Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trải lòng về thông tư 30

Tôi ít nghe các thầy cô nói về những khó khăn, giải pháp để tháo gỡ. Thầy cô có ý kiến gì, bộ sẽ lắng nghe để đầu năm thực hiện ngay chứ không thể nói xong bỏ đó”- bộ trưởng Nhạ nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trải lòng về thông tư 30 - 1

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm việc tại Trường THPT Lê Quý Đôn

Sáng ngày 6-6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của bộ đã có buổi làm việc tại Trường THPT Lê Quý Đôn và Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP HCM). Tại đây, Bộ trưởng đã có những chia sẻ thẳng thắn về thông tư 30 và mô hình trường học mới VNEN vốn đang gây nhiều tranh cãi.

Giáo dục không thể nóng vội

Theo Bộ trưởng Nhạ, mô hình trường học mới VNEN là tốt nhưng không phải tốt trong mọi trường hợp đặc biệt là những nơi điều kiện không thích hợp, cũng sẽ không thích hợp khi tâm thế người học chưa sẵn sàng, phụ huynh chưa thông hiểu, giáo viên chưa được tập huấn, bồi dưỡng để giảng dạy theo phương pháp mới.

“Giáo dục là một quá trình lâu dài, không thể nóng vội, chưa chín thì chờ. Giáo dục rất nhạy cảm, một giáo viên chưa được bồi dưỡng phương pháp, khi chúng ta đổi mới thì phải tính lộ trình, bước đi phù hợp. Với sĩ số học sinh đông như hiện nay, đặc biệt là tại các thành phố lớn thì cố gắng áp dụng mô hình VNEN thì là một thách thức lớn”- ông Nhạ nói.

Khi làm việc với Trường THPT Lê Quý Đôn, ông Nhạ cho hay, trong hoàn cảnh hiện nay, TP HCM có điều kiện thuận lợi hơn so với nhiều địa phương trong toàn quốc, nhưng thành phố vẫn chịu áp lực trước nhu cầu học tập và đảm bảo chất lượng của người dân. Ông Nhạ khuyến khích giáo dục thành phố tập trung những nhóm giáo dục có khả năng tiếp cận quốc tế. Những nhóm có điều kiện và khả năng tiếp cận giáo dục quốc tế sẽ kéo những nhóm kém hơn. Riêng đối với Trường THPT Lê Quý Đôn, ông Nhạ nhắn nhủ trường tăng cường chất lượng nhưng phải bền vững; Nhà trường cần tăng cường bồi dưỡng giáo viên. "Bây giờ, khi mới tiếp cận với các chương trình tiên tiến, thầy cô có thể cố được, nhưng nếu đã chạm chân chuẩn quốc tế sẽ phải có sự đầu tư rất nhiều”.

Chia sẻ với giáo viên về thông tư 30

Nói về thông tư 30, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn, rất chia sẻ với các thầy, các cô. Mục tiêu của thông tư là rất tốt vì đánh giá tất cả các khía cạnh, đánh giá toàn diện một đứa trẻ. Phụ huynh cũng tham gia vào quá trình đánh giá đứa trẻ, đây là điều rất tốt, là phương thức tiên tiến, nhân văn. Nhưng khi thực hiện lại vướng phải nhiều khó khăn.

Hiện Bộ đang chỉ đạo rà soát nghiêm túc, lộ trình bước đi hợp lý. Tâm thế các cô các thầy, từ khi cho điểm rất nhanh chuyển sang nhận xét, mà nhận xét cùng lúc rất nhiều học sinh, rất nhiều khía cạnh như thế, chưa kể có nhiều đơn vị còn thêm sổ này, sách nọ tạo gánh nặng, áp lực như thế thì làm sao thầy, cô hồn nhiên được rồi dĩ nhiên sẽ vì áp lực căng thẳng mà quay sang đổ lên đầu học trò, quát mắng các cháu.

Ông Nhạ cũng cho rằng, chủ trương của thông tư là tố nhưng vận dụng thế nào? Các thầy cô phải được tập huấn, hiểu rõ chứ không được lơ mơ miễn cưỡng. chúng ta đừng cực đoan ngay lập tức muốn chuyển là chuyển từ cho điểm sang nhận xét. Ở giáo dục tiểu học, giáo dục nhà trường quan trọng nhưng gia đình cũng quan trọng. giáo viên, phụ huynh chưa được tuyên truyền thì làm sao thực hiện tốt được.

“Tuyên truyền cho phụ huynh, cho giáo viên…rất nhiều thứ chúng ta phải làm, trường nào lớp nào làm tốt thì nhân rộng, rồi dần dần chúng ta mới phủ sóng được. Chúng ta cố gắng nhanh nhưng nhanh mà không hiệu quả, duy ý chí và hình thức thì không được. Tôi ít nghe các thầy cô nói về giải pháp, khó khăn khi thực hiện. Ý kiến các thầy cô thế nào, bộ sẽ lắng nghe để đầu năm phải thực hiện nhanh. Tôi cũng xin gợi ý một số giải pháp như các thầy cô cần nâng cao trình độ tiếng Anh, CNTT để ứng dụng các phần mềm CNTT, chúng ta lượng hóa để nhận xét, Các bạn phải bản lĩnh, sáng tạo, linh hoạt khi nhận xét. Hiện bộ đang chỉ đạo bộ phận CNTT để có phần mềm, sổ điện tử hỗ trợ các thầy cô".

Tại buổi làm việc, lấy ví dụ từ 130 thầy cô tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông Nhạ cho hay, đa số các thầy cô còn rất trẻ, đây là tiềm năng rất lớn nhưng các thầy cô cần phải bồi dưỡng và tự bồi dưỡng hơn nữa. Hiện nay rất nhiều nơi các thầy cô đều đạt chuẩn giáo viên nhưng chuẩn này là theo chuẩn cũ tức là theo hướng truyền thụ kiến thức nhưng hiện nay chúng ta đang đổi mới giáo viên theo hướng phát triển năng lực. Tránh tình trạng 100% nghĩ đạt chuẩn rồi thì sẽ thụt lùi.

Bộ đang rà soát, tham khảo cả các chuyên gia ở nước ngoài để xây dựng, bồi dưỡng GV theo chuẩn mới. Các thầy cô dạy tiểu học rất khó khăn, bởi vì không chỉ dạy chữ nà còn dạy toàn diện, dạy cách tiếp cận với xã hội, tiếp cận với thiên nhiên, tư duy tình cảm cho một đứa trẻ. Đây là bậc học rất vất vả, giáo viên tiểu học rất giỏi. Quan điểm chỉ đạo của bộ rất ưu tiên cho mầm non, tiểu học vì hiện nay, các thầy cô đang phải giảng dạy, quán xuyến 45 cháu/1 lớp nhưng điều kiện đãi ngộ vẫn như xưa, công việc nhiều hơn thì không công bằng với các thầy các cô.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN