Bộ trưởng GD-ĐT: "Lương hưu giáo viên 1,3 triệu sao sống nổi?"

Sự kiện: Giáo dục

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng quy định lương hưu 1,3 triệu đồng đối với giáo viên Trương Thị Lan là rất phổ biến trong giới giáo viên và sao sống nổi?

Sáng 30-10, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã có trả lời phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh việc giáo viên mầm non Trương Thị Lan, Trường Mầm non Lê Duẩn (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) về nghỉ hưu sau 37 năm làm việc chỉ được nhận mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng.

Bộ trưởng GD-ĐT: "Lương hưu giáo viên 1,3 triệu sao sống nổi?" - 1

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ - Ảnh: Như Ý

- Phóng viên: Bộ trưởng đã nắm được thông tin giáo viên mầm non Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh chỉ nhận mức lương hưu 1,3 triệu đồng sau 37 năm làm việc?

+ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tôi đã nắm được vụ việc này và Bộ GD-ĐT đã có đề xuất với các Bộ ngành liên quan để có điều chỉnh phù hợp. Thực ra đây không phải chỉ riêng giáo viên mầm non, một mình trường hợp cô Trương Thị Lan mà đây là thực trạng phổ biến của các thầy cô.

Bởi thang bảng lương trong giáo dục thấp so với yêu cầu, nhất là yêu cầu đổi mới sắp tới đây nên Bộ GD-ĐT đã làm việc với Bộ Nội vụ để có đánh giá một cách công bằng khi các thầy cô đảm nhận các nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới thì chế độ đãi ngộ phải phù hợp mới tạo được động lực. 

Trường hợp của cô Lan vừa rồi tôi rất trăn trở, nhìn bà ấy khuỵu xuống, ngất, mình cũng có ý kiến với Bảo hiểm xã hội và được trả lời là theo quy định. Đứng về mặt nhà nước quy định là như thế nhưng thực tế về mặt con người thì các thầy, cô hy sinh gần như cả đời, bây giờ về hưu mới được 1,3 triệu đồng thì sống sao được.

Tôi rất suy nghĩ việc này và đang làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để làm sao điều chỉnh thang, bảng lương của các thầy để quy định trong dự án án Luật Giáo dục sửa đổi đang được xây dựng. Trong sửa Luật Giáo dục lần này vị trí của thầy cô phải xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ.

Hiện Luật Giáo dục sửa đổi đang được xây dựng và theo kế hoạch tháng 5-2018 sẽ trình ra Quốc hội cho ý kiến và dự kiến tháng 10-2018 sẽ được Quốc hội thông qua. Hiện Bộ GD-ĐT đang tích cực rà soát, chỉnh sửa, bổ sung những vấn đề bất hợp lý để làm sao vị thế của giáo viên đặt đúng chỗ thì mới khuyến khích các thầy cô, động viên được các thầy cô gắn bó, cống hiến cho ngành, cho xã hội.

Bộ trưởng GD-ĐT: "Lương hưu giáo viên 1,3 triệu sao sống nổi?" - 2

Cô Trương Thị Lan

- Khi Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua thì có hồi tố các trường hợp như cô Lan sẽ được tăng lương hưu, thưa ông?

+ Vấn đề hồi tố còn theo quy định pháp luật nhưng những gì bất cập hiện nay, nhất là liên quan đến đời sống giáo viên thì phải sửa. Song còn liên quan nhiều đến các luật chuyên ngành khác như bảo hiểm, tài chính... Tinh thần là Bộ GD-ĐT sẽ cố gắng hết sức để có kiến nghị cụ thể.

Việc có tăng lương hưu hay không phụ thuộc vào các bộ ngành cho ý kiến nhưng tinh thần có lợi nhất cho các thầy cô.

- Trường hợp như cô Lan có nhiều không, thưa ông?

+ Con số cụ thể đang thống kê nhưng theo tôi số lượng này không ít, nhất là các giáo viên mầm non. Thực tế có một thời rất dài khởi điểm lương các thầy cô rất thấp, chế độ, chính sách chưa bảo đảm trong khi các thầy cô bị áp lực rất lớn. Đây là những vấn đề cần ưu tiên chỉnh sửa để làm sao cho chế độ làm việc gắn với đãi ngộ mới tạo được động lực.

Trong Nghị quyết Trung ương 6 vừa qua cũng đã nói thang bảng lương của các thầy cô phải được xếp cao nhất. Với tư cách là người phụ trách ngành thì đang tích cực, phối hợp với các Bộ ngành để làm sao theo đúng nghị quyết của Đảng.

- Trường hợp cô Lan công tác 37 năm nhưng chỉ có 22 năm biên chế, vậy khúc mắc ở đâu?

+ Cái này do quy định của bảo hiểm hoặc Bộ Nội vụ quy định biên chế.

Việc tuyển dụng ở các địa phương còn nhiều bất cập và Bộ GD-ĐT đang rà soát. Thực ra, nếu xét theo quy định chế độ thì đúng nhưng cũng phải tính đến những trường hợp đặc thù. Bộ GD-ĐT đang tập hợp lại để có kiến nghị.

- Bộ GD-ĐT có kiến nghị Quốc hội điều chỉnh kịp thời ngay kỳ họp này không?

+ Trong kỳ họp Quốc hội này đang rà soát chung và Bộ đang có chương trình triển khai Nghị quyết Trung ương 6, trong đó có rà soát, sắp xếp kèm theo chế độ phù hợp. Nghị quyết 18, 19 vừa được ban hành rất quan trọng với ngành nhưng tôi khẳng định thang, bảng lương cơ bản của thầy cô là thấp so với yêu cầu, đặc biệt sắp tới đây tiến hành đổi mới chương trình phổ thông thì các thầy cô phải cố gắng. Có động lực thì phải có chế độ phù hợp, phải có thu nhập để yên tâm chứ chỉ hô hào không cũng khó. 

Cô giáo mầm non Trương Thị Lan, Trường Mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vừa có quyết định nghỉ hưu vào tháng 9-2017. Ngày vào ngành 5-9-1980, có 37 năm cống hiến, phục vụ dạy học trong bậc mầm non. Năm đóng bảo hiểm kể cả đóng lùi là 22 năm 8 tháng. Hệ số lương hiện hưởng đến ngày nghỉ hưu là 3,46. Đến ngày nghỉ hưu được hưởng số tiền 1,268 triệu đồng/tháng và được nhà nước cho bù thêm 32.000 đồng. Tổng cộng 1,3 triệu đồng/tháng.

Cô giáo sụt 4kg sau khi nhận lương hưu 1,3 triệu đồng

Nếu như cô Trương Thị Lan (ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) khóc nức nở ở sân trường khi cầm quyết định nghỉ hưu với...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Dũng (Người Lao Động)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN