Các trường ngại tuyển sinh riêng

Các trường ĐH tốp trên đang cân nhắc việc tuyển sinh riêng, trong khi các trường tốp giữa và dưới sẽ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển

Lãnh đạo Trường ĐH Ngoại thương cho biết trường này đã nghiên cứu phương án tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) từ khi còn là dự thảo. Tuy nhiên, trường đồng thời cũng nghiên cứu xây dựng phương án tự chủ tuyển sinh của mình từ năm 2017.

Chưa quyết phương án tự chủ tuyển sinh

Dự kiến trường sẽ tuyển sinh dựa trên điểm thi THPT kết hợp với kết quả trung bình bậc phổ thông của thí sinh. Theo đó, thí sinh phải có kết quả học lực lớp 12 đạt từ 6,5 điểm trở lên, hạnh kiểm từ loại khá. Trường này cũng giữ lại các tổ hợp thi cũ, đồng thời nghiên cứu các tổ hợp mới theo phương án công bố của Bộ GD-ĐT để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. “Chúng tôi muốn lựa chọn thêm những em có nhiều tiềm năng vào trường và sẽ cố gắng để công bố phương án thi sớm nhất” - ông Bùi Anh Tuấn, hiệu trưởng nhà trường, cho hay. Theo kế hoạch, trường này sẽ thảo luận về kế hoạch tuyển sinh và đưa ra một phương án tự chủ tuyển sinh trong tháng 11 để thí sinh được biết.

Các trường ngại tuyển sinh riêng - 1

Thí sinh thi môn vẽ trang trí vào Trường ĐH Kiến trúc TP HCM năm 2016 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Một trường tốp trên khác là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng chưa quyết phương án tuyển sinh cho năm 2017. Theo ông Hoàng Minh Sơn, hiệu trưởng nhà trường, nếu thấy đủ tin tưởng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, trường sẽ tuyển sinh dựa trên điểm của kỳ thi này hoặc sẽ có thêm những phương án khác để có thể sàng lọc thí sinh tốt hơn.

Trong khi các trường tốp trên chưa chốt được phương án tuyển sinh thì phần nhiều các trường tốp giữa, tốp dưới đều quyết định dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển.

Ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi, cho rằng phương án thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT là hợp lý và trường sẽ sử dụng kết quả này để xét tuyển. Ông Thạc nhận định việc bộ mở rộng số lượng câu hỏi và tăng thời gian thi nên đề có khả năng đánh giá năng lực và phân loại được thí sinh. Kỳ thi cũng tổ chức theo hình thức trắc nghiệm khách quan, đề của các thí sinh có độ trùng lặp chỉ 20% nên sẽ hạn chế được các tiêu cực trong thi cử.

Ông Nguyễn Hóa, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Thương mại Hà Nội, cho biết trường phải chờ Bộ GD-ĐT công bố chính thức quy chế tuyển sinh rồi mới tính đến phương án tuyển sinh của trường. Tuy nhiên, về lâu dài, theo ông Hóa, việc xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi THPT quốc gia là ổn.

Tính toán lại môn xét tuyển

Lãnh đạo Học viện Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng năm 2017 trường này dự kiến vẫn lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia 2017 để tuyển sinh vào trường. Trừ những ngành chất lượng cao dạy bằng tiếng Anh thì không dùng phương án này để tuyển sinh, các ngành còn lại sẽ kết hợp xét bằng học bạ khoảng 50% trong tổng số chỉ tiêu.

Một số trường ĐH phía Nam cũng cho biết vẫn lấy kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển mà không tổ chức thi riêng nhằm giữ ổn định cho việc tuyển sinh. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM dự kiến sẽ dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, xét học bạ và sử dụng kết quả của kỳ kiểm tra năng lực của ĐHQG Hà Nội (do trường này là vệ tinh của ĐHQG Hà Nội nhằm tổ chức kiểm tra năng lực ở phía Nam) để xét tuyển.

Trường ĐH Ngân hàng TP HCM cũng dự kiến xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia chứ không đứng ra tổ chức thi riêng song dựa trên 5 môn thi gồm toán, văn, ngoại ngữ và 2 môn tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, trường sẽ tính toán lại các môn xét tuyển. Cụ thể, khối ngành kinh tế cần môn toán để tư duy, môn văn để soạn thảo văn bản, hợp đồng và ngoại ngữ để hội nhập. Trường dự kiến xét 3 môn toán, văn, ngoại ngữ, 2 môn tổ hợp còn lại ít liên quan ngành kinh tế nên có thể loại trừ.

Bốn lựa chọn về phương thức tuyển sinh

Theo phương án thi THPT quốc gia 2017, trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2017, các trường sẽ có 4 lựa chọn về phương thức tuyển sinh.

Thứ nhất, các trường công bố công khai tổ hợp các bài thi, môn thi của kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi, đồng thời công bố công khai chỉ tiêu dành cho các tổ hợp xét tuyển khác nhau; trong đó, phải dành ít nhất 25% chỉ tiêu để xét tuyển theo các khối thi truyền thống (A, A1, B, C, D). Việc xét tuyển có thể được thực hiện nhiều đợt trong thời gian quy định của kỳ tuyển sinh và theo yêu cầu của các trường.

Thứ hai, các trường sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT, kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh. Các trường phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận) và cách tính điểm xét tuyển.

Thứ ba, các trường xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT. Với phương thức này, các trường thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (lớp 12 hoặc cả 3 năm THPT).

Thứ tư, các trường có thể phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh và quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh (Người lao động)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN