Bút điện tử: Khó cấp bằng sáng chế

Robot teacher là sản phẩm của Viện Vật lý VN, của Nhật Bản hay Đài Loan? Thực chất những khác biệt, ưu việt của nó có đúng với nhận định của Bộ GD-ĐT khi chọn nó cho việc thí điểm dạy học tiếng Anh?

“Với hồ sơ thể hiện thì để Nhà nước VN thừa nhận sở hữu về mặt trí tuệ của không chỉ anh Thắng (TS Doãn Hà Thắng) mà của các đồng tác giả đứng chung đơn vào thời điểm này và đánh giá chủ quan của tôi là khó khăn” - ông Nguyễn Tiến Thuật, phòng sáng chế 1 Cục Sở hữu trí tuệ, người trực tiếp thụ lý hồ sơ xin cấp bằng sáng chế cho Robot teacher, cho biết.

Đứng đơn chung với hai công ty Nhật và Đài Loan

Theo hồ sơ đăng ký cấp bằng độc quyền sáng chế đối với Robot teacher (bút nhận dạng quang học có chức năng đánh giá ngữ âm và phương pháp đánh giá ngữ âm) mà PV tìm hiểu từ nguồn trung tâm thông tin - Cục Sở hữu trí tuệ thì đứng đơn xin cấp bằng sáng chế sản phẩm trên không chỉ có TS Doãn Hà Thắng mà còn có hai chủ đơn khác là NLC Co.Ltd (địa chỉ 3-1-2, Yasaka, Suma-ku, Kobe, Japan) và Giga Electronics Corp. (địa chỉ 9F, No.15-1, Section 1, Han Chou South Rd, Taipei 10050, Taiwan).

Bút điện tử: Khó cấp bằng sáng chế - 1

Tiến sĩ Doãn Hà Thắng - quyền giám đốc Trung tâm vật lý môi trường, Viện Vật lý VN - giới thiệu sản phẩm Robot teacher - Ảnh: Việt Dũng

Trong khi đó, theo TS Doãn Hà Thắng, Robot teacher là kết quả từ các nghiên cứu. Thứ nhất là nghiên cứu về não người trong lúc đang luyện tập để có bài giảng vấn đáp và luyện tập phù hợp do cá nhân anh tự nghiên cứu từ khi ở Nhật Bản và đề tài nghiên cứu giải pháp chế tạo phần cứng có tính năng mô phỏng người thầy giáo và nạp phần mềm luyện nhớ của tập thể tác giả Viện Vật lý VN do TS Thắng là chủ nhiệm đề tài.

Về những băn khoăn của PV, chiều 20/9 TS Thắng vẫn khẳng định: “Toàn bộ thiết kế là VN, phần mềm luyện não toàn bộ của VN, thiết kế chi tiết từng linh kiện và chỉnh sửa là nhóm nghiên cứu và phát triển Việt, Nhật, Đài Loan. Còn linh kiện chất lượng cao phải mua của các hãng”.

TS Thắng khẳng định Robot teacher là sản phẩm không giống các bút chấm đọc thông thường vì nó không phải đồ chơi chấm đọc mà là sản phẩm nghiên cứu phù hợp với việc dạy học, tổ chức các kỳ thi trong hệ thống giáo dục. Và ông vẫn là “người của đề án” (đề án dạy và học ngoại ngữ), bằng chứng là có tới 20 văn bản của Bộ GD-ĐT có liên quan đến sản phẩm của ông.

Trao đổi với PV, ông Phan Thanh Hải - phó phòng sáng chế 1 Cục Sở hữu trí tuệ - cho biết chức năng đánh giá ngữ âm, có nhiều kỹ thuật đã có từ trước được ứng dụng, trong đó có giải pháp kỹ thuật của Đài Loan (đã được cấp bằng sáng chế). Điều này cũng được ghi rõ trong bản mô tả sáng chế của sản phẩm trên. Cái mới mà TS Thắng khẳng định là khả năng “kích não” - yếu tố thúc đẩy người học.

Theo ông Thuật, “TS Thắng cho rằng giải pháp của anh ấy quan trọng nhất là hiệu ứng kích não. Nó sáng tạo là ở chỗ đó, vì kích não là yếu tố chính trong việc thúc đẩy việc học. Đây chính là điều chúng tôi phân vân vì phải tìm hiểu cơ cấu kích não để học ngoại ngữ nó nằm ở chỗ nào. Khi mà kích não thì nó gắn liền với âm vực, vậy vùng nào của âm vực bị tác động và nó tác động theo kiểu nào thì nó là vấn đề mà ở trong giải pháp kỹ thuật này nó chỉ mới đề cập dạng sơ qua. Anh Thắng bảo vấn đề này là bí quyết riêng của VN mà anh không thể bộc lộ hết vì công trình viết chung với người nước ngoài”.

“Điều quan trọng là hồ sơ không có tính thuyết phục khi đề cập cái mới, ưu việt. Hồ sơ lại đứng tên chung với đối tác của Nhật và Đài Loan. Phần nào của TS Thắng, phần nào của người nước ngoài chúng tôi cũng không biết rõ. Trong khi đó, khi thẩm định chúng tôi cần biết rõ giải pháp kỹ thuật mà TS Thắng cho rằng là cái mới của anh. Tính sáng tạo không được thể hiện rõ, chưa đáp ứng tiêu chí để cấp bằng sáng chế”- ông Thuật nhận xét.

Khi PV trao đổi với TS Thắng về đề tài nghiên cứu não người, TS Thắng cho biết: “Do có quá nhiều lần công ty VN lấy trộm thông tin qua nhiều đường chuyển cho nước ngoài copy nên không thể nói kỹ về nghiên cứu này”.

Mập mờ nguồn gốc?

Vì muốn có sự lý giải rõ sự liên quan của Robot teacher với đối tác Đài Loan, Nhật Bản nên PV đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Bình - phó viện trưởng Viện Vật lý, người từng tham gia nghiệm thu đề tài do TS Thắng là chủ nhiệm.

Ông Bình xác nhận: “TS Doãn Hà Thắng có đăng ký đề tài nghiên cứu máy học tiếng Anh phục vụ việc dạy học tiếng Anh. Vì thấy mục đích của đề tài có ý nghĩa nên viện chấp thuận. Năm 2010, đề tài này được nghiệm thu nhưng không tổ chức phản biện vì chỉ là đề tài cấp cơ sở. Đề tài này chỉ có ý nghĩa ứng dụng, không có tính chất mới về mặt khoa học”. Tuy nhiên, ông Bình khẳng định “đề tài không có người nước ngoài tham gia nghiên cứu” nên ông không biết gì về hai công ty của Nhật Bản và Đài Loan.

Về việc TS Thắng đứng đơn chung với hai công ty nước ngoài để xin cấp bằng sáng chế tại VN, ông Bình bày tỏ quan điểm: “Tôi không biết sản phẩm TS Thắng xin cấp bằng sáng chế có phải đề tài nghiên cứu được Viện Vật lý nghiệm thu không. Vì rất có thể từ đề tài cơ sở người ta triển khai thêm, kết hợp với đối tác khác để có sản phẩm hoàn chỉnh. Nhưng nếu sản phẩm xin cấp sáng chế đúng là đề tài nghiên cứu do Viện Vật lý cấp kinh phí thì việc cá nhân TS Thắng đứng ra xin cấp bằng là không đúng”.

Trước đó, TS Thắng khẳng định Robot teacher là “trí tuệ tập thể của cán bộ nghiên cứu của Viện Vật lý (đã đăng ký phát minh sáng chế)” và nghiên cứu của cá nhân TS Thắng. Nhưng vì sao lại có công ty nước ngoài đứng đơn xin cấp bằng sáng chế? Đây thật sự là điều khó hiểu.

Trong khi đó, giải thích về bao bì sản phẩm Robot teacher có hình ảnh Doraemon và ghi nguồn gốc sáng chế bởi TS Thắng tại Nhật Bản, lắp ráp tại Đài Loan, TS Thắng khẳng định: “Sau khi sản xuất, các nhà phân phối sẽ vào cuộc. Họ có thể làm thêm bao bì, thêm phụ kiện, thêm các giá trị gia tăng khác. Giá cả họ cũng phải tự chịu trách nhiệm sao cho họ kinh doanh tốt. Cách đây gần một năm, khi được phản ảnh thông tin này, tôi đã yêu cầu sửa nhưng đến nay không có thông tin đó nữa”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩnh Hà- Đăng Ngọc (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN