Bộ trưởng GD-ĐT trả lời về việc thường xuyên thay đổi sách giáo khoa gây lãng phí

Sự kiện: Giáo dục
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Bộ GD-ĐT vừa trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV liên quan đến việc sách giáo khoa thường xuyên thay đổi.

Cụ thể, cử tri tỉnh Hưng Yên đề nghị xem xét để thống nhất 1 bộ sách giáo khoa chung cho học sinh cùng cấp học trong cả nước. Cùng đó, cử tri đề nghị không nên thường xuyên thay đổi sách giáo khoa, bởi sẽ gây lãng phí vì sách không sử dụng lại được, khó khăn cho người bán cũng như nhân dân khi tìm mua sách cho con mình. 

Đặc biệt, khi xảy ra bão lụt, học sinh bị hỏng hết sách giáo khoa nhưng khi các cơ quan, đơn vị, nhân dân ủng hộ sách thì lại không đúng bộ sách các em đang học nên không sử dụng được.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội quy định: “Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”. 

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, mỗi môn học, hoạt động giáo dục có nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa sách giáo khoa là chủ trương có tính đột phá, thay đổi việc xuất bản sách giáo khoa theo cơ chế độc quyền. Đồng thời việc xã hội hóa, tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, tổ chức có khả năng, điều kiện tham gia biên soạn, xuất bản sách giáo khoa tạo ra sự cạnh tranh, tạo động lực cho các nhóm tác giả, các nhà xuất bản có được những bộ sách chất lượng tốt.

Theo ông Sơn, Bộ Chính trị đã có Kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Trong đó Kết luận nêu rõ nhiệm vụ: “Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới,... Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa”.

Việc tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông, theo Bộ trưởng, được thực hiện thống nhất theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng đó, sách giáo khoa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. 

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện đến lớp 5 đối với cấp tiểu học, đến lớp 9 đối với cấp trung học cơ sở và lớp 12 đối với cấp trung học phổ thông. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa sách giáo khoa đạt kết quả tốt, các môn học và hoạt động giáo dục đều có từ 3 đến 9 bộ sách giáo khoa; giáo viên và học sinh có cơ hội được lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với điều kiện của cơ sở giáo dục để tổ chức dạy học.

“Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa đến nay đã bước sang năm thứ 5, các địa phương, cơ sở giáo dục đánh giá cao Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và triển khai thực hiện dần đi vào ổn định, nâng cao chất lượng”, văn bản trả lời của Bộ GD-ĐT nêu rõ.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tổng kết việc biên soạn sách giáo khoa, trong đó sẽ đánh giá cụ thể việc xã hội hóa sách giáo khoa, trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu và báo cáo với Chính phủ, Quốc hội về sự cần thiết ban hành thống nhất, đồng bộ sách giáo khoa trên toàn quốc.

Mỗi trường có thể lựa chọn các bộ sách giáo khoa (SGK) khác nhau để dạy học, do đó sau khi học sinh đã sử dụng khó tìm được người dùng lại. Mỗi bộ sách được nhà trường bán kèm rất nhiều sách bài tập với giá không hề rẻ và chỉ sử dụng một lần rồi vứt. Vậy nên gây lãng phí rất lớn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hùng ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN