Cái gì cũng 'để mẹ lo', người phụ nữ biến con thành kẻ hư hỏng
Chỉ sinh được một cô con gái nên chị Lan nhất mực yêu thương. Nhà có điều kiện kinh tế nên từ bé, chị Lan đã cho con khoác lên người toàn hàng hiệu, ăn uống, đi chơi sang chảnh.
Kết hôn khi ngoài 30, chị Lan chỉ kịp đẻ được một cô con gái thì "mất khả năng sinh nở". Thời gian đầu khi biết sự thật đó, chị Lan rất buồn nhưng sau này đối diện với "thực tại', chị Lan quyết tâm dồn hết tình cảm cho con.
Ngay từ nhỏ, Quyên (cô con gái duy nhất) đã được chị Lan "cưng nựng" không thiếu thứ gì. Công việc tốt, thu nhập cao giúp người mẹ này đủ sức mua sắm và cho con tận hưởng mọi thứ tốt nhất.
Ngay chiếc áo mặc ở nhà hàng ngày cũng phải là "đồ hiệu", đôi giày bé đi cũng ngót nghét 2 triệu. Cô bé Quyên được bao bọc bởi tình yêu vô bờ bến và túi tiền "không đáy" của mẹ nên cũng nảy sinh nhiều "nhu cầu" tuy còn rất nhỏ.
Quyên rất hay dỗi khi không được đáp ứng hoặc đáp ứng muộn những thứ bé thích. Mỗi lần như thế, thay vì nghiêm khắc với con, chị Lan lại nịnh nọt, chuộc lỗi bằng cách "bù" thêm những món quà đắt tiền khác.
Quyên học ở một trường tư với mức học phí hàng năm bằng thu nhập của lao động bình thường nhiều năm. Tuy là trường "con nhà giàu" nhưng bữa ăn trưa của các cháu cũng giống cơm gia đình. Quyên không chịu ăn, thường bỏ bữa vì "các món không đúng sở thích".
(Ảnh minh họa)
Lo cho con, chị Lan xin cô giáo được mang đồ ăn đến vào mỗi buổi trưa. Thấy cơm của Quyên có nhiều món hấp dẫn, đám trẻ xúm vào xin, nhưng cô bé ôm khư khư rồi tự ra một góc để "thưởng thức".
Quyên dần trở nên ích kỉ, không chỉ với ba mẹ, ông bà mà còn với những người bạn cùng trang lứa. Có lần trên đường đến lớp, cô bé nhìn thấy chiếc váy đỏ treo trong tủ kính cửa hàng. Quyên đòi mua, chị Lan hứa sẽ đáp ứng sau vì bây giờ phải đến trường không sẽ muộn.
Quyên khóc ầm lên, đạp "bùm bụp" vào người mẹ, không chịu được, chị Lan quay xe lại vào mua để con "vui". Bữa đó, cô bé muộn học, bị giáo viên nhắc nhở. Chị Lan đứng trước mặt con, xin lỗi cô. Quyên thì mặt tỉnh bơ.
Quyên lên cấp 2, cái tuổi với nhiều thay đổi, chị Lan lại càng chiều chuộng hơn. Từ việc cho con sử dụng loại điện thoại Iphone đắt nhất đến chiếc máy tính apple đời mới. Quyên thực sự được sống trong "nhung lụa", không thiếu thứ gì.
Dưới sự chiều chuộng "vô bờ" của mẹ, Quyên rất ích kỉ. Cô bé lúc nào cũng chỉ biết đòi hỏi mà không bao giờ tự làm điều gì. Ở trường, Quyên dùng quà cáp 'mua chuộc" các bạn cùng trang lứa, lập nên hội cho riêng mình. Lúc nào cô bé cũng muốn trở thành trung tâm, nếu có bạn nào không "theo", Quyên sẽ sử dụng "quyền lực" để cô lập người đó. Lâu dần, Quyên trở thành nỗi "ám ảnh" của nhiều bạn cùng lớp.
Lên cuối cấp, chị Lan thấy con gái đi chơi nhiều hơn, khi nhắc nhở, chị bị Quyên "quát" lại. Thay vì cứng rắn, chị Lan lại im lặng, để mặc con thích làm gì thì làm vì sợ "ảnh hưởng tâm lý cuối cấp, không thi được cấp 3".
Một lần, chị Lan phát hiện Quyên đi chơi với cậu thanh niên lạ. Sau khi tìm hiểu, chị Lan sững người biết đó là "người yêu" của con gái. Cậu trai kia là học sinh cấp 3 nhưng đã thôi học, hàng ngày chỉ lê la các quán cà phê, đi bar, thậm chí tham gia đua xe mỗi tối.
Quá lo lắng, chị Lan nói chuyện với con gái. Ai dè, Quyên không chút ngần ngại nói thẳng vào mặt mẹ "đây là sự riêng tư của con, mẹ quyền gì mà can thiệp". Lan ức chế, tát Quyên một cái. Cô con gái mắt "trợn tròn" nhìn mẹ rồi không nói năng gì, đứng dậy cho quần áo vào ba lô rồi đi ra khỏi nhà.
Chị Lan chạy theo hỏi thì Quyên không đáp lại, chị túm tay thì lập tức bị Quyên đẩy mạnh một cái, ngã ngồi xuống bậc cửa.
Quyên chạy một mạch không quay lại, mặc cho chị Lan gào thét trong vô vọng. Lúc đầu, chị Lan nghĩ, Quyên quen ăn sung mặc sướng, có bỏ đi cũng chỉ là "bồng bột", sẽ không chịu nổi qua nửa ngày mà sẽ về.
Nhưng cả tối hôm ấy, Quyên không quay lại. Lan gọi điện thì Quyên tắt máy. Chị liên hệ với cô giáo, bạn bè cùng lớp Quyên để tìm con nhưng đều vô ích.
Đêm đó, Lan sống trong sự hoang mang cực độ. Gần 1h sáng, điện thoại Lan đổ chuông, phía bên kia có người giới thiệu là cán bộ công an phường, muốn mời chị lên trụ sở để làm việc liên quan đến Quyên.
Lên tới đồn, ngay ở phòng trực ban, chị Lan thấy con gái mình cùng một nhóm thanh thiếu niên mới lớn, đầu tóc đủ mầu đang ngồi khép nép.
Sau khi trao đổi, chị Lan mới biết Quyên vừa bị công an đưa về vì tham gia đua xe trái phép. Cả nhóm "chơi" có hơn 10 xe máy đều bị công an bắt giữ. Do Quyên chưa đủ tuổi nên công an phải mời gia đình lên giám hộ.
Làm xong các thủ tục thì cũng đã 3h sáng, trước khi đưa Quyên về, đồng chí công an phường còn cảnh báo "chị nên nghiêm khắc với cháu, cháu đi đua thế này không phải lần đầu tiên đâu, may là chưa xảy ra tai nạn".
Lan nghe xong mà rã rời. Đến giờ thì chị đã hiểu, tình yêu mà chị dành cho con là mù quáng. Nó chính là nguyên nhân đưa Quyên đến những suy nghĩ bất cần, ích kỉ và tiêu cực như thế này.
Có lẽ, chị Lan sẽ phải thay đổi nếu muốn "cứu" cô con gái duy nhất của mình.
“Người lớn cho rằng trẻ em chưa đủ khả năng nhận thức để biết xấu hổ, đó là sai lầm. “ - Nhà tâm lý học Tử Hồng chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]