Cả ngày học chữ, luyện viết…con chán chường, mệt mỏi
"Một buổi tối, sau khi tẩy đi, viết lại mãi một chữ mà vẫn xiên xẹo, không đúng dòng, nó hét lên với tôi là: “học lắm thế, học để chết à?”... Tức là việc học chữ cả ngày ở trên lớp và về lại phải luyện thêm như thế thật sự đã đi quá giới hạn của nó”, một phụ huynh có con học lớp 1 tại huyện Thanh Trì, Hà Nội chia sẻ trên trang cá nhân.
Nhiều ý kiến phụ huynh, giáo viên cho rằng, SGK Tiếng Việt 1 thiết kế bài học quá nặng.
Theo phụ huynh này, vấn đề không chỉ ở phía con chị hay những đứa trẻ chưa từng học lớp “tiền” tiểu học mà cả ở những đứa đã đi học chữ từng trước thì chương trình năm nay cũng không thể dễ chịu. Bạn chị ở Sơn Tây, không cho con đi học lớp “tiền tiểu học” nhưng dạy con từ trước ở nhà trước khi vào lớp 1 cũng kêu chương trình nặng quá, mỗi tối hết vợ, rồi chồng phải dành ít nhất 1,5 tiếng đến 3 tiếng để kèm con học mà vẫn “đọc chữ nào quên chữ đấy”...
Một bài tập viết của học sinh lớp 1 sau 3 tuần thực học
“Hãy nhìn vào bảng kế hoạch giáo dục của chương trình mới, chỉ xét về bậc tiểu học thì số tiết tiếng Việt ở lớp 1 cao nhất là 420 tiết so với 350 tiết ở lớp 2 và 245 tiết ở lớp 3, lớp 4 và lớp 5. Nhìn thời khoá biểu của con tôi học lớp 1 thì thấy có đến 12 tiết tiếng Việt/ tuần, trung bình có đến 2,4 tiết tiếng Việt một ngày trên tổng số 7 tiết một ngày (bao gồm cả những tiết như chào cờ, sinh hoạt lớp, hướng dẫn học, thể dục...)”, phụ huynh này viết.
Theo phụ huynh, phần lớn thời gian các bạn ấy ở trên lớp chỉ tập trung vào tiếng Việt, và như con chị vì chưa học chữ từ trước nên tối nào cũng phải luyện thêm “chữ” ở nhà thì không “ngộp thở” mới là điều lạ. Người lớn chỉ làm một một việc cả ngày còn chán huống gì những đứa trẻ, điều này chắc chắn nảy sinh tâm lý chán chường, tiêu cực, chán ghét việc học ở trẻ, nó chỉ thấy học không phải là niềm vui, sự hứng thú, hấp dẫn mà chỉ là áp lực phải vượt qua... Không chỉ tăng về số tiết mà “tốc độ” dạy học của riêng chương trình lớp 1 năm nay đúng thật là như “tên bắn”.
Nếu như năm trước học sinh được học thuộc hết bảng chữ cái, được viết nét sau mới dạy ghép vần và ghép câu... thì năm nay cách bạn ấy học chữ cái nào viết luôn chữ ấy, một tiết học hai, ba chữ cái thì ghép vần rồi ghép luôn câu... đồng thời với việc học quá nhiều là học quá nhanh thì được gọi là “nhẹ” hay “nặng”, có gọi là “chín ép” nữa không thì chắc chắn không cần phải hết năm học mới có thể đánh giá được nữa rồi.
Theo cách giải thích của Bộ GD&ĐT thì tăng cường việc học tiếng Việt lớp 1 để học sinh càng sớm đọc thông viết thạo càng tốt để sớm tiếp cận được với các môn học khác nhưng cũng cho rằng việc tăng cường tiết tiếng Việt như vậy lại không tăng lượng kiến thức so với chương trình cũ? Điều này rất khó hiểu khi “không tăng lượng kiến thức so với chương trình cũ” nhưng lại yêu cầu học xong lớp 1 phải đọc thông viết thạo với tốc độ 80 - 120 tiếng/ phút, viết chính tả lại là nghe - viết chứ không nhìn - chép như trước nữa với các văn bản đọc viết rất dài... Mục tiêu của chương trình cải cách lần này là giảm tải kiến thức (hàm lâm) tăng cường phát triển năng lực học sinh thế nhưng với “phần mở đầu” là lớp 1 lại cho thấy điều ngược lại - mặc dù chẳng hàn lâm nhưng lại rất áp lực.
Thiết nghĩ chỉ khi nào mục tiêu của cải cách giáo dục là giáo dục con người thì mới hi vọng vào “sự thay đổi”.
Nhiều giáo viên lớp 1 năm nay khẳng định, SGK mới thiết kế bài học khá nặng so với chương trình cũ. Chương trình cũ đã nặng nhưng mỗi buổi trẻ chỉ học 2 âm, vần nhưng đến SGK mới bài học được thiết kế dài với nhiều nội dung. Ngoài tăng thời lượng môn tiếng Việt trên lớp (tăng 70 tiết) so với năm trước, trẻ còn được giáo viên giao bài tập về nhà khiến học sinh mệt mỏi, áp lực.
Nhiều giáo viên cho rằng, cách thiết kế 1 bài học nhiều nội dung như thế này quá nặng đối với trẻ 6 tuổi.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội cũng cho biết, khi có trong tay 5 bộ SGK, nhà trường đề nghị giáo viên đọc kỹ, sau đó lựa chọn bộ sách nhẹ nhàng nhất. Theo hiệu trưởng này, mục tiêu của sách vẫn hết lớp 1 trẻ biết đọc, biết viết nhưng yêu cầu về bài học, tốc độ từng bài yêu cầu cao hơn so với chương trình cũ.
Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, học sinh mới vào lớp 1 chỉ vừa qua bậc mầm non nên học mà chơi, chơi mà học. Yêu cầu về học chữ, tập viết đối với trẻ ở độ tuổi này chỉ dừng lại ở mức vài dòng, không nên đặt yêu cầu quá cao như, em cần viết đẹp, đúng ô li… Không nên ép học sinh đọc thông, viết thạo càng sớm càng tốt gây căng thẳng cho các em.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều phụ huynh, giáo viên lớp 1 kêu trời vì bài học thiết kế nặng, quá sức học sinh. Không ít học sinh phải học đến...