Bộ sách giáo khoa mới sẽ thay đổi như thế nào?

Liên quan đến việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có những chia sẻ về vấn đề này.

Bộ sách giáo khoa mới sẽ thay đổi như thế nào? - 1

Sách giáo khoa mới sẽ kế thừa ưu điểm của sách giáo khoa hiện hành

Thưa Thứ trưởng, việc thay đổi SGK lần này sẽ thay đổi toàn bộ SGK hiện hành hay thay đổi từng phần?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Việc chuẩn bị thay đổi chương trình và SGK có rất nhiều công việc và hiện Bộ GDĐT đang triển khai xây dựng đề án trình Chính phủ và Quốc hội phê duyệt. Sau đó sẽ xây dựng chương trình, SGK. Đấy là nói theo thứ tự công việc nhưng thật ra hiện tất cả các công việc đang được triển khai.

Sẽ thay đổi toàn bộ nhưng không có nghĩa là chúng ta bỏ những cái cũ. SGK hiện nay của chúng ta về cơ bản kiến thức vẫn đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, cách cấu trúc, sắp xếp các kiến thức với nhau như thế nào để nâng cao hiệu quả của quá trình dạy và học thì cần phải gia công nhiều hơn. 

Chúng ta sẽ kế thừa những ưu điểm của SGK hiện hành, đồng thời viết ra SGK mới để đáp ứng yêu cầu không chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn hướng tới việc phát triển năng lực của học sinh. Phát triển khả năng chung của tất cả học sinh cũng như những khả năng riêng của từng học sinh.

Vậy liệu có áp dụng hướng tích hợp vào trong bộ sách giáo khoa mới lần này không, thưa ông?

Dạy học tích hợp là một yêu cầu mà chúng ta buộc phải triển khai. Dạy học tích hợp tức là hướng tới việc học sinh có thể sử dụng kiến thức một cách tổng hợp, nhuần nhuyễn, hiệu quả để giải quyết được những vấn đề trong học tập và cuộc sống. 

Nếu chúng ta cứ dạy riêng rẽ kiến thức của từng lĩnh vực, từng bộ môn một, không liên quan với nhau thì quá trình dạy học sẽ không hiệu quả, khả năng vận dụng kiến thức của học sinh sẽ không cao. 

Chúng ta đã có những cố gắng trong chương trình hiện hành khi đã tích hợp được nhiều lĩnh vực khác nhau vào trong một môn học, nhất là giáo dục tiểu học và một phần ở giáo dục THCS và cũng có ở giáo dục THPT. Tuy nhiên, yêu cầu của dạy học tích hợp là phải cao hơn trong chương trình hiện nay. Chúng ta sẽ xây dựng những bộ môn liên quan nhiều đến các lĩnh vực, kiến thức khác nhau. 

Có nghĩa là sẽ giảm số môn học hiện hành. Ít môn học hơn nhưng kiến thức lại được sử dụng một cách nhuần nhuyễn hơn. Đây là việc rất khó. Viết sách đáp ứng yêu cầu tích hợp đã khó, việc có giáo viên dạy được những kiến thức tích hợp càng khó. Vì vậy, cần có những bước đi phù hợp, sẽ tiến hành dần từ thấp đến cao, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ việc viết chương trình, SGK và kể cả việc đào tạo đội ngũ giáo viên. Hiện nay công việc này cũng đang được tiến hành.    

Bộ sách giáo khoa mới sẽ thay đổi như thế nào? - 2

 Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển

Việc đổi mới sách giáo khoa theo hướng tích hợp thì sẽ phải thay đổi cả phương pháp dạy của giáo viên, vậy Bộ GDĐT đã chuẩn bị như thế nào để có đội ngũ giáo viên đáp ứng được điều này?

Những mức độ tích hợp kiến thức, Bộ GDĐT cũng đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Ở các nước có các mức độ tích hợp khác nhau, có nước ở mức độ vừa phải nhưng có nước với mức độ rất cao. 

Nhưng Việt Nam chắc sẽ theo cách vừa phải để đảm bảo người viết sách và giáo viên có thể đảm đương được. Tuy vậy, vẫn phải có quá trình chuẩn bị, hiện nay đã chuẩn bị cho các tác giả viết chương trình, SGK để họ hiểu có thể làm được như thế nào. 

Và cũng đã bắt đầu thực hiện bồi dưỡng giáo viên để họ có năng lực sử dụng kiến thức một cách tổng hợp, hiểu được mối liên quan của các kiến thức và sử dụng những kiến thức đó để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn như thế nào. Chính năng lực đó của giáo viên sẽ giúp cho họ sau này có thể dạy tốt được theo SGK hướng tích hợp.

Như ông nói thì việc tích hợp sẽ thay đổi dần, vậy phải chăng sau lần thay đổi này chúng ta có thể sẽ có thêm một lần thay đổi nữa để có được bộ SGK hoàn chỉnh về tính tích hợp?

Chủ trương thời gian tới chúng ta sẽ có một chương trình và nhiều bộ SGK khác nhau. Lúc đầu có thể có những bộ SGK đáp ứng được yêu cầu hiện tại nhưng rồi có thể có những cá nhân, tổ chức viết được những SGK khác tốt hơn. 

Và chương trình giáo dục phổ thông cũng không phải là chỉ thay đổi một lần trong bao nhiêu năm mà như các nước thường 5 đến 10 năm là người ta có thể thay đổi chương trình, SGK. Lúc đó khả năng của nước ta cũng có thể cao hơn rồi thì khả năng viết SGK tích hợp sẽ cao hơn.

Đấy là chuyện bình thường và chúng ta cần có cách nhìn khác về phát triển chương trình. Đừng nghĩ rằng chương trình ban hành ra là cố định bao nhiêu năm mà chính trong quá trình triển khai áp dụng sẽ có những đánh giá, điều chỉnh ít một. Và đến một thời điểm nào đó sẽ có điều chỉnh lớn và thay đổi chương trình mới.  

Vậy theo Bộ GDĐT, việc thay đổi SGK mới sẽ được thực hiện theo hình thức nào?

Chúng ta phải xây dựng một chương trình tổng thể từ lớp 1 đến lớp 12. Sau đó cũng viết SGK một cách tổng thể để đảm bảo mối liên thông, thống nhất chương trình, SGK giữa các lớp học, cấp học, giữa các môn học với nhau. Tuy nhiên, khi triển khai đại trà thì tùy theo sự đổi mới của chương trình, SGK mới so với chương trình, SGK hiện hành là nhiều hay ít mà xem xét nên tiến hành đồng thời hay phải làm “cuốn chiếu”. 

Bộ GDĐT đang nghĩ đến một phương án là, với tiểu học sự thay đổi là không nhiều như các cấp học trên thì có thể triển khai sách giáo khoa mới đồng thời ở tất cả các lớp ngay từ năm đầu tiên. 

Nhưng đối với cấp THCS và THPT tuy kiến thức vẫn vậy song do có cấu trúc, sắp xếp lại nhiều nên để đảm bảo tính liên thông từ lớp dưới lên lớp trên, có thể triển khai cuốn chiếu từ lớp 6 lên lớp 9, từ lớp 10 lên lớp 12. 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hùng (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN