Các sở giáo dục ủng hộ thi trắc nghiệm toán
Trong khi các chuyên gia còn có những ý kiến trái chiều về phương án thi 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đặc biệt là thi trắc nghiệm toán, thì nhiều sở GD-ĐT lên tiếng ủng hộ hình thức thi này
Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Tây Ninh cho biết, từng là giáo viên dạy toán ông không bất ngờ với quyết định của bộ về việc chuyển thi toán từ tự luận sang trắc nghiệm.
Theo ông Tài, “Từ năm 2007, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ GD-ĐT đã công bố lộ trình thi THPT. Theo tinh thần này, các môn vật lý, hoá học, sinh học và ngoại ngữ sẽ thi trắc nghiệm trước, riêng môn toán và các môn khoa học xã hội sẽ thực hiện sau”.
Ông Tài cũng cho rằng việc thi trắc nghiệm môn toán đã được nhiều quốc gia có nền giáo dục phát triển áp dụng từ lâu và “Chính thi trắc nghiệm mới giúp học sinh phổ thông phát triển tư duy, còn tính sáng tạo sẽ được các em thể hiện ở bậc học cao hơn, tức khi vào ĐH. Cần phân biệt, tư duy và sáng tạo là hai vấn đề khác nhau chứ không phải một” - ông Tài nói.
Một số lãnh đạo các sở GD-ĐT cho rằng kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ nhẹ nhàng, đơn giản hơn. Ảnh: B. Lâm
Về tinh thần chung của kỳ thi năm 2017, ông Tài cho rằng những đổi mới trong bản dự thảo mà Bộ vừa mới công bố, nếu thực hiện tốt, về lâu dài, chuyện học tủ, học lệch của học sinh sẽ không còn, vì môn nào cũng phải học, cũng phải coi trọng như nhau. “Kỳ thi năm 2017 chắc chắn sẽ nhẹ nhàng, đơn giản hơn kỳ thi hai năm 2015 và 2016, vì mỗi bài thi tổng hợp vật lý, hoá học, sinh học hoặc lịch sử, địa lý và giáo dục công dân chỉ có 60 câu hỏi trắc nghiệm, tức là mỗi môn chỉ còn 20 câu hỏi trong khi kỳ thi năm vừa qua là 50 câu”, ông Tài so sánh.
Đánh giá về dự thảo phương án thi lần này, ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Kon Tum cho rằng nhìn chung những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tạo thuận lợi cho giáo dục của của địa phương. Cụ thể: giảm chi phí, tốn kém cho gia đình học sinh, cho toàn xã hội vì kỳ thi chỉ thực hiện trong 2 ngày thay vì 4 ngày như trước đây. Phương án thi này còn thực hiện được mục đích giáo dục toàn diện cho học sinh, tránh được học tủ, học lệch do thi theo từng bài thi: bài thi khoa học tự nhiên và bài thi khoa học xã hội, từ đó giúp cho học sinh phát triển nhân cách một cách toàn diện.
Cũng theo Phó GĐ Sở GD-ĐT Kon tum, năng lực của Sở GD-ĐT có thể đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, Bộ GD-ĐT cần tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ, thanh tra, giám sát. Có thể 2 trường ĐH,CĐ phối hợp, hỗ trợ, thanh tra, giám sát một cụm thi của tỉnh. Hiện Sở GD-ĐT Kon Tum đã có sự chuẩn bị trong khi chờ Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 chính thức.
Ông Đoàn Văn Thoại, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, huyện Nam Trực, Nam Định đánh giá nhìn chung phương án thi, tuyển sinh năm tới sẽ đỡ tốn kém hơn. Ông Thoại cũng cho rằng với phương án thi các bài tổ hợp, các trường ĐH,CĐ sẽ dễ dàng hơn trong việc chọn nhưng thí sinh phù hợp nhất với mình.