Bức thư 'cute' gửi cô giáo có đề văn lạ
Những đề văn của cô như: Nghĩ về đồng tiền? Ba ngày làm chuột, Thư gửi lãnh đạo Trung Quốc... đều gây ấn tượng với dư luận.
Cô Đặng Nguyệt Anh - giáo viên dạy Văn trường chuyên Hà Nội - Amsterdam được biết đến bởi sự mới mẻ trong cách dạy, cách học, cách ra đề thi. Những đề văn của cô như: Nghĩ về đồng tiền? Ba ngày làm chuột, Thư gửi lãnh đạo Trung Quốc... đều gây ấn tượng với dư luận. Không chỉ học sinh chuyên Văn mà ngay cả những học sinh của các môn khoa học tự nhiên trong nhiều thế hệ cũng đều yêu quý cô.
Dưới đây là một lá thư học sinh có biệt danh "Đức Anh Kuti" gửi đến cô giáo Nguyệt Anh "người đẹp, dáng chuẩn". Qua con mắt hồn nhiên của cậu học trò, hình ảnh cô giáo Nguyệt Anh thật thân thương, gần gũi trên giảng đường cũng như cuộc sống thường ngày:
Ảnh chụp bức thư
"Cô Nguyệt Anh thân mến!
Tùng! Tùng! Tùng
Mới ngày nào sao con còn tiếng trống trường đến thế mà giờ vèo cái đã sắp bị xua đuổi ra khỏi quãng đời học sinh. Nhanh quá cô nhỉ?
Cô là cô giáo con ngưỡng mộ nhất trong các thầy cô giáo đã từng dạy con. Ngưỡng mộ vì ở cô toát lên một khí chất, gọi thế nào cho đúng nhỉ, “bậc đàn chị”, một phong cách tự tin vô cùng tỏa sáng. Công nhận là cô cũng sở hữu một thân hình “chuẩn của chuẩn” so với độ tuổi của mình – cái này cũng đáng ngưỡng mộ. Trời ơi, sao cô giữ dáng chuẩn vậy.
Những tiết học của cô làm con rất hứng thú, mặc dù với kiến thức văn chương thảm hại của mình nhưng con vẫn có thể cảm được những sự vật, con người mà cô nói đến như đang hiện hình trước mắt. Cộng với chất giọng “họa mi” tuyệt đỉnh của cô nữa, đáng lẽ ngày xưa cô phải làm ca sĩ opera mới phải. Phí quá.
Ôi đến tờ thứ hai rồi nè, không ngờ tài năng văn chương của mình cũng lai láng. Hí hí.
Mà cô có một niềm tự hào về bản thân thật lớn lao, vĩ dại. Nhiều lúc nghe cô nói về bản thân mà con buồn cười quá, cười lăn cười lộn. Công nhận hôm cô thi “Hãy chọn giá đúng” oai thật. Oai đến mức không thể kìm nén sự hồn nhiên tột độ lúc ngồi lên cái xe máy ấy chứ. Buồn cười chết mất.
Các bạn đều nói cô là cô giáo nghiêm khắc, “đáng sợ” nhưng con cũng thấy không hoàn toàn như vậy. Cô cũng rất hiểu tâm lý học trò. Cô chẳng khác nào cô giáo thứ hai của con vậy.
Khi ra trường con sẽ đem theo hành trang những kỹ năng sống mà cô đã từng dạy, đem theo cả nụ cười và niềm ngưỡng vọng vè quá khứ của cô nữa.
Chúc cô luôn mạnh khỏe, xinh đẹp và thành công trong cuộc sống".
Một giờ học vui vẻ của học sinh và cô giáo Nguyệt Anh
Trong một bức thư khác, học sinh Hương Liên cũng đã viết những dòng tâm tình cảm động gửi đến cô giáo Nguyệt Anh:
"Thưa cô
Từ khi bước vào trường Hà Nội Ams, con đã được biết đến cô như một giáo viên dạy giỏi ở trường. Vào cấp III, khi được biết sẽ được học cô Nguyệt Anh, con vừa thấy hồi hộp, vừa thấy một chút lo sợ vì nghĩ rằng cô sẽ là một giáo viên nghiêm khắc. Dần dần qua những tiết học với cô con nhận ra rằng, sự nghiêm khắc ấy không hề đem lại cho con hay cả lớp sự khó chịu hay bức xúc mà chính là cách rèn luyện kỷ luật cho chúng con tốt nhất.
Thỉnh thoảng lướt web con lại thấy những bức ảnh cô chụp với các anh chị lớp Pháp và con nhận ra rằng chắc hẳn cô phải cố gắng lắm để có thể trở thành một cô giáo gần gũi với học sinh như một người mẹ hiền.
Tuy rằng cô không chủ nhiệm lớp 10 Trung nhưng con thấy rằng cô sẽ luôn giành những tình cảm tốt đẹp nhất và luôn tận tình dạy dỗ chúng con nên người".
Bức thư của học sinh Hương Liên