Bỏ thi tốt nghiệp khi có chuẩn đầu ra phổ thông
Quốc hội vừa quyết định lùi thông qua Luật Giáo dục sửa đổi để trưng cầu ý kiến về kỳ thi THPT quốc gia. Các chuyên gia có ý kiến trái chiều về kỳ thi này
Thí sinh thi THPT quốc gia 2018
Thí sinh thi THPT quốc gia 2018
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng thi tốt nghiệp THPT nên giao cho các địa phương xét tốt nghiệp. TS Lương Hoài Nam cũng có chung quan điểm, cho rằng có tới 97%-99% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT thì không nên tổ chức kỳ thi này làm gì.
Không thi thì sẽ không học!
Tuy nhiên, dưới góc độ hiệu trưởng một trường THPT, TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - cho rằng không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo ông Lâm, với truyền thống giáo dục Việt Nam, không thi sẽ không học. "Thầy không dạy, trò không học là điều có thể dự báo trước nếu bỏ thi THPT" - TS Lâm nói.
Ông cũng phân tích thêm nếu giao kỳ thi này về các địa phương sẽ dẫn đến sự mất công bằng. Sẽ có sự khác nhau giữa các địa phương trong việc ra đề, tổ chức thi, dẫn đến kết quả thi khác nhau. Thêm vào đó, một số địa phương sẽ buông lỏng kỳ thi như đã từng xảy ra, việc này sẽ dẫn đến học sinh có tâm lý chủ quan, ý thức học tập giảm sút. Tâm lý dễ dãi, cả nể, thương học trò của một bộ phận thầy cô giáo cũng sẽ dẫn đến tình trạng "chạy điểm", tiêu cực trong kiểm tra đánh giá, thi cử.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - cũng có cùng quan điểm. Theo ông, tiêu cực gian lận thi cử không có lỗi của việc thi mà lỗi từ chính con người và xã hội.
TS Vinh cho rằng kỳ thi THPT quốc gia chỉ bỏ được khi mọi đánh giá trong lớp học được thực hiện chuẩn xác, dân chủ bởi các nhà sư phạm chuyên nghiệp. Thêm vào đó, các phụ huynh không quá quan trọng thành tích của con em, đồng thời các trường ĐH có đủ năng lực tài chính và các trường nghề có chất lượng sẵn sàng loại bỏ không thương tiếc những người học không đủ năng lực học vấn và trường nghề sẵn sàng đón nhận họ.
PGS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, khẳng định trước mắt không nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia 2019 bởi trên bình diện chung cả nước chưa bảo đảm chất lượng mặt bằng chung đầu ra (dù là tương đối) cho các học sinh học xong lớp 12. Năng lực đánh giá thực chất chưa đồng đều ở các địa phương do những lý do chủ quan và khách quan.
Chỉ bỏ thi khi có quy trình đánh giá chặt
TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm: Kỳ thi THPT quốc gia vẫn do các tỉnh chủ trì nhưng sẽ có một số thay đổi như trưởng điểm và trưởng ban thư ký các điểm thi sẽ là cán bộ ĐH, CĐ; thí sinh tự do được sắp xếp trộn cùng với nhau, không phân theo đối tượng dự thi; lắp camera tại phòng họp các hội đồng thi để kiểm soát quá trình sắp xếp giám thị phòng thi, giám thị hành lang bảo đảm bốc thăm bố trí cán bộ là ngẫu nhiên vì trong quá trình bốc thăm giám thị có thể xảy ra tình trạng sắp xếp cán bộ coi thi…
Tuy nhiên, PGS Nguyễn Hội Nghĩa cho rằng trong tương lai có thể bỏ kỳ thi THPT quốc gia nếu ngành giáo dục tăng cường bảo đảm chất lượng và áp dụng được các phương thức đánh giá chặt chẽ. Ông nói: "Về mặt kỹ thuật, cần xác định và thống nhất rõ phạm vi toàn quốc về chuẩn đầu ra của học sinh học xong lớp 12, cần có những chuẩn bị nền tảng và phương thức đánh giá tương đương, các địa phương có thể tự triển khai đánh giá học sinh theo quá trình và theo đúng chuẩn đầu ra mà không cần một kỳ thi chung như hiện nay".
Về tuyển sinh ĐH khi không còn kỳ thi THPT quốc gia, ông Nghĩa cho rằng các trường ĐH cần chủ động đề xuất cách thức tuyển sinh cho trường mình tùy bối cảnh, sứ mạng, mục tiêu, định hướng nghiên cứu hay ứng dụng. Tuy nhiên, không nên quay lại bức tranh thi tuyển ĐH mạnh trường nào trường nấy tuyển như từ 2001 trở về trước. "ĐHQG TP HCM đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đầu tiên vào năm 2018, sang năm có thể cải tiến tốt hơn theo hướng đó và các trường đại học khác hoàn toàn có thể chung sức tham gia tổ chức kỳ thi này" - ông Nghĩa nói.
Vị trí thủ khoa, á khoa của các trường công an, quân đội và một số trường danh giá khác là thí sinh của các tỉnh đang...