Bốn câu hỏi cần đặt ra trước khi chọn nghề
Còn tới 3 tháng nữa kỳ thi THPT Quốc gia 2016 mới chính thức bắt đầu, nhưng đến thời điểm hiện tại việc cân nhắc chọn nghề, chọn trường để đăng ký dự tuyển sau khi có kết quả thi khiến nhiều thí sinh “loay hoay”. Nhiều thí sinh còn băn khoăn trước “ngã ba đường”, thậm chí chưa biết chọn nghề nào phù hợp với bản thân, dễ dẫn đến chọn nghề theo cảm tính.
Chuyện lựa chọn nghề nghiệp rất quan trọng đối với thí sinh trong các đợt tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Ảnh: Q.Anh
Dễ mắc sai sót trong chọn nghề
Trước thềm mỗi kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ, câu chuyện chọn ngành, chọn nghề luôn là chủ đề “nóng” trong các gia đình, đặc biệt là đối với các thí sinh. Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 cũng vậy. Để lựa chọn một ngành học phù hợp không hề dễ dàng, bởi đã có nhiều sinh viên phải trả giá phí hoài công sức khi chọn nghề sai hoặc không phù hợp với bản thân dẫn đến ra trường thất nghiệp.
Chỉ ra một hiện trạng những năm gần đây thí sinh rất thiếu và yếu trong việc lựa chọn nghề nghiệp, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội cho hay, ngày càng có xu hướng thí sinh lựa chọn vào khối ngành kinh tế, ngành “hot” mà xã hội đang chuộng, thế nhưng những ngành này đã dư thừa nhân lực rất nhiều, vừa cạnh tranh cao lại chưa chắc có một thu nhập cao như nhiều người vẫn tưởng. Đây là một sai lầm khiến nhiều thí sinh ảo tưởng, dẫn đến đổ xô vào các ngành “sang - chảnh” mà ngó lơ các ngành nghề mà xã hội thực sự cần.
Chia sẻ thêm về câu chuyện thí sinh thường dễ rơi vào chọn nghề theo cảm tính, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết: “Một phần nguyên nhân xuất phát từ thực tiễn công tác tuyên truyền, hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông hiện nay quá yếu, quả lỏng lẻo. Trong khi học sinh chưa nhận thức rõ về các ngành nghề, các hướng để chọn nghề thì các trường cũng chỉ làm xuê xoa, các buổi hướng nghiệp mang tính “cưỡi ngựa xem hoa”, sách hướng dẫn định hướng nghề cũng rất sơ lược, số liệu ngành nghề quá cũ. Các trường ĐH, CĐ có đến trường chỉ mang tính “tiếp thị” cho trường mình là chủ yếu”.
“Cần hướng dẫn các em chọn nghề theo năng lực, sở trường và dự báo nguồn nhân lực. Một vài ngành nghề đang dư thừa nhân lực, trong khi nhiều ngành nghề khác rất cần mà không có. Chuyện này trước hết trách nhiệm thuộc về người lớn, nếu như định hướng sai, sinh viên ra trường sẽ không theo đúng ngành học mà thất nghiệp, hoặc phải đi học nghề khác là lãng phí thời gian, tiền bạc”, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết thêm.
Bốn câu hỏi cần đặt ra trước khi chọn nghề
Từ đầu năm học 2015-2016 đến nay, nhiều hoạt động tư vấn tuyển sinh được tổ chức ở khắp nơi, điều tựu chung là tại những nơi tổ chức, đa phần học sinh lớp 12 đều khá mơ hồ trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Thậm chí, nhiều học sinh còn thẳng thắn chia sẻ không xác định được năng lực, sở trường của bản thân phù hợp với ngành, nghề nào…
Nhiều năm tham gia công tác tư vấn tuyển sinh, TS. Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) nhận xét, thí sinh hiện nay vẫn còn lựa chọn nghề theo cảm tính, phong trào. Nếu thí sinh dựa vào xu hướng hồ sơ ngành “hot” mà lựa chọn nghề thì đó là một sai lầm. Nhiều học sinh thiếu thông tin nên chọn nghề không phù hợp bản thân hoặc khó xin được việc làm sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, các trường mở nhiều ngành mới, các em có thể bị nhiễu thông tin, đôi khi chỉ nhìn tên ngành hấp dẫn, cộng với việc nghe quảng cáo hay là đăng ký vào.
Theo TS.Phạm Mạnh Hà: “Nhiều bạn trẻ vội đam mê một nghề khi thấy những người đi trước đạt nhiều thành công. Tuy nhiên, nếu không nghiên cứu kỹ nội dung trước khi chọn dễ dẫn đến thất bại. Thiếu tố chất, đam mê nửa vời, họ có thể bị loại khỏi nghề đó ngay từ khâu đào tạo. Nếu có qua “cửa” này, bạn trẻ cũng sớm bỏ cuộc hoặc bị đào thải, khi không phù hợp thực tế công việc. Thậm chí, họ còn là mối nguy cho xã hội nếu làm những nghề như bác sĩ, tài xế, giáo viên…”.
Đưa ra lời khuyên cho các thí sinh năm nay, TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ: “Xét tuyển ĐH, CĐ năm nay cũng đã tạo điều kiện so với các năm trước, thí sinh có nhiều lựa chọn hơn qua các đợt xét tuyển. Cần cân nhắc giữa các nguyện vọng để lựa chọn cho đúng, không nên vì chắc đỗ mà dẫn đến chọn sai nghề. Trước hết, mỗi thí sinh nên tự trả lời cho bốn câu hỏi: Tôi thích nghề gì? Tôi phù hợp nghề gì? Tôi chọn nghề gì? Nơi nào học tập tốt cho bản thân? Hãy tự liệt kê những nghề mình có hứng thú, trong đó có yếu tố môi trường làm việc, thu nhập, giá trị đối với bản thân, cơ hội thăng tiến… sau đó, lập danh sách thứ tự ưu tiên, lựa chọn môi trường tốt nhất để mình theo học”.
Theo dự kiến, sáng 13/3 tới tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ diễn ra Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2016 do Bộ GD&ĐT phối hợp cùng các đơn vị tổ chức. Tham gia tư vấn tại ngày hội có nhiều chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ, TCCN tại Hà Nội và đại diện lãnh đạo các cục, vụ của Bộ GD&ĐT tham gia ban tư vấn để cung cấp những thông tin mới nhất về quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016. Ban tổ chức cũng bố trí các khu vực tư vấn chuyên sâu theo nhóm ngành để giải đáp mọi thắc mắc của học sinh trong mùa thi năm nay. |