nhận thời điểm này khó tạo sự đồng thuận trong việc cấm dạy thêm, học thêm. TPHCM chỉ cấm dạy trước chương trình, ép HS học thêm. Còn dạy phụ đạo cho các em, dạy các kỹ năng ngoài chương trình không cấm mà còn hoan nghênh.
“Hiện nay, UBND thành phố tiếp tục lắng nghe các ý kiến của cơ quan, chuyên gia, phụ huynh, tiếp thu những giải pháp nào triển khai được sẽ làm ngay. Chúng tôi đã chỉ đạo Sở GD&ĐT mời chuyên gia giỏi xây dựng bộ giáo án cho TPHCM theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành, giúp các em chủ động tiếp thu kiến thức, tự tìm tòi học tập chứ không chỉ học từ thầy cô”, bà Thu nói.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý: Chỉ chấn chỉnh đối với nạn dạy thêm - học thêm tràn lan, gây mệt mỏi cho HS. Cấm dạy thêm - học thêm nhưng không được ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.