Cấm dạy thêm cần lường trước 9 điều

Không thể phủ nhận hiện trạng dạy thêm đang bị lạm dụng. Ngăn chặn việc lạm dụng của dạy thêm, học thêm là việc đáng làm nhưng làm như thế nào?

Thực tế, việc dạy thêm hiện nay như trăm hoa đua nở. Có những thầy cô dạy thêm chỉ vài triệu đồng/tháng nhưng có những thầy cô thu nhập 50-60 triệu đồng/tháng, cá biệt lên tới nửa tỉ đồng/tháng. Rõ ràng bên cạnh các thầy cô dạy thêm để phụ thêm vào đồng lương ít ỏi cũng có những người làm giàu nhờ dạy thêm. Công bằng mà nói, nếu lương nhà giáo được xếp vào hạng “hot” thì chẳng thầy cô nào dạy thêm làm gì khi hình ảnh của mình bị giảm sút.

Dạy thêm kéo theo rất nhiều hệ lụy như nhiều người đã nói. Tuy nhiên, xin hãy lường hết tất cả tình huống có thể xảy ra để giải quyết một cách triệt để và có hiệu quả vấn đề rất đáng quan tâm của giáo dục, đó là dạy thêm - học thêm.

1. Cấm dạy thêm nhưng có cấm được các hình thức dạy thêm trá hình? Những thầy cô trung thực sẽ không dạy. Nhưng vẫn có thầy cô sẽ tìm cách lách dạy thêm bằng hình thức thuê phòng của một trung tâm hay một trường nào đó đưa học sinh (HS) đến học - mượn danh nghĩa trung tâm. Hoặc hình thức nhờ người quen làm nghề tự do đứng tên mở trung tâm còn mọi việc vẫn do thầy cô dạy và quản lý bình thường, vậy làm sao cấm triệt để?

Cấm dạy thêm cần lường trước 9 điều - 1

Học sinh tan học ở một trung tâm dạy thêm tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

2. Cấm dạy thêm, các trung tâm luyện thi và bồi dưỡng văn hóa sẽ mọc lên như nấm và sẽ bội thu. Khi giáo viên (GV) không dạy thêm, HS sẽ dồn vào đấy. Mà ở đó tiền thu về sau khi đã trừ đi mọi khoản chi phí, lợi nhuận thu về từ vài trăm triệu đến 5-6 tỉ đồng/tháng nhưng lại không phải đóng thuế như những ngành kinh doanh khác. Cấm dạy thêm tạo điều kiện cho các trung tâm bóc lột sức lao động của thầy cô bởi vì có nhiều trung tâm trả lương cho thầy cô rất thấp còn lợi nhuận của họ rất cao. Khi thầy cô không còn được dạy thêm sẽ rơi vào thế yếu. Vậy giải pháp nào để quản lý các trung tâm dạy thêm và bồi dưỡng văn hóa?

3. Cấm dạy thêm liệu có đồng đều ở tất cả các nơi hay vẫn có chỗ siết, chỗ buông, “trước căng, sau nới”, nơi vẫn dạy vô tư, nơi thì lùng bắt thầy cô dạy thêm như tội phạm? Và cả sự không công bằng giữa thầy cô có lòng tự trọng và những người cố tìm mọi cách để lách? Người biết lấy lòng phường xã, cấp trên vẫn cứ đều đều mở lớp, người thì nghiêm chỉnh chấp hành không dạy thêm bất cứ HS nào?

4. Cấm dạy thêm có cấm được hình thức dạy kiểu gia sư? Trước đây, con em nhà nghèo vẫn có thể học thêm còn bây giờ chỉ có con nhà giàu mới được học. Bởi dạy theo kiểu gia sư, cha mẹ phải trả học phí cao. Hoặc có cấm được hình thức chia lớp ra từng nhóm nhỏ theo kiểu gia sư nhóm để hợp thức hóa chuyện dạy?

5. Cấm dạy thêm thì những HS yếu được phụ đạo bằng cách nào? Số HS cần phụ đạo sẽ tăng đột biến bởi bị ép phụ đạo kể cả tình nguyện được phụ đạo?

6. Cấm dạy thêm nhưng rất nhiều cha mẹ đi làm cả ngày mà con chỉ học một buổi xưa nay vẫn quen nhờ thầy cô quản, nay không ai quản liệu có yên tâm? Cách nào để nhà trường quản lý HS mà hình thức dạy thêm không bị núp bóng?

Cấm dạy thêm, các tiệm game, tiệm net sẽ làm ăn phát đạt hơn, HS sẽ nghiện máy tính hơn và kèm theo đó là các tệ nạn xã hội. Tương lai của thế hệ bàn phím sẽ đi về đâu?

7. Cấm dạy thêm thì những GV thật sự chỉ sống bằng lương và chỉ có lương sẽ sống như thế nào? Có phải mở quán bán tạp hóa hay chạy xe ôm để kiếm thêm tiền như những năm 80 của thế kỷ trước? Sẽ có ý kiến những thầy cô ở vùng sâu, vùng xa hoặc những thầy cô không dạy môn chính vẫn sống được đấy thôi. Đúng vậy, sống được theo nghĩa nào? Sống khổ, sống mòn cũng là sống. Ông cha ta ngày xưa đã khẳng định “lương sư hưng quốc”. Thầy cô mà phải buôn thúng bán mẹt, chạy xe ôm thì trong mắt trò không còn sự tôn kính mà chỉ có sự thương hại.

8. Cấm dạy thêm trong khi chương trình sách giáo khoa, thi cử vẫn như cũ chắc chắn cuối năm, tỉ lệ HS có học lực yếu và trung bình tăng, tỉ lệ HS đậu đại học giảm. Hiện trạng ấy có chấp nhận được không?

9. Khi cấm dạy thêm mà những GV vi phạm sẽ xử lý thế nào để giữ tính kỷ cương, nền nếp và vẫn bảo đảm tính nhân văn?

Cần có chế tài minh bạch

Cần có nhiều giải pháp chấn chỉnh nếu việc dạy thêm vẫn diễn ra. GV không được dạy thêm HS mình đã dạy trên lớp đối với cấp II, III. Cần có biện pháp chế tài hữu hiệu nếu GV vi phạm điều này. GV phải công khai, minh bạch danh sách HS học thêm. Để dạy thêm, GV phải đóng thuế thu nhập theo quy định, vừa là sự san sẻ vừa là sự công bằng đối với xã hội. Để dạy thêm cũng cần phải quy định sĩ số HS trong mỗi lớp không được quá 30 em. Như vậy, việc học thêm mới có hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần nghiêm ngặt về thời gian: Không được mở lớp vào giữa trưa và buổi tối không được quá 21 giờ để bảo đảm giờ giấc một cách khoa học. Đã học là phải có phòng riêng biệt đủ ánh sáng, thoáng mát, chỗ ngồi - bàn ghế phải đúng chuẩn, tạo không gian sư phạm cần thiết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thị Thu Hiền (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN