Nếu bỏ thi quốc gia, thí sinh vất vả hơn ở kỳ thi tại các trường đại học?

Sự kiện: Giáo dục

Trong khi chờ phương án chính thức về Kỳ thi THPT Quốc gia 2020, nhiều trường đại học đã dự kiến tổ chức kỳ thi riêng trong trường hợp thi quốc gia không tổ chức. Nhiều ý kiến cho rằng, bỏ kỳ thi quốc gia dễ nảy sinh tiêu cực trong xét tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ vất vả hơn ở các kỳ thi đại học riêng.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu bỏ thi THPT Quốc gia 2020 thí sinh sẽ vất vả hơn ở các kỳ thi đại học tổ chức riêng. Ảnh:TL

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu bỏ thi THPT Quốc gia 2020 thí sinh sẽ vất vả hơn ở các kỳ thi đại học tổ chức riêng. Ảnh:TL

Kỳ thi phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh

Liên quan đến công tác tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ phương án thi THPT Quốc gia năm 2020 ứng phó với dịch đang diễn biến phức tạp. Theo tính toán của Bộ GD&ĐT, nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước ngày 15/6 và như vậy kỳ thi THPT Quốc gia vẫn có thể được tổ chức vào ngày 8-11/8. Ngoài phương án tổ chức thi, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra thêm phương án không tổ chức thi tốt nghiệp tùy thuộc vào tình hình dịch.

Theo dự kiến kịch bản kỳ thi năm nay đang tạo tâm lý khác nhau giữa giáo viên, học sinh. Nhiều giáo viên cho rằng, nên giữ kỳ thi THPT Quốc gia 2020 bởi nếu bỏ học sinh sẽ chỉ học đối phó, thậm chí dễ nảy sinh tiêu cực trong việc "làm đẹp" học bạ. Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến của học sinh, nên bỏ kỳ thi bởi năm nay thiếu hụt thời gian học, việc thi nhiều môn dẫn đến quá tải do thời gian ôn tập trước kỳ thi là khá ngắn… Ngược lại một số học sinh lại cho rằng rút bớt môn thi cho phù hợp.

"Học sinh 12 đã chuẩn bị để thi tốt nghiệp theo các tổ hợp mình lựa chọn từ rất sớm và tập trung học theo các tổ hợp môn thi. Việc học online hiện nay là chưa đồng bộ: Còn nhiều tỉnh chưa học trực tuyến, phần lớn học sinh hiện nay chủ yếu qua truyền hình. Tuy nhiên, đây là giải pháp mang tính tình thế, chất lượng chưa được đồng đều giữa các địa phương. Do đó, duy trì một kỳ thi chung do Bộ GD&ĐT tổ chức sẽ tạo sự công bằng giữa các học sinh", một giáo viên tại Hà Nội chia sẻ.

Tham gia công tác xây dựng và đề xuất phương án thi và xét tốt nghiệp THPT trong nhiều năm trở lại đây, TS Lê Viết Khuyến nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, xét về nhiều khía cạnh, vẫn nên giữ một kỳ thi chung như kỳ thi THPT Quốc gia. Hiện nay, tại nhiều quốc gia có hệ thống kiểm định chất lượng tốt đã bỏ thi tốt nghiệp THPT và giao địa phương tự công nhận. Tuy nhiên, nếu tổ chức xét tốt nghiệp ở nước ta vẫn còn nặng nề bởi "bệnh thành tích" dễ phát sinh tiêu cực. Thời điểm này, chưa nên vội nói chuyện bỏ thi, dẫn tới tâm lý học sinh chủ quan không học tập.

Nếu bỏ thi, học sinh sẽ vất vả hơn?

Trong khi Bộ GD&ĐT trình các phương án cho Kỳ thi THPT Quốc gia 2020, trong đó có cả khả năng dự trù cho việc không tổ chức kỳ thi do học sinh quay trở lại trường học muộn hơn dự định. Vì vậy, nhiều trường đại học đã có phương án riêng trong công tác tuyển sinh, đặc biệt là bớt phụ thuộc vào kết quả của Kỳ thi THPT Quốc gia 2020.

Cụ thể, Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã chính thức công bố phương án tuyển sinh riêng năm 2020. Năm nay, trường xét tuyển bằng 4 hình thức: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; Xét tuyển thẳng theo các chương trình đào tạo quốc tế; Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia năm 2020; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi riêng do trường tổ chức. Để đăng ký tham gia bài thi riêng, sinh viên cần trải qua vòng sơ tuyển dựa trên kết quả học tập tại bậc THPT, sau đó làm bài thi được thiết kế phù hợp với trình độ THPT, có tính phân loại. Dự kiến, kỳ thi diễn ra trong khoảng từ 20 - 26/7, mỗi bài thi 180 phút.

Ngày 14/4, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã thông báo về phương án tuyển sinh năm 2020 hệ đại học chính quy, trong đó công bố phương án 2 là phương án trong trường hợp Bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2020. Theo đó, trường sẽ tổ chức 8 môn thi tương ứng với 9 tổ hợp xét tuyển đã công bố là Toán, Văn, Tiếng Anh, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Thí sinh tự chọn môn thi cần thiết, trừ môn Văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm.

Về việc trong trường hợp bỏ thi THPT Quốc gia và các trường đại học tự tổ chức kỳ thi riêng, theoTS. Lê Viết Khuyến: "Chúng ta cần cố gắng nhất để giữ kỳ thi THPT Quốc gia 2020 để ổn định thi cử. Trường hợp bất khả kháng, dịch bệnh vẫn kéo dài, học sinh chưa thể đến trường, đến điểm thi, lúc đó cần thay thế bằng phương án xét tốt nghiệp THPT đảm bảo khách quan, minh bạch. Học sinh và nhà trường cần tập trung cho việc học tập, ôn tập theo các hình thức trực tuyến, không nên nơi là việc học. Bên cạnh đó, trường đại học được tự chủ, nhưng ngoài trường "tốp trên", các trường đại học khác không nên tổ chức thi tuyển, xét tuyển với tiêu chí quá khó gây vất vả cho học sinh, phụ huynh".

Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về việc triển khai hoạt động dạy học từ xa qua Internet và truyền hình; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng khi học sinh đi học trở lại… Lãnh đạo nhiều Sở GD&ĐT bày tỏ mong muốn vẫn tổ chức thi THPT Quốc gia năm 2020. Việc giữ ổn định kỳ thi tránh được nhiều xáo trộn, đặc biệt với học sinh. Hiện nay, số lượng học sinh có nhu cầu thi đại học rất lớn. Nếu không tổ chức thi THPT quốc gia, các em sẽ phải đến thành phố lớn để dự thi tại các trường đại học, như vậy áp lực, căng thẳng và tốn kém.

Nguồn: [Link nguồn]

Thi THPT quốc gia 2020: Có kịp không?

Theo ý kiến của nhiều giáo viên, trường hợp dịch bệnh kéo dài, học sinh đi học muộn hơn thì có thể bỏ thi, thay bằng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN