Các trường "hot" tự xây dựng phương án tuyển sinh lớp 6

Buổi họp báo kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ nhưng điều mà dư luận quan tâm nhất là về phương án cụ thể xét tuyển vào lớp 6 các trường “nóng” vẫn chưa được giải đáp.

Sau nhiều tranh cãi về phương án tuyển sinh lớp 6 thời gian qua, chiều 21.4, buổi giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội đã dành toàn bộ thời gian để lãnh đạo Sở GD&ĐT giải đáp phóng viên về phương án tuyển sinh lớp 6 năm học 2015-2016.

Trước đó, ngày 17.4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chính thức có văn bản yêu cầu tất cả các trường THCS tuyển sinh lớp 6 theo phương thức xét tuyển, tuyệt đối không trường nào được tổ chức thi tuyển.

Quyết định này khiến những trường đã trình phương thức tuyển sinh riêng theo yêu cầu của Sở trước đó bất ngờ và lo lắng bởi vẫn chưa tìm được phương thức tuyển sinh nào phù hợp khi số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh.

Các trường "hot" tự xây dựng phương án tuyển sinh lớp 6 - 1
Sở GD-ĐT Hà Nội giải đáp các thắc mắc về công tác tuyển sinh lớp 6 

 

Vì sao Hà Nội thay đổi phương án tuyển sinh 3 “trường nóng”?

Tại cuộc họp, rất nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi đến lãnh đạo Sở GD-ĐT gồm 4 phó giám đốc sở và rất nhiều trưởng phòng, ban của sở này có mặt tại cuộc họp.

Các phóng viên đề nghị sở trả lời tại sao, chỉ sau có 1 ngày sở cho phép 3 trường “nóng”  gồm được tuyển sinh riêng nhưng lại có thay đổi thành “tất cả các trường đều phải xét tuyển”? Nếu không cho xét tuyển riêng, vậy các trường xử lý sao khi số hồ sơ nộp vào cao gấp nhiều lần chỉ tiêu?

Cách thức xét tuyển như thế nào? Sở là cơ quan chủ quản có cách làm gì hoặc tham mưu để tránh tiêu cực, làm cảm tính trong xét tuyển?

Phương án xét tuyển học bạ làm sao để công bằng khi mức điểm học sinh khá cân bằng nhau? Sở có tính phương án bốc thăm như trường mầm non từng làm trước đây?...

Trả lời phóng viên, ông Phạm Văn Đại - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, hiện nay có một số trường được dư luận và thực tiễn đánh giá có chất lượng giáo dục đào tạo cao. Hà Nội cũng thực hiện Luật Thủ đô, xây dựng một số trường chất lượng cao trên toàn thành phố.

Vấn đề hiện nay ở chỗ phải giải quyết thực tế, số lượng hồ sơ nộp cao, nhưng chỉ tiêu có hạn? Theo ông Đại, ngay tháng 3.2015 Bộ GD&ĐT có chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm... trong đó có cấm các trường không được khảo sát tuyển sinh vào lớp 6.

Đây là vấn đề mới và cần tính đến đặc thù giáo dục Thủ đô – đang xây dựng trường chất lượng cao. Sở có văn bản báo cáo và xin ý kiến Bộ GD&ĐT về phương án đặc thù. Bộ yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc không tổ chức tuyển sinh vào lớp 6.

Theo lãnh đạo Sở, để ban hành quyết định hành chính, Sở phải thu thập thông tin và ý kiến chuyên gia, đề nghị các trường có số lượng học sinh đăng ký vượt chỉ tiêu phải xây dựng phương án khả thi tuyển sinh phù hợp...

Sau đó, Sở họp trao đổi với các nhà trường, nhà khoa học trao đổi về các đề án của nhà trường... thấy có 3 trường có thể thử thí điểm.

Cụ thể, Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy) đề xuất phương án xét tuyển cộng đánh giá năng lực người học. Trường Lương Thế Vinh và Marie Curie xét tuyển và đánh giá năng lực dựa trên bài test IQ, EQ và trò chơi trí tuệ.

Tuy nhiên, đây là việc cần xin ý kiến rộng rãi của các nhà giáo, nhân dân, nhà quản lý... sau đó các ý kiến phản hồi lại cho rằng, phương pháp đánh giá năng lực người học như trên là tiên tiến của các nước.

Luồng dư luận thứ 2 cho rằng, muốn đánh giá IQ và EQ đòi hỏi phải có trung tâm ngoài nhà trường khách quan đánh giá. Theo đó có hệ thống giáo sư, chuyên gia chuyên nghiên cứu vấn đề IQ, EQ mới đưa ra câu hỏi chính xác, phù hợp lứa tuổi. Trong khi đó các trường còn thiếu chuyên gia, các câu hỏi đặt ra đôi khi chưa phù hợp.

Xét thấy đây là phương pháp tốt nhưng còn mới quá, chưa được phổ biến rộng rãi trong dư luận và phụ huynh học sinh. Đồng thời, có thể tạo áp lực mới, thay vì các em học thêm văn, toán, ngoại ngữ, lại đi học thêm cách làm bài IQ, EQ.

“Do đó, chúng tôi nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến để điều chỉnh lại quyết định. Trong năm nay, thực hiện phương án xét tuyển toàn thành phố”, ông Đại nói.


Hiệu trưởng tiếp tục xây dựng phương án tuyển sinh  

Ông Đại cho rằng, thời gian tới, Sở và các quận huyện nghiên cứu để làm sao điều hòa được chất lượng nhà trường, tăng cường cơ sở vật chất để tạo ra nhiều trường chất lượng tốt hơn.

Về phương pháp xét tuyển, hiện tại có một số trường như Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh, Marie Curie,  Hà Nội – Amsterdam... có lượng hồ sơ đăng ký cao hơn nhiều so với chỉ tiêu.

Phó giám đốc Sở nói rằng, theo luật, hiệu trưởng phải có trách nhiệm về tuyển sinh, quản lý, vận hành nhà trường. Không ai hiểu trường đó hơn lãnh đạo nhà trường, do vậy các hiệu trưởng phải xây dựng phương án báo cáo UBND các cấp có thẩm quyền.

“Từ đó, Sở sẽ xem xét các phương án đó có phù hợp với khoa học giáo dục, luật giáo dục hay không và có lợi cho các học sinh hay không? Chúng tôi sẽ xem xét và có ý kiến về phương án đó”, lãnh đạo Sở nói.

Buổi họp báo kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ nhưng điều mà dư luận quan tâm nhất về phương án cụ thể xét tuyển vào lớp 6 các trường “nóng” vẫn chưa được giải đáp.

Tất cả phải chờ đến chậm nhất ngày 30.5 toàn bộ kế hoạch tuyển sinh đầu cấp trên toàn thành phố được công khai.

Tại cuộc họp chiều 21.4, ông Lê Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội một lần nữa nhắc lại việc tuyển sinh vào lớp 6, năm học 2015 – 2016 theo phương thức xét tuyển.

“Tuyệt đối không được tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6”, ông nhấn mạnh.

Các trường THCS chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh trình Phòng GD & ĐT, UBND quận, huyện phê duyệt. Các quận, huyện, thị xã sẽ hoàn thành kế hoạch tuyển sinh báo cáo về Sở ngày 13.5, chậm nhất ngày 30.5 toàn bộ kế hoạch tuyển sinh đầu cấp trên toàn thành phố được công khai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Thọ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN