Bốc thăm môn thứ 3 vào lớp 10: 'Trò may rủi không nên đưa vào thi cử'

Sự kiện: Tuyển sinh lớp 10

Bộ GD&ĐT đang dự kiến quy định môn thi thứ 3 vào lớp 10 tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên. Nội dung này đang trở thành chủ đề nóng, gây nhiều ý kiến tranh luận.

Phụ huynh hoang mang

Để hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế thông tư hiện hành, Bộ GD&ĐT mới có công văn đề nghị các sở GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến từ các cơ sở giáo dục phổ thông đối với một số nội dung của quy chế, bao gồm: dự thảo về số môn thi, đề thi vào lớp 10...

Dự thảo nêu hai phương thức tuyển sinh vào lớp 10 là xét tuyển hoặc thi tuyển. Không còn phương thức thứ 3 như quy định hiện hành là kết hợp xét và thi tuyển.

Về phương thức thi tuyển, dự thảo quy định cụ thể: số lượng môn thi là 3 môn, gồm: Toán, Ngữ văn và một môn thi do sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình GDPT cấp THCS. Dự thảo còn quy định chi tiết về cách thức bốc thăm môn thi thứ 3 và dự kiến quy định môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31/3 hằng năm.

Lý giải về điều này, một đại diện ban soạn thảo của Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT mới đang xin ý kiến các sở GD&ĐT để trên cơ sở đó hoàn thiện dự thảo quy chế, công bố xin góp ý của xã hội. Việc Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ yêu cầu bốc thăm môn thi thứ 3 và công bố trước ngày 31/3 là để tránh việc học sinh ở cấp THCS học lệch, chỉ tập trung vào các môn thi.

Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 năm 2024 tại Hà Nội.

Thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 năm 2024 tại Hà Nội.

Sau khi biết thông tin này, nhiều phụ huynh hoang mang và lo lắng. "Dù biết thông tin này chỉ là đang lấy ý kiến nhưng tôi rất lo vì nếu môn bốc thăm rơi vào đúng môn không phải thế mạnh của con thì cơ hội vào lớp 10 sẽ càng khó", chị Bùi Thị Thảo có con đang học lớp 9 tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ.

Theo chị Thảo, rất hiếm học sinh nào học tốt toàn diện các môn, dù có giỏi đều thì cũng có môn thế mạnh hơn các môn còn lại: "Các con bây giờ học tổ hợp môn. Nếu bốc thăm trúng vào môn trong tổ hợp KHTN hay KHXH thì các con sẽ phải thi 4 hoặc 5 môn sẽ rất áp lực".

Cũng có con năm nay học lớp 9, anh Lương Văn Minh (quận 3, TP.HCM) không đồng tình với phương án bốc thăm này và cho rằng việc đó như kiểu đỏ đen đánh bạc. 

"Trò may rủi không nên đưa vào thi cử. Chương trình GDPT 2018 có mục tiêu giảm tải kiến thức cho học sinh lại tạo áp lực cho học sinh theo cách bất ngờ như thế này. Hơn nữa, một mặt Bộ GD&ĐT muốn đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học nhưng sao lại không bắt buộc thi môn này trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT…", anh Minh nói.

Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói gì?

Theo một giáo viên (xin giấu tên) cho biết, mặc dù hiểu mong muốn của Bộ GD&ĐT khi bốc thăm một môn ngẫu nhiên nhằm tạo ra kỳ thi vào 10 mang tính công bằng, tạo cho học sinh thói quen học đều các môn thay vì chỉ tập trung Toán hay Ngữ văn, tuy nhiên, việc bốc thăm chọn ra môn thi thứ 3 vào lớp 10 là không nên. 

"Đây là một kiểu áp đặt thụ động, nó sẽ tạo ra áp lực cho học sinh, phụ huynh và cả nhà trường vì các em sẽ phải chuẩn bị cho tất cả các môn dù chỉ thi một môn ngẫu nhiên. Điều này dẫn tới việc học sinh sẽ học dàn trải, thiếu trọng tâm. Nếu muốn đổi mới và giảm áp lực cho học sinh thì nên cho học sinh tự chọn môn thi thứ 3.

Ngoài ra, nên công bố sớm môn thi thứ 3 ngay từ đầu năm học để các em có thêm thời gian chuẩn bị sẽ hợp lý hơn.

Bộ GD&ĐT chỉ nên quy định về các phương thức được phép sử dụng để tuyển sinh vào lớp 10 hoặc số môn thi để tránh quá tải cho học sinh còn việc lựa chọn phương thức nào, những môn thi nào thì nên tiếp tục giao cho địa phương như lâu nay", giáo viên chia sẻ.

TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, Bộ GD&ĐT lo ngại thi cố định cả 3 môn sẽ gây học lệch cũng có lý. Tuy nhiên, cũng cần xét ở khía cạnh khác là việc bốc thăm một trong số các môn khiến môn nào cũng có thể trở thành môn thi và có thể xảy ra tình huống học sinh sẽ phải học thêm để luyện thi tất cả các môn học.

Về phía địa phương, ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, Sở đã nghiên cứu để có ý kiến góp ý một số nội dung. Trong đó, Sở nhất trí dự thảo thi vào lớp 10 THPT gồm 3 môn: Toán, Ngữ văn bắt buộc, môn thi thứ 3 lựa chọn trong các môn có đánh giá bằng điểm số. Riêng với môn thi thứ 3, Sở GD&ĐT Phú Thọ đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xem xét như sau:

Phương án 1, việc lựa chọn môn thứ 3 nên giao cho UBND các tỉnh, thành phố tùy theo tình hình thực tế địa phương quyết định và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục. Việc này nhằm bảo đảm tăng cường phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo.

Phương án 2, nếu theo cách bắt thăm môn thứ 3 thì chỉ nên thực hiện 1 trong số các môn: Tiếng Anh; Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân (hiện Chương trình THCS có 8 môn được đánh giá bằng điểm số gồm: Toán, Ngữ văn; Tiếng Anh; Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục công dân).

Lý do, môn Tin học nhiều trường khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa điều kiện về cơ sở vật chất, máy tính còn thiếu và khó khăn; điều kiện về đội ngũ tham gia giảng dạy còn thiếu; môn Công nghệ có nhiều mô-đun gây khó khăn trong việc tổ chức ôn tập, biên soạn đề thi, tổ chức thi; các môn còn lại chỉ đánh giá "đạt", "chưa đạt".

"Theo quy định hiện hành, Bộ GD&ĐT quy định 3 phương thức tuyển sinh vào THPT là: Xét tuyển, thi tuyển và kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Trong dự thảo Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến, chúng tôi cũng đề xuất có thêm phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển như hiện nay", ông Phùng Quốc Lập cho biết thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) lấy ý kiến các địa phương, trường học về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Vi ([Tên nguồn])
Tuyển sinh lớp 10 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN