Buông tay cho con đi một mình từ bé...
Trang bị cho con những kỹ năng, những giá trị sống tốt nhất trong khả năng có thể là cách của những ông bố, bà mẹ người phương Tây
Trước đây, tôi đã từng đặt câu hỏi liệu cha mẹ người phương Tây buộc con cái phải tự lập khi còn quá sớm có đúng không, có công bằng với bọn trẻ không? Họ có ít tình thương với con cái so với cha mẹ người Việt mình không?
Nhưng từ khi sống trong nền văn hóa của họ thì tôi nhận ra họ không hề yêu con ít hơn bất cứ cha mẹ người Việt nào tôi biết. Trên thực tế, họ cho con rất nhiều - từ những giây phút khi con chưa chào đời cho đến suốt những năm tháng tuổi thơ và cả lúc trưởng thành.
Khoản đầu tư tuyệt vời nhất
Những người bạn hoặc đồng nghiệp tôi biết đã bắt đầu lên kế hoạch cho cuộc sống của em bé lúc ra đời ngay từ khi đứa trẻ được tượng hình. Không chỉ người mẹ mang thai, cả người cha, dù là chồng hay bạn trai, nếu đã thống nhất cùng nhau có con, họ sẽ cùng dành thời gian cho việc chuẩn bị này: cùng tham gia các lớp học tiền sản để học cách chăm sóc và học về chế độ dinh dưỡng cho em bé. Suốt thời gian nuôi nấng đứa trẻ, những cha mẹ người phương Tây tôi biết đều dành phần lớn thời gian ưu tiên cho việc đồng hành với con trong mọi hoạt động. Một trong những người mà tôi ngưỡng mộ nhất là một nhà quản lý cấp cao làm việc cho tập đoàn tài chính nổi tiếng Goldman Sachs. Chị sinh đôi ở tuổi ngoài 40. Một trong hai bé sinh đôi có chút vấn đề bẩm sinh về trí tuệ. Đó là những năm mà sự nghiệp của chị đang bước vào giai đoạn thăng hoa nhất, chị kiếm được hàng triệu USD mỗi năm từ tiền lương và thưởng. Ấy vậy, chị đã đưa ra một lựa chọn khiến tôi choáng váng: Nghỉ việc 2 năm khi hai con được 3 tuổi. Chị mang hai con sang châu Âu. Ba mẹ con, một chiếc xe SUV rong ruổi khắp châu Âu trong 2 năm. Thỉnh thoảng, chồng chị và cậu con cả bay sang gặp ba mẹ con chị ở một nơi nào đó chị đang dừng chân. Họ dành vài tuần bên nhau, rồi một mình chị lại tiếp tục cuộc du ngoạn vòng quanh châu Âu cùng hai người con sinh đôi. Sau 2 năm đó, cậu bé có chút chậm phát triển trí tuệ đã nói chuyện, giao tiếp đạt mức 80% của một đứa trẻ bình thường. Cậu được nhận vào một trường học của trẻ bình thường khi bắt đầu vào lớp 1.
Tôi biết chị khi hai con sinh đôi của chị khoảng 8 tuổi. Khi đó, chị nói với tôi rằng trong cả cuộc đời mình, quyết định dừng làm việc 2 năm để dành toàn bộ thời gian cho con là quyết định đúng đắn nhất của chị. Hiện tại, hai người con sinh đôi đó đang học năm cuối ở một trường tư thục tại Anh và chuẩn bị vào đại học. Tôi nghĩ tất cả khoảng thời gian vợ chồng chị đã dành ra để ở bên các con là những khoản đầu tư tuyệt vời nhất mà các con của anh chị được hưởng.
Cho con những trải nghiệm
Các cha mẹ người phương Tây tôi biết đặc biệt quan trọng việc cho con các trải nghiệm. Những lần cùng chồng đi hiking (leo núi), chúng tôi gặp rất thường xuyên những người bố mẹ địu các em bé còn nhỏ xíu cũng đi hiking, hoặc cho các bé khoảng 2-3 tuổi trở lên tham gia những buổi cắm trại dã ngoại qua đêm ở giữa thiên nhiên. Lớn chút xíu, các bé được cho tham gia những lớp hướng đạo sinh, học các kỹ năng sinh tồn. Tôi chưa từng gặp đứa trẻ nào người phương Tây tầm 6-7 tuổi mà không biết bơi. Trong khi ở Việt Nam mình hằng năm vẫn có hàng trăm đứa trẻ bị đuối nước, do không biết bơi!
Tôi cũng luôn ngạc nhiên khi hầu hết người phương Tây tôi biết đều chơi ít nhất một loại nhạc cụ, dù chỉ là kiểu nghiệp dư. Có lẽ được học, được tiếp xúc với âm nhạc, nghệ thuật từ nhỏ khiến cho việc cảm thụ cái đẹp của họ cũng tốt hơn chăng?
Hầu hết mọi đứa trẻ người phương Tây tôi biết đều được cha mẹ nuôi dưỡng tình yêu với sách từ nhỏ. Trong những dịp phải chờ đợi ở các phòng chờ, trên những chuyến tàu hoặc các chuyến bay, hình ảnh tôi thấy nhiều nhất ở các trẻ em người phương Tây là việc các em đọc sách chứ không phải nghịch chiếc iPad hay iPhone của cha mẹ. Tôi đã hỏi một số đồng nghiệp có con khoảng tuổi con gái tôi để biết khi nào thì con nên có điện thoại riêng. Phần lớn câu trả lời là từ 13 tuổi trở lên mới được có điện thoại di động. Chính việc hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử này mà các em được trải nghiệm cuộc sống thực nhiều hơn.
Những ông bố, bà mẹ phương Tây luôn dành cho con những giá trị sống tốt đẹp nhất. Ảnh: TƯ LIỆU
Ủng hộ sự tự do về nghề nghiệp
Lần đi tham quan một lâu đài cổ ở hồ Bled, Slovenia, tôi tình cờ gặp một cô sinh viên người Mỹ. Chúng tôi nói chuyện với nhau khi cùng ngồi ở một bàn ăn trong một quán ăn nhỏ cực kỳ đông khách. Vì không có bàn để ngồi riêng nên họ ghép chúng tôi - hai người đi một mình - ngồi chung. Chúng tôi trò chuyện và nhanh chóng cảm nhận sự ăn ý. Khi biết cô ấy là sinh viên, dành dụm tiền làm thêm 2 mùa hè liên tiếp để có chuyến đi châu Âu này, tôi ngỏ lời mời cô bữa ăn hôm đó; đổi lại, cô tình nguyện làm hướng dẫn viên cho tôi. Trong khi đi chơi, tôi hỏi: "Vì sao em am hiểu lịch sử châu Âu vậy?’’, cô trả lời: "Vì em học đại học chuyên ngành về lịch sử các triều đại phong kiến ở châu Âu!’’. "À, thế em có bố hay mẹ làm trong ngành này à?’’. "Không ạ, bố em là tài xế xe tải, còn mẹ là y tá’’. "Ồ, thế bố mẹ em ủng hộ em theo học một ngành mà họ thậm chí còn không có chút gì liên quan à? Họ có lo lắng sau này em ra trường sẽ làm gì với tấm bằng ngành học này không?’’. "Bố mẹ em luôn ủng hộ em với những gì em muốn làm. Hiện tại đây là ngành học em rất say mê, nên em cứ học tốt nhất có thể đã’’.
Đó là một cuộc gặp gỡ để lại ấn tượng rất lâu trong tôi. Sau này, khi trò chuyện với các cha mẹ người phương Tây mà tôi biết thì tôi thấy việc tôn trọng sự tự do lựa chọn con đường tương lai của con là tư tưởng khá phổ biến của họ. Tất nhiên, cha mẹ nào cũng mong muốn con lớn lên có một cuộc sống ổn định về vật chất nhưng họ rất tôn trọng và thường ủng hộ sự tự do về nghề nghiệp của con mình. Bởi với họ, điều quan trọng nhất cho một cuộc đời hạnh phúc là sự cân bằng giữa những niềm vui trong cuộc đời và việc kiếm sống.
Thật ra, còn rất nhiều giá trị vô giá khác mà các cha mẹ người phương Tây cho con của họ - những thứ không thể quy đổi bằng vật chất như ngôi nhà, chiếc xe hơi hay những khoản tiền trợ cấp hằng tháng... Tôi là một người mẹ Việt Nam và tôi có những quan điểm của riêng mình về những gì tôi dành cho con ở hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, tôi luôn khâm phục những bạn bè của tôi với những gì họ dành cho con họ. Tôi nghĩ đôi khi việc buông tay cho con bước đi một mình trên con đường mà con tự chọn, cần một tình yêu lớn và dũng cảm hơn cả việc nắm tay con đi từng bước trên con đường mà mình chọn cho con.
Trở thành cha mẹ, điều tôi muốn làm và tôi thấy cũng là điều các cha mẹ người phương Tây tôi biết làm cho con: Trang bị cho con những kỹ năng, những giá trị sống tốt nhất trong khả năng có thể để con ít gặp thất bại nhất có thể trong ước mơ của con. Hoặc nếu lỡ gặp thất bại thì tổn thất cũng ít nhất có thể.
Để làm được như thế, thứ mà các cha mẹ người phương Tây dành cho con họ, tôi cho là nhiều hơn tất cả những gì có thể quy đổi ra tiền.
Nguồn: [Link nguồn]
Con cái chính là bản sao của cha mẹ, mọi lời nói, việc làm của cha mẹ đều được trẻ bắt chước theo trong âm thầm.