Bỏ thi Văn ở khối nghệ thuật: Sẽ có nhân tài

“Nói Bộ bỏ Văn, xem nhẹ Văn là oan cho Bộ. Thực ra xét tuyển dựa vào cả 3 năm học kết hợp với điểm thi Văn tốt nghiệp THPT còn chặt chẽ hơn, chính xác hơn”. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT- Bùi Văn Ga nói về phương án thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ khối ngành Văn hóa- Nghệ thuật trong kỳ thi sắp tới.

Tin tưởng kết quả đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đưa ra Quy chế tuyển sinh Đại học 2013, theo đó, các trường thuộc khối nghệ thuật sẽ không phải thi môn Văn chỉ xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp. Xin ông hãy giải thích dựa trên những lý do gì mà Bộ đưa ra quy chế đó? Liệu đó có phải là sự đồng cảm của Bộ với những khó khăn trong việc tuyển sinh mà những trường nghệ thuật đang gặp phải?

Đề xuất không thi môn Văn thực tế được đưa ra từ 2 năm trước.  Năm 2012,  vấn đề này cũng được đưa ra, nhưng Bộ thấy chưa có quy chế nên chưa cho triển khai.

Năm 2013, Bộ GD&ĐT và Bộ Văn hóa thể thao du lịch đã xem xét và quyết định lựa chọn phương án này.

Trước đó có 18 trường tham gia, nhưng 8 trường không đưa ra được phương án cụ thể nên chỉ có 10 trường được tham gia tuyển sinh riêng theo quy chế tuyển sinh mới từ năm nay.

Theo đó, 10 trường Văn hóa nghệ thuật sẽ phải thi 2 môn năng khiếu và môn Văn là môn điều kiện. Hai môn năng khiếu các trường sẽ tự tổ chức thi riêng, môn Văn thay vì thi sẽ xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả 3 năm học THPT hoặc lấy kết quả thi tuyển từ các cuộc thi riêng khác. Điều này hoàn toàn phù hợp với Luật Giáo dục Đại học đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2013.

Riêng, những trường thuộc khối nghệ thuật, do có đặc thù riêng nên năng khiếu có vai trò quyết định. Nếu thi chung, tổng thể các trường sẽ khó tuyển chọn được những thí sinh có năng khiếu thực sự.

Không thi môn Văn chỉ dựa vào điểm xét tuyển của kết quả học THPT và 3 năm học cấp III, nghĩa là Bộ GD&ĐT và các trường nghệ thuật phải rất tự tin vào kết quả học Văn của bậc THPT. Bộ có tự tin với kết quả đó đã phản ánh đúng học lực của học sinh, thưa ông?
 
Trong quá trình 3 năm học THPT cũng là thời gian sàng lọc rất kỹ những học sinh không đủ năng lực, học lực yếu.

Đối với những ngành khác thi tuyển 3 môn văn hóa là bắt buộc: Toán-Lý-Hóa hoặc Văn-Sử-Địa nếu xét tuyển thì Bộ hoàn toàn không yên tâm trong bối cảnh hiện nay.

Nhưng đối với trường nghệ thuật, thì Bộ hoàn toàn yên tâm. Vì hai môn năng khiếu đã quyết định toàn bộ rồi. Môn Văn chỉ là môn điều kiện, chỉ cần đạt tiêu chuẩn là hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Bỏ thi Văn ở khối nghệ thuật: Sẽ có nhân tài - 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - Bùi Văn Ga

Dư luận không nên quá e ngại. Thi hay xét tuyển môn Văn vẫn là cơ sở để tuyển chọn thí sinh có đủ năng lực, tài năng. Đó chỉ là hình thức thay đổi tuyển sinh.

Chúng ta phải tin tưởng vào Hội đồng thi, tin tưởng vào nhà trường, tin tưởng vào kết quả đào tạo từ các nhà trường. Họ là những chuyên gia, những nghệ sĩ lớn tôi tin họ đủ tự tin trong việc tuyển chọn những nghệ sĩ tương lai thực sự.

Vì những nghệ sĩ sau này cũng là do chính họ đào tạo ra. Giao cho họ mà lại không tin họ thì làm sao làm được.

Xét tuyển chính xác hơn thi tuyển

Với lập luận bỏ qua việc thi tuyển môn Văn chỉ dựa vào điểm xét tuyển nhằm mục đích không bỏ sót nhân tài, vậy Bộ có tin tưởng các trường văn hóa nghệ thuật sẽ tìm được những tài năng thực sự? Giả sử điều đó là đúng, liệu năng khiếu thuần túy có thể trở thành tài năng nếu thiếu việc học Văn không, thưa ông?

Chắc chắn các trường Văn hóa- Nghệ thuật sẽ thành công, chắc chắn sẽ tuyển chọn được những nhân tài theo học các trường này.

Nói Bộ bỏ Văn, xem nhẹ Văn là oan cho Bộ. Thực ra xét tuyển dựa vào cả 3 năm học kết hợp với điểm thi Văn tốt nghiệp THPT còn chặt chẽ hơn, chính xác hơn thi tuyển.

Rồi xã hội sẽ thấy, kết quả đào tạo trong kỳ thi tuyển sắp tới sẽ rất tốt và kết quả đào tạo thế hệ tuyển sinh mới ấy cũng chắc chắn sẽ tốt.

Chắc chắn sẽ tìm kiếm được tài năng

Người xưa có câu: Học Văn là học làm người. Bộ quyết định không thi tuyển môn Văn tại các trường năng khiếu, có phải Bộ đã tin rằng việc dạy Văn trong nhà trường cơ bản đã đạt được mục tiêu dạy làm người?

Văn hóa ứng xử không phải một mình môn Văn quyết định. Văn hóa làm người là kết quả tích lũy của cả một quá trình rèn luyện, tích lũy của tổng hợp nhiều phía.

Không nên nói thiếu văn hóa là do học Văn. Một mình môn Văn không thể quyết định văn hóa ứng xử của con người.

Dư luận băn khoăn vì quyết định của Bộ đưa ra trong bối cảnh mà rất nhiều biểu hiện vô cảm xảy ra trong xã hội. Ông có đồng cảm với băn khoăn đó của dư luận không? Với cương vị một người lãnh đạo của Bộ Giáo dục, ông có những lý giải nào để trấn an khiến người dân tin vào quyết định này của Bộ?

Xã hội không nên quá lo lắng, cũng không nên quá bận tâm về chất lượng tuyển chọn ở các trường này.

Quan điểm của Bộ là phải đào tạo người có văn hóa trước sau đó mới đào tạo nghề. Nhưng văn hóa phải là do tự tích lũy từ bé, phải biết lễ phép, ngoan ngoãn với người lớn, không nói tục bậy. Đó là những văn hóa được hình thành.

Bất cứ ai cũng phải có văn hóa nền tảng đó. Những ai không có văn hóa nền thì sẽ có những hành vi, cử chỉ thiếu văn hóa.

Đúng là trong giáo dục nhân cách thì rõ ràng có một phần lỗi của giáo dục. Mình đã không thể dạy được cho con người hiểu hết về cái văn hóa nền tảng.

Nhưng giáo dục để hình thành con người không chỉ riêng nhà trường mà còn phải từ gia đình, xã hội và là quá trình tiếp cận với xã hội.

Tuy nhiên, giáo dục không tốt thì sẽ dẫn đến những hiện tượng thiếu văn hóa sẽ ngày càng nhiều lên.

Nhưng vấn đề giáo dục văn hóa không phải chỉ lên đại học mới đào tạo mà phải đào tạo từ lúc trẻ thơ, từ khi mẫu giáo mầm non.

Thế nên Bộ mới có chương trình phổ cập mầm non 5 tuổi, tạo bước đệm để rèn luyện cho những công dân đầu tiên. Việc dạy từ mầm non sẽ đi sâu vào tâm thức, là cơ sở đón nhận cái nền tảng văn hóa tốt.

Khi văn hóa tốt, thì những vấn nạn xã hội, vô cảm, thiếu văn hóa sẽ có thể xử lý một cách căn bản.

Trong chiến lược giáo dục mới này thì cái cuối cùng vẫn là văn hóa. Như vậy, có thể khẳng định Bộ giáo dục vẫn quan tâm, rất quan tâm đến vấn đề văn hóa.

Xã hội không nên nghi ngờ về việc xét tuyển, thi tuyển. Tôi tin chắc nó sẽ tốt hơn nhiều so với việc thi tuyển trước đây.

Chỉ trường đại học tầm cao mới phải thi tuyển

Câu hỏi cuối, thưa ông, nếu kết quả giáo dục trong nhà trường khiến Bộ tin tưởng như vậy, sau môn Văn, Bộ có tính toán tới việc miễn thi các môn khác để giảm nhẹ áp lực tuyển sinh đại học và tiết kiệm ngân sách Nhà nước không, thưa ông? Nếu có thì lộ trình của việc này như thế nào?

Chủ trương của Quốc Hội là giảm tải các kỳ thi, nhẹ nhàng, thiết thực, hiệu quả. Mục tiêu cuối cùng là chọn được nhân tài, chọn được thí sinh phù hợp với mục đích đào tạo.

Luật Giáo dục đại học mới ban hành có quy định khuyến khích các trường đưa ra những phương án tuyển sinh riêng. Ngoài các trường đại học thuộc khối Văn hóa nghệ thuật, 420 trường đại học trên cả nước đều có quyền đề xuất phương án thi tuyển sinh phù hợp với chuyên ngành đào tạo riêng, nếu thuyết phục sẽ được Bộ thông qua.

Trong tương lai sẽ có nhiều trường sẽ được làm như vậy. Nghĩa là chỉ xét tuyển, không thi, xét tuyển kết hợp với thi tuyển để giảm tải việc thi cử, gây tốn kém cho xã hội. Thậm chí còn gây căng thẳng cho thí sinh.

Khi chất lượng THPT đồng đều, chất lượng đào tạo tốt các trường chỉ cần dựa vào đó để xét chứ không cần phải thi đại học nữa.

Trừ những trường có yêu cầu rất cao, ví dụ như các trường nghiên cứu, thuộc tầm cao mới bắt buộc tổ chức thi tuyển.

Bộ GD&ĐT cũng sẽ có những cải cách căn cơ kết hợp với việc cải cách, thay đổi trong luật giáo dục dạy và học ở cấp bậc THPT.

Đối với bậc phổ thông, hiện nay Bộ đã có những chính sách đổi mới sách giáo khoa, thay đổi chương trình, cách đánh giá, cách thi. Các trường đại học sẽ dựa vào đó dể đánh giá, xét tuyển.

Từ nay đến năm 2015, quy chế tuyển sinh không có gì thay đổi. Sau năm 2015, sẽ có nhiều thay đổi trong cách thi, có thể xét tuyển, thi tuyển.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Vũ (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN