Bộn bề nỗi lo thiếu trường, lớp
Tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất luôn là nỗi lo của rất nhiều trường trên cả nước. Bước vào năm học mới 2013-2014, nhiều nơi vẫn phải tận dụng những gì đang có để học sinh có chỗ học hành...
Phòng học cũ, học chay
Xã Thái Hòa (Ba Vì, Hà Nội) là một trong những xã có hoàn cảnh khó khăn nhất trong địa bàn thủ đô. Năm học trước, cả thầy và trò đều mừng vì trường được đầu tư xây mới. Thế nhưng, tới tới điểm này, cả trường tiểu học và THCS?Thái Hòa đều chưa hoàn thành. Các lớp học, phòng chức năng đang xây dựng thì phải bỏ dở vì thiếu kinh phí. Các em học sinh tiếp tục phải quay lại với những phòng học chật chội cũ, những bộ bàn ghế “tuổi 20”, và những giờ học không đạt tiêu chuẩn.Đặc biệt, Trường THCS?Thái Hòa chỉ có duy nhất một giáo viên dạy tin học cho cả 4 khối. Trong khi đó, trường hoàn toàn không có phòng máy tính dành cho môn tin học. Tất cả những gì các em được học trong môn tin học đều là trên sách vở. Trường có 2 chiếc máy vi tính chỉ để dành cho những trường hợp đặc biệt như thi học sinh giỏi, thi Olympic…
Bà Phùng Thị Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thái Hòa tâm sự: “Với các em học sinh ở đây, sách vở đa số là được tặng chứ không mua được, đồng phục chỉ có 1 áo mùa hè và 1 áo mùa đông. Chỉ mong sao các em vẫn có thể được đến trường. Về phía trường thì cơ sở vật chất thiếu thốn, đoàn đội – y tế chung đụng, giáo viên kiêm nhiệm nhiều việc…”.
Phòng học cũ và chật chội ở Trường THCS Thái Hòa (Ba Vì, Hà Nội)
Ngoại thành đã khó, nội thành cũng không khá hơn. Trường THCS và Tiểu học Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) nhiều năm nay đã luôn gánh nỗi khổ ở tạm tại đình Nội Châu (phường Tứ Liên). Trường THCS phải mượn 2 dãy tảo mạc bên cạnh đình làm lớp học, phòng hội đồng, đoàn đội. Trong khi đó Trường Tiểu học Tứ Liên chỉ có duy nhất một dãy nhà 2 tầng khuất bóng sau đình, cùng một khoảng sân nhỏ hẹp được dựng rào sắt tạm bợ ngăn cách với khu vực đình.
Thông thường, học sinh chỉ được phép chơi ở khoảng 1/2 sân, phần còn lại không được chơi vì phải giữ sự thanh tịnh của đình. Nếu có em nào vi phạm, các thầy cô sẽ nhắc nhở trên loa để yêu cầu các em quay về… Trong những ngày lễ lớn của đình, học sinh sẽ phải nghỉ học, còn với những ngày lễ thường như ngày rằm, mùng 1 thì chuyện học chung với tiếng trống, tiếng kèn là chuyện hết sức bình thường.
“Điệp khúc” thiếu trường, thiếu lớp
Tại TP.HCM, tình trạng thiếu trường, thiếu lớp đã thành… điệp khúc nhiều năm. Theo ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GDĐT: “Khó khăn chính của ngành giáo dục thành phố là lượng học sinh ngày tăng cao khiến trường lớp xây thêm nhiều nhưng vẫn không đủ. Thống kê cho thấy, lượng dân số tăng cơ học hàng năm tại TP.HCM vào khoảng 230.000 người, chưa kể lượng học sinh các tỉnh thành lân cận như Long An, Đồng Nai… đăng ký tạm trú tại các quận, huyện ngoại thành và có nhu cầu học tập nên dù TP.HCM đã đầu tư ngân sách rất lớn để mở rộng trường lớp nhưng vẫn không đáp ứng đủ”.
Thống kê của Bộ GDĐT cũng cho thấy, toàn vùng ĐBSCL hiện còn 140 xã chưa có trường mầm non mà các em vẫn phải học chung, học “ghép” với trường tiểu học, phòng học tạm vẫn còn rất nhiều. |
Cũng theo ông Sơn: “Để bảo đảm chỗ học cho các em học sinh, chuẩn bị năm học mới này, ngoài số trường mới xây, thành phố đã cải tạo, nâng cấp và đưa vào sử dụng thêm 1.577 phòng học; tuyển thêm gần 1.900 giáo viên các cấp. Đặc biệt, trong năm 2013, thành phố đã chi hơn 376 tỷ đồng để mua sắm trang, thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy và học tập cho các em trong năm học mới. Tuy vậy, tình hình thiếu trường, thiếu lớp vẫn chưa được cải thiện nhiều”.
“Đầu tàu” TP.HCM đã vậy, ở những tỉnh lân cận, tình hình thiếu trường thiếu lớp càng bi đát hơn. Tại tỉnh Bình Dương, năm học 2013-2014, lượng học sinh tăng thêm 24.000 so với năm trước. Theo ông Dương Thế Phương - Giám đốc Sở GDĐT thì: “Năm học này, tỉnh phải đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng để xây dựng thêm 700 phòng học. Tuy nhiên, tình trạng thiếu trường thiếu lớp vẫn xảy ra ở bậc mầm non đến THCS ở nhiều huyện, thị có nhiều khu công nghiệp như Dĩ An, Bến Cát…”.
Tương tự tại tỉnh Đồng Nai, số lượng học sinh dự kiến trong năm học này sẽ tăng khoảng 16.000 so với năm học trước, do vậy gánh nặng trường lớp là không thể tránh khỏi. Ông Lê Minh Hoàng - Giám đốc Sở GDĐT cho hay: “Đầu năm học này, trên địa bàn có 10 công trình trường học mới với 150 phòng, còn lại 7 công trình với 143 phòng học sẽ đưa vào sử dụng trong đầu học kỳ 2. Tổng kinh phí xây dựng 17 công trình trên là 383 tỷ đồng”.
Ghi nhận của NTNN, nhiều tỉnh thành khác như: Long An, Kiên Giang, Cần Thơ… tình hình thiếu thốn cơ sở vật chất, trường lớp là nỗi lo lớn nhất của ngành giáo dục.