Các trường đại học lo chống “ảo”

Hôm nay, 20/4, ngày cuối cùng thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH. Đến ngày hôm qua, 19/4 các Sở GD&ĐT gần như đã cập nhật xong dữ liệu. Năm nay, thí sinh được quyền đăng ký không hạn chế số lượng nguyện vọng, giờ là đến lúc các trường đại học (ĐH) bắt đầu nỗi lo chống “ảo”!

Các trường đại học lo chống “ảo” - 1

Thí sinh xong nhiệm vụ, các trường ĐH lo chống ảo. Ảnh: Nghiêm Huê.

Khoa học xã hội “lên ngôi”

Ông Lê Xuân Quốc, trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết, tính đến hết ngày 19/4, trên hệ thống điện tử của Sở nhận được 5.908 hồ sơ đăng ký dự thi (HSĐKDT). Trong đó có 5.459 HS là của học sinh lớp 12 (tương đương 100%), 449 HS  của thí sinh tự do.  Nên ngày hôm nay, nếu có thêm dữ liệu mới thì là của thí sinh tự do.

Với 5.908 HS đã nhận được, ông Quốc cho hay, có gần 52% chỉ xét tốt nghiệp, 43% vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh ĐH, số HS chỉ xét tuyển sinh ĐH (đối tượng thí sinh tự do) là 5,1%.  Dữ liệu thu được của Sở GD&đt Lào Cai, theo ông Quốc thì năm nay, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi các môn Khoa học xã hội (KHXH) tăng lên rất nhiều, chiếm tới 61.7%.

Sở GD&ĐT Hòa Bình cũng cho biết đến hết ngày hôm qua đã có trên 90% HS đăng ký của thí sinh được nhập vào hệ thống. Năm nay, Hòa Bình có trên 8.000 thí sinh đăng ký dự thi (gồm cả thí sinh tự do), trong đó chỉ xét tốt nghiệp chiếm gần 60%, số còn lại vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh ĐH. Trong số hơn 8.000 thí sinh đăng ký dự thi chỉ có trên 30% chọn bài thi KHTN, còn lại gần 70% chọn bài thi KHXH.

“Hệ thống phần mềm tuyển sinh của Sở GD&ĐT Hòa Bình chạy ổn, không gặp khó khăn. Tuy nhiên,  có một số ít thí sinh phải sửa thông tin, chủ yếu liên quan đến địa chỉ email và số CMTND” - ông Nguyễn Quang Vinh, trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết.

Tại Đà Nẵng, giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Đình Vĩnh cho biết HS của học sinh lớp 12 đã thu được 100%.  Hôm qua, đã có 10.504 HS được đưa lên hệ thống tuyển sinh. Có 1.064 HS chỉ thi để xét tốt nghiệp, chiếm hơn 10%, còn lại gần 90% vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh ĐH. Số thí sinh lựa chọn bài thi KHTN và KHXH  gần tương đương nhau.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Nghệ  An, hôm qua đã có 30.165 HS đăng ký dự thi, trong đó số lượng thí sinh chọn bài thi KHXH cao hơn hẳn số thí sinh chọn bài thi KHTN. Số lượng thí sinh đăng ký chỉ thi tốt nghiệp chiếm 34.8%, đăng ký xét tuyển ĐH chiếm 63,2%.

Lúng túng chống ảo

Theo số liệu của Sở GD&ĐT Đà Nẵng thì đến ngày hôm qua đã có 32.186 nguyện vọng (NV) được đăng ký. Như vậy trung bình mỗi thí sinh chọn 3.4 NV. Còn theo ông Lê Xuân Quốc, sở GD&ĐT Lào Cai thì thí sinh của tỉnh đăng ký từ 3 đến 5 NV. Trong khi đó, số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT những ngày qua cho thấy, tỷ lệ đăng ký từ NV thứ 4 trở đi chiếm đến con số khá lớn (con số đến 18h ngày hôm qua là trên 800.000 NV). Việc cho thí sinh đăng ký nhiều NV đang tạo ra sức ép rất lớn đối với các trường ĐH,  nhất là các trường top dưới.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, trưởng phòng Đào tạo ĐH và Sau ĐH, trường ĐH Thủy lợi tỏ ra khá lo lắng trước tình hình tuyển sinh năm nay. Bởi theo ông, nếu không tham gia vào một nhóm trường nào đó để xét tuyển thì các trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong khâu lọc ảo.

“Đồng ý là Bộ GD&ĐT giúp các trường lọc ảo nhưng các trường phải tự  chạy dữ liệu tuyển sinh để đưa ra mức điểm chuẩn dự kiến. Sau đó dữ liệu đó được chuyển lên Bộ GD&ĐT, Bộ sẽ giúp các trường lọc ảo rồi sau đó các trường sẽ tiếp tục về chạy lại lần nữa nếu chưa đủ chỉ tiêu. Với quy trình này thì đến lần cuối cùng đưa dữ liệu lên phần mềm lọc ảo của Bộ các trường vẫn chưa hết ảo” - ông Tuấn Anh cho hay. Vì thực tế, dữ liệu một trường dịch chuyển sẽ kéo các trường khác dịch chuyển theo.

Đồng ý với lo lắng này của ông Nguyễn Tuấn Anh, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH, trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết các trường còn một nỗi lo ảo khác đó là thí sinh trúng tuyển vào trường nhưng không nhập học. “Đối với những thí sinh trúng tuyển NV5, NV6 trở lên, tôi lo rằng đó là những thí sinh không mặn mà muốn gắn bó với trường mà chỉ đăng ký lấp chỗ trống” - ông Điền nói.

Cũng theo ông Điền phân tích thì đối với tất cả các trường, NV1 là NV “chắc chắn” không ảo nhất. Từ NV2 trở đi, các trường sẽ rất khó đoán định. “Ngay tại ĐH Bách khoa Hà Nội, chúng tôi cũng mới chỉ xác định, những thí sinh đăng ký NV1  là những thí sinh mà dữ liệu của các em chắc chắn thuộc về mình. Còn từ NV2 trở đi, dữ liệu của các em lại thuộc các trường các em đăng ký NV1.  Rất nhiều trường tôi được biết là đang rất băn khoăn không biết chạy dữ liệu như thế nào đối với những HS không phải NV1.

Vấn đề nữa mà các trường ĐH quan tâm đó là các trường được phép đưa dữ liệu lên Bộ GD&ĐT lọc ảo mấy lần trước khi công bố điểm trúng tuyển đợt 1? Còn các chuyên gia thì khuyên thí sinh cần cân nhắc đăng ký NV thật cẩn thận, đúng với sở thích, sở trường, điều kiện của mình. Vì cơ hội xét tuyển sau đợt 1 của các trường ĐH sẽ không còn nhiều. Thậm chí sẽ chỉ còn rất ít các trường phải xét tuyển bổ sung.

Theo Bộ GD&ĐT, đến 18h ngày 19/4/2017 có 842,490  thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia. Trong đó, số thí sinh đăng ký xét tuyển là 629,788 (74.75%). Số thí sinh tự do là 71,896 (8.53%). Tỷ lệ chọn bài tổ hợp,  KHTN có  317,817 thí sinh (37.72%) đăng ký. Bài  KHXH có  411,562 thí sinh đăng ký (48.85%). Số thí sinh đăng ký cả hai bài là  69,911(8.3%). Đã có 592,043 HS  ĐKXT được nhập lên hệ thống, đạt 94.01%. Trong số đó, NV1: 592.043 (100%), NV2: 514,760 (86.95%), NV3: 415,849(70.24%), NV4: 299,404(50.57%),  NV5: 205,865 (34.77%), NV còn lại: 354,238 (59.83%). Đã có 40 tỉnh/TP hoàn tất đăng ký. 

Tham khảo chỉ tiêu tuyển sinh các trường Đại học, Cao đẳng 2017 tại đây

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN