Bữa ăn bán trú: Ngộ độc rình rập, nghèo dinh dưỡng

Sự kiện: Giáo dục

Gần đây, ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra trong trường học ở TPHCM. Ngoài ra, chất lượng bữa ăn bán trú ở một số trường bị phụ huynh học sinh phản ánh là “nghèo nàn”, nghi bị “cắt xén”.

Bữa cơm bán trú của học sinh Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (quận 9, TPHCM) Ảnh: Nguyễn Dũng

Bữa cơm bán trú của học sinh Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi (quận 9, TPHCM) Ảnh: Nguyễn Dũng

Ngộ độc rình rập

Ngày 23/10, sau khi ăn sáng xong, hàng loạt học sinh trường mầm non tại cơ sở Kid’s Club Him Lam An Phú ở quận 9 bị nôn ói, tiêu chảy. Sau sự việc, nhà trường đã hai lần họp với phụ huynh học sinh, nhưng đến chiều 3/11, nhà trường mới báo sự việc cho Phòng GD&ĐT quận 9. Xét nghiệm mẫu thức ăn của nhà trường cho thấy thức ăn bị nhiễm E.Coli và Coliform.

Theo giải thích của nhà trường với cơ quan chức năng, nguyên nhân có thể do hôm xảy ra vụ việc, nhân viên bếp có việc nghỉ đột xuất, nên giáo viên, nhân viên của trường phải trực tiếp xuống bếp chia thức ăn (trường tổ chức nấu ở cơ sở khác). Một giáo viên không có nghiệp vụ về nấu ăn được phân công vào bếp.

Tại khâu chia thức ăn, người vệ sinh dụng cụ ăn cho học sinh đã không áp dụng các biện pháp bảo hộ theo quy định. Cơ sở mầm non này hoạt động không phép; đến khi vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, cơ quan chức năng mới ra quyết định đình chỉ hoạt động.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi ở quận 9 tận mắt chứng kiến khẩu phần ăn “nghèo nàn” của con em mình. Họ còn phát hiện nguyên liệu, thực phẩm để chế biến bữa ăn không rõ nguồn gốc, hư hỏng, giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường. Họ cho rằng, với tình trạng như vậy, ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra.

Trước đó, trong hai ngày 12 và 13/9, có 98 học sinh Trường Tiểu học Bình Trưng Đông ở quận 2 có biểu hiện bất thường; 20 em đã phải nhập viện, nghi do ngộ độc bữa ăn ở trường. Sự việc xảy ra ngày 11/9, khi các em ăn trưa với bánh canh tôm, ăn xế với bánh su kem, sau đó nôn ói, đau bụng, tiêu chảy.

Cách đó không lâu, 61 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định ở quận 12 phải nhập viện với các triệu chứng nghi do ngộ độc thực phẩm như đau bụng, tiêu chảy, nôn ói…

“Cắt xén” bữa ăn?

Trước hình ảnh bữa ăn bán trú “nghèo nàn”, nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng trăm phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi đã kéo lên trường để truy trách nhiệm và yêu cầu nhà trường có lời giải thích thỏa đáng cũng như có giải pháp khắc phục. Đỉnh điểm là cuộc họp căng thẳng kéo dài nhiều giờ trong chiều tối 7/11 khi hơn 300 phụ huynh trực tiếp bãi nhiệm Ban đại diện cha mẹ học sinh dù ban này mới được bầu hơn 1 tháng trước. Họ bầu ra ban đại diện mới.

Theo các phụ huynh, trong thời gian chưa tìm được nhà cung cấp dịch vụ nấu ăn mới, Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi vẫn tổ chức dịch vụ bán trú bình thường cho học sinh. Đơn vị nấu ăn cũ vẫn tiếp tục làm việc dưới sự giám sát của nhà trường và phụ huynh. Camera được lắp trong nhà bếp, nhà ăn để giám sát từ khâu nhập liệu đến chế biến, chia khẩu phần ăn cho học sinh. Việc lắp đặt camera được thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi, đã nhận trách nhiệm, xin lỗi công khai, dán thông báo, nhắn tin đến từng phụ huynh, cam kết sẽ thay đổi nhà cung cấp, đơn vị bếp ăn theo yêu cầu của phụ huynh… Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT quận 9, nhận trách nhiệm khi để xảy ra sự việc ở Trường Tiểu học Trần Thị Bưởi.

“Đối với các trường trên địa bàn, Phòng đã chỉ đạo các hiệu trưởng cần phối hợp chặt chẽ, tăng sự tương tác với phụ huynh học sinh. Bên cạnh đó, cần công khai giá thành các thực phẩm trên bảng tin cho phụ huynh nắm, nguồn gốc các sản phẩm, cần tham khảo bộ thực đơn chuẩn để linh hoạt trong khẩu phần ăn phù hợp với học sinh”, bà Hiền nói.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã hướng dẫn thiết kế cho các bếp ăn, đơn vị cung cấp suất ăn. Ảnh: Nguyễn Dũng

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã hướng dẫn thiết kế cho các bếp ăn, đơn vị cung cấp suất ăn. Ảnh: Nguyễn Dũng

Khuyến khích phụ huynh giám sát

Ngày 8/11, trao đổi với phóng viên Tiền Phong về việc tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TPHCM, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM, cho biết, tháng 10, Ban đã kiểm tra 100% các cơ sở thực phẩm trong khối trường học của thành phố, từ mầm non đến THCS, từ tư thục đến công lập.

Trước đó, bà Lan trả lời Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) liên quan vấn đề ATTP trong trường học. Bà khẳng định, công tác bảo đảm ATTP, giảm thiểu và tiến tới triệt tiêu ngộ độc thực phẩm trong khối trường học đã nằm trong kế hoạch hành động của Ban Quản lý ATTP TPHCM từ khi mới thành lập.

“Đến các trường học, mọi người dễ nghe trường than vì sao cán bộ ATTP đến hoài. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, phòng ngừa hơn chữa trị nên tăng cường kiểm tra trước khi xảy ra sự cố. Tuy vậy, thực tế là ngộ độc thực phẩm trong khối trường học vẫn xảy ra lai rai”, bà nói.

Theo kế hoạch liên tịch giữa Sở GD&ĐT và Ban Quản lý ATTP TPHCM giai đoạn 2020-2022, Sở GD&ĐT là đơn vị chủ trì và phối hợp Ban Quản lý ATTP TPHCM trong việc triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM đến các cơ sở giáo dục và đơn vị trực thuộc trong ngành. Công tác tổ chức kiểm tra, giám sát việc bảo đảm ATTP trong các trường học được thực hiện dưới nhiều hình thức, như tự kiểm tra; thành lập các đoàn kiểm tra quận, huyện, liên ngành; đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT; đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Quản lý ATTP TPHCM…

“Nếu học sinh có chuyện gì xảy ra thì hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm. Chúng tôi đã hướng dẫn thiết kế cho các bếp ăn, đơn vị cung cấp suất ăn nhằm đáp ứng điều kiện bảo đảm ATTP”, bà Lan nói. Bà khuyến khích phụ huynh tham gia giám sát công tác bảo đảm ATTP tại các trường.

“Phí bôi trơn”

Cựu hiệu trưởng một trường tiểu học ở TPHCM nói rằng, để cung cấp suất ăn vào các trường, nhiều công ty phải có “phí bôi trơn” cho hiệu trưởng, và số tiền hoa hồng này được tính vào giá thành suất ăn. Ví dụ, nếu học sinh ăn suất ăn 25.000 đồng, nhưng thực tế, phụ huynh phải đóng 30.000 đồng; 5.000 đồng chênh lệch được dùng để “lại quả” cho lãnh đạo nhà trường. “Nếu họ vẫn chấp nhận đóng 25.000 đồng thì chắc chắn bữa cơm của học sinh sẽ bị bớt xén thịt hoặc một số thứ để có thể dôi dư tiền ra”, vị hiệu trưởng đã nghỉ hưu nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Vụ bữa ăn bán trú: Lãnh đạo UBND quận 9 lên tiếng

UBND quận 9 thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra toàn diện đối nhà trường về công tác bán trú, làm rõ trách nhiệm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Dũng - Uyên Phương ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN