Cải cách kiểu ‘Luật Záo zụk’ liệu có đáng không!

Đề xuất cải cách tiếng Việt của ông Bùi Hiền chỉ để tiết kiệm một số giấy in bên cạnh một ít thời gian soạn thảo văn bản, trong khi nó lại gây ra nhiều lộn xộn và hệ quả khó lường.

Cải cách kiểu ‘Luật Záo zụk’ liệu có đáng không! - 1

Vài hôm nay dư luận xôn xao về đề xuất thay đổi bảng chữ cái chữ Quốc ngữ của PGS-TS Bùi Hiền. Đó chỉ là những thay đổi về phụ âm đầu nhưng cũng đủ để nhận ra những yếu tố sai lầm và phiêu lưu của đề xuất ấy, vì nó dựa trên một sự hiểu biết hời hợt về cả tiếng Việt lẫn lịch sử chữ Quốc ngữ. Đồng thời tác giả của đề xuất ấy hoàn toàn không tiên liệu tới các hệ quả bất lợi có thể đưa tới cho sinh hoạt ngôn ngữ, xã hội và văn hóa ở Việt Nam.

Hậu quả khó lường

Từ lâu nhiều người đã chỉ ra những điểm bất hợp lý của chữ Quốc ngữ, ví dụ có khi dùng tới hai, ba ký tự để ghi một phụ âm (Ch, Gh, Gi, Kh, Ng, Ngh, Nh, Ph, Th, Tr), hay dùng hơn một cách ghi cho cùng một âm vị (C và K, G và Gh, Ng và Ngh). Cho nên nếu chỉ đặt vấn đề điều chỉnh vài trường hợp như hợp nhất C và K, bỏ h trong Gh và Ngh, thay Gi bằng Z, thay Ph bằng F thì khác, vì đó là điều hợp lý và nhiều người thấy chấp nhận được. Nhưng đề xuất nói trên lại đi quá xa với việc dùng K thay cho C, K, Q, dùng C thay cho cả Ch lẫn Tr, dùng Z thay cho D, Gi và R, trong thực tế là thủ tiêu các phụ âm đầu Q, Tr và D (hoặc Gi), R.

Nói thêm là trong loạt bài trên Avenir du Tonkin năm 1906, L. Cadière đã nêu ra sự khác biệt giữa C và Q, giữa D, Gi và R về âm vị để chứng minh việc hợp nhất chúng vào những cách viết K và J mà đề án cải cách do Tiểu ban cải cách chính tả chữ Quốc ngữ đương thời đưa ra là sai. (Xem Cao Tự Thanh, I và Y trong chính tả tiếng Việt, NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM, 2014, phần Phụ lục do Nguyễn Nghị dịch).

Cho nên không cần phải giàu trí tưởng tượng cũng có thể thấy những hậu quả về ngôn ngữ và nhất là về văn hóa và xã hội mà đề xuất nói trên sẽ gây ra nếu không may nó được chấp nhận.

Cải cách kiểu ‘Luật Záo zụk’ liệu có đáng không! - 2

Học sinh tiểu học đang tập viết chữ Việt. Ảnh: HTD

Bất hợp lý và xáo trộn

Trước hết, việc thủ tiêu một số phụ âm đầu sẽ gây ra sự xáo trộn to lớn về từ vựng trong văn bản, vì số từ đơn đồng âm tăng lên, ví dụ trung/chung, da/gia/ra sẽ không còn được phân biệt trên cả chữ viết. Hoạt động giao tế, thông tin và lưu trữ bằng chữ viết sẽ gặp nhiều trở ngại, chẳng hạn trung trinh viết là cuq cin’ dễ bị hiểu là chung chinh(chông chênh), câu fi, cớ cêu, qoài za đều có thể hiểu hai cách là trâu phi/châu Phi, chớ trêu/trớ trêu, ngoài da/ngoài ra.

Việc dạy chữ Hán trong nhà trường mà nhiều người đang quan tâm lại gặp thêm nhiều khó khăn, ví dụ câu “Biết thì lấy làm biết…” trong Hán ngữ sẽ được phiên âm theo chính tả mới là “Ci nhi vi ci ci, bất ci vi bất ci, thị ci zã”, ai rủi ro làm nghề dạy chữ Hán sẽ phải khóc thét.

Ngoài ra, hàng loạt từ điển cả ngôn ngữ lẫn khoa học kỹ thuật sẽ phải vứt bỏ hay in lại, rất nhiều người nước ngoài sẽ phải học hay học lại một thứ chữ Việt Nam có những ký tự “một mình một chợ” xa lạ với tâm thức văn tự của họ, vì C, W trong bảng chữ cái mới lại mang âm vị của Ch, Th…

Tưởng đơn giản hóa ra lộn xộn

Thứ nữa, cơ sở ngữ âm mà ông Bùi Hiền dựa vào trong đề xuất cải cách là “tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội” hiện nay. Đáng chú ý là trong khẩu ngữ tuy nhiều người thuộc phương ngữ Bắc nói Trong chương trình thành Chong chương chình song vẫn hiểu Ch và Tr là hai phụ âm đầu khác nhau nhưng với lối viết Conq cươq cìn’ ông Bùi Hiền đã mặc nhiên coi chúng là một!

Tiếng nói vốn mang tính phi quy chuẩn cao hơn chữ viết, nếu chỉ theo tiếng nói của một địa phương, tại một thời điểm thì bất kể thế nào chữ Quốc ngữ cũng sẽ bị kéo lùi về vị trí “chữ viết của các phương ngữ” như người ta đã thấy qua rất nhiều sách báo quốc ngữ trước năm 1945. Chữ Quốc ngữ là loại chữ ghi âm, mà ngữ âm thường xuyên biến động và nhiều khi một cách ngẫu nhiên, nếu chỉ dựa vào ngữ âm thì trước sau ít nhiều gì cũng đưa tới hậu quả “thư bất đồng văn”, không chỉ trong cộng đồng Việt Nam mà cả trong từng cộng đồng phương ngữ.

Sau cùng, việc dùng một bảng chữ cái mới như vậy còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với việc tiếp cận các văn bản thuộc hệ thống chữ Quốc ngữ đang có. Việc từ bỏ chữ viết Hán-Nôm đã khiến người Việt Nam gặp nhiều trở ngại trong hoạt động tìm hiểu lịch sử dân tộc và văn hóa truyền thống. Nay lại có tới hai hệ thống chữ Quốc ngữ, không khéo năm, bảy, mươi năm nữa các trường đại học lại phải biên soạn thêm ít ra là một giáo trình Cổ quốc ngữ. Bởi vì theo đề xuất của ông Bùi Hiền, một số phụ âm đầu như Tr, R tuyệt tích trong bảng chữ cái mới sẽ không có âm đọc cụ thể và cách đọc xác định như chúng đã có, từ đó dẫn tới nhiều khó khăn cho việc nhận dạng từ vựng, đọc hiểu văn bản.

Bấy nhiêu lộn xộn to lớn, rộng khắp và lâu dài mà đề xuất thiếu cân nhắc của ông Bùi Hiền có thể gây ra (như đã phân tích trên) chỉ để tiết kiệm một số giấy in bên cạnh một ít thời gian soạn thảo văn bản, liệu có đáng không?

Trong loạt bài trên Avenir du Tonkin năm 1906, L. Cadière viết: “Chủ tịch Tiểu ban cải cách chính tả chữ Quốc ngữ nói rằng khi thực hiện các cuộc cải cách này, người ta muốn quy tắc hóa và đơn giản hóa cách viết thông thường. Người ta quên rằng việc đơn giản hóa đôi khi cũng dẫn đến tình trạng lộn xộn”. 

Đề xuất Tiếq Việt kiểu mới
Bạn có đồng ý với đề xuất cải tiến Tiếng Việt kiểu mới không?
PGS. TS Bùi Hiền: 'Họ chửi tôi điên, nhưng lại học chữ của tôi để chế nhạo tôi rất nhanh'

Những ngày qua PGS. TS Bùi Hiền, tác giả công trình nghiên cứu cải tiến chữ cái tiếng Việt cho biết bản thân ông vấp phải...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Tự Thanh (Pháp luật TPHCM)
Đề xuất tiếng Việt kiểu mới của PGS-TS Bùi Hiền Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN