Bôi nhọ con để thỏa mãn cơn giận dữ: Con hận bố mẹ
Chỉ vì nóng nảy, dạy con không đúng cách, nhiều phụ huynh luôn áp đặt, quát tháo, la mắng, thậm chí là “bôi nhọ” con cái khiến con ghét bỏ, sa vào những con đường lầm lỗi.
Nhiều phụ huynh sai lầm khi dùng những lời quát mắng để trẻ có thể bỏ thói hư tật xấu
Hận bố mẹ vì bị “bôi nhọ”
Em Trần Văn T, 13 tuổi, học lớp 8, ngụ tại Q.9, TP.HCM thường hay cãi vã với mẹ xung quanh chuyện học hành. Mỗi lần nhắc đến chuyện học là T. lại mệt mỏi vì mẹ lúc nào cũng “ca” bài: “Học thì ấm vào thân. Học giỏi để sau này bảo vệ Tổ quốc…”, T. tỏ vẻ giận dỗi. Và cậu thường đưa ra những lý lẽ: “Con học làm gì nhiều? Nhiều người trước học dốt, bây giờ vẫn giàu có” thì nhận được ngay câu trả lời: “Mày nói ngu như heo ấy. Mày không học giỏi, mẹ thấy xấu hổ thay cho mày với những người làm cùng cơ quan đấy”. Nhưng theo T: “Đấy là mặt mẹ chứ. Con có đến cơ quan mẹ đâu mà xấu mặt con”.
Tất cả những lời yêu thương “roi vọt” đó đã khiến T. từ chán nản chuyển sang ghét bỏ mẹ. T. ít vui vẻ khi ở nhà và thường tìm đến nhà bà ngoại là nơi vui chơi, ngủ nghỉ nhiều hơn.
Từng có hơn chục năm kinh nghiệm tư vấn tâm lý cho các ông bố, bà mẹ có con đang ở “tuổi nổi loạn”, TS. tâm lý Trần Văn Hùng cho biết, hầu hết các bậc phụ huynh gọi điện đến đều than phiền rằng: Dạy trẻ con thời nay sao mà khó thế? Suốt ngày chăm sóc, “kèn kẹt” suốt ngày bên nó mà nó vẫn không ngoan… Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu hơn mới thấy, phụ huynh đã dạy trẻ không đúng cách, thậm chí có những phụ huynh cho rằng dạy con bằng cách “bôi nhọ” sẽ giúp con sợ mà bỏ những thói hư tật xấu. Thế nhưng, tác dụng hoàn toàn ngược lại…
Đơn cử như trường hợp của chị Trần Thị Hương, ngụ tại Q. Thủ Đức, TP.HCM kể, vợ chồng chị đã sốc nặng khi phát hiện ra lá thư tình mùi mẫn mà một cậu bạn trai đã viết cho cô con gái mới 12 tuổi của chị. Không kiềm chế được cơn giận khi con mới “nứt mắt” ra đã yêu đương, anh chị đã gọi con đến và mắng thậm tệ: “Chúng mày đã lên giường chưa? Tí tuổi đầu đã yêu đương nhăng nhít, làm nhục bố mẹ”, rồi đưa bức thư ra trước mặt con.
Cô bé sợ hãi, xấu hổ và hét vào mặt bố mẹ trước khi bỏ đi khỏi nhà: “Bố mẹ là người con tôn trọng nhất, vậy mà tại sao lại nói với con những lời ghê tởm như vậy. Chúng con yêu nhau trong sáng mà”.
Có phụ huynh gọi điện đến nhà tư vấn để “cầu cứu” vì vô tình bị đứa con ghét bỏ và nhất quyết không theo mẹ. Theo tâm sự của bà mẹ, bà có một đứa con trai 14 tuổi, thông minh nhưng rất ương bướng. Những tưởng sự đe nẹt, quát mắng sẽ lấn át tính ương bướng của con nên bà mẹ thường xuyên to tiếng với con. Có những lúc chỉ vì một nguyên nhân rất nhỏ như con để bừa mấy vỏ hộp sữa trên giường đã bị mắng mỏ: “Cái gì thế này? Rác bừa bãi trên giường. Con xem con sống khác gì con lợn không?”. Hay khi con đi học về bị điểm kém cũng bị nói: “Cho mày đi học tốn cơm hại áo. Đồ đần độn”.
Nghe sao cho con nói, nói sao cho con nghe
Trao đổi với PV, TS tâm lý Trần Văn Hùng cho hay, nhiều bậc phụ huynh chẳng hiểu gì cảm xúc của con bởi vì họ đã trải qua nhiều thử thách trong cuộc sống nên rất khó để quay lại hiểu tâm trạng của một đứa trẻ. Từ đó dẫn đến việc áp đặt lý luận của người lớn vào cảm xúc trẻ con. Áp đặt không xong, họ chuyển sang việc đánh mắng, bôi nhọ như một cách để thỏa mãn cơn giận dữ của bản thân.
Chính sự đánh mắng vô cớ ấy khiến trẻ bị mất thăng bằng, trở nên thất vọng về bản thân, xa lánh cha mẹ. Bên cạnh đó những từ ngữ dùng để bôi nhọ, sỉ nhục con càng làm đứa trẻ cảm thấy mình bị oan ức và tự khép chặt cánh cửa lòng mình lại. Đặc biệt, ở lứa tuổi học sinh dễ gây ra những hậu quả tiêu cực là tự tử.
TS Hùng cũng tiết lộ những con số đáng buồn qua cuộc khảo sát hàng năm về đời sống học sinh, sinh viên cho thấy, mùa tuyển sinh năm nào cũng có teen buồn bã tự tử với những nguyên nhân như bố mẹ la mắng, thất vọng bản thân, không còn là đứa con được bố mẹ tự hào…
Chính vì vậy, theo TS Hùng, các bậc cha mẹ khi dạy con làm sao cho con nói và nói sao cho con nghe thông qua hành động: Nói ít, nghe nhiều, đồng cảm nhiều. “3 câu đơn giản này thôi nhưng làm khó lắm. Thế nên nhiều phụ huynh rơi vào tình trạng nói nhiều hơn nghe và cuối cùng là con không nghe lời mình nói. Mình nói mình lại sướng mình thôi”, TS Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo TS Hùng, khi chúng ta muốn để trẻ loại bỏ suy nghĩ tiêu cực thì hình như trẻ lại càng mất thăng bằng. Bố mẹ thường không nói chuyện với con về cảm xúc xấu của con, vì sợ làm tình hình còn tồi đi. Sự thật ngược lại, trẻ khi nghe những câu chia sẻ này lại được an ủi. thỉnh thoảng trẻ mong được thể hiện cảm xúc sâu sắc của mình.
Nhiều người thường nói: mình sẽ không bao giờ xúc phạm con, làm cha làm mẹ thì không nên nói với con như vậy… Thế nhưng...
Nguồn: [Link nguồn]