Bố mẹ xót con, cô giáo... “ăn” tát

Khi nhìn vào các vụ bạo lực trẻ mầm non, TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, hiện tượng đó cho thấy sự bất lực của người giáo viên. Bản thân người giáo viên không bao giờ muốn họ trở nên hung dữ, xấu xí và vi phạm pháp luật như vậy. Khi họ sử dụng bạo lực cũng có nghĩa là họ bất lực trong công việc của mình. Với giáo viên trường tư thì ngược lại, khi phụ huynh xót con, các cô thậm chí bị ăn tát, bị chửi mắng.

Bố mẹ xót con, cô giáo... “ăn” tát - 1

Trong một số trường hợp phụ huynh thường hay xót con nên khi có vấn đề họ thường mất bình tĩnh và có lối ứng xử không tốt với giáo viên (Ảnh chỉ mang tính minh họa không liên quan đến bài viết). Ảnh: Chí Cường

Giáo viên trường tư sợ phụ huynh như sợ… cọp

Một trong những góc khuất nghề nghiệp giáo viên mầm non đến từ chính phụ huynh. Không ít giáo viên, đặc biệt là giáo viên trường tư cảm thấy mình không được phụ huynh tôn trọng. Thậm chí một số giáo viên bị phụ huynh đối xử như với... tội phạm.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Ngọc, giáo viên một trường mầm non tư thục ở Hà Nội cho biết, một đồng nghiệp của cô tên M. Lớp cô M có một học sinh không hiểu vì sao rất hay theo cô ấy. Mọi việc ăn uống, vệ sinh của em học sinh đó chỉ cô M làm được. Bé bám đuôi cô M như bám đuôi mẹ. Cô M cũng rất yêu em học sinh này. Đến giờ ăn, cô M dỗ dành bạn ấy các kiểu. Thế nhưng, một lần không hiểu vì lý do gì mà bé không muốn đi học nên giả vờ ngồi bô rất lâu. Bố thì vội đi làm mà con thì ngồi dính lấy cái bô không chịu đứng dậy. Bố mẹ thấy con có biểu hiện lạ lùng như vậy liền nghĩ ngay đến cô giáo. Mẹ bé ở nhà với bé còn bố bé đã xông đến trường, vào lớp tát cô giáo lia lịa. Anh ta bảo: “Mày làm gì con tao mà giờ nó không chịu đến lớp thế à. Mày đến nhà tao mà xem con tao đi, nó ngồi bô hai tiếng đồng hồ rồi đấy. Con tao mà làm sao thì mày không yên với tao đâu”.

Hôm đó cô M đã co rúm lại vì sợ. Sau sự việc đó, cô M thực sự bị sốc về mặt tinh thần. “M bảo với tôi là muốn bỏ nghề. M cũng tâm sự rằng, là giáo viên nên rất muốn làm điều gì đó có ý nghĩa cho học sinh. Thế nhưng, những điều đẹp đẽ về nghề mà bao nhiêu năm mơ mộng trên giảng đường bỗng chốc tan biến. M chưa bao giờ nghĩ, làm giáo viên lại “bạc”, lại bị coi rẻ đến như vậy? M rút ra một sự thật rằng: Muốn trụ lại được với nghề, chắc bản thân phải xác định một cách rõ ràng rằng: Hãy cho đi thật nhiều chứ đừng bao giờ đòi hỏi. Có như thế mới có thể bao dung rộng lượng được với những điều không phải, sự không thấu hiểu của phụ huynh. Chung quy thì cũng do tâm lý xót con của phụ huynh. Nhưng không phải tất cả mọi vấn đề của trẻ đều do…cô giáo!?”, cô Lan Ngọc nói.

Cũng là vấn đề ăn uống của trẻ, cô giáo TL, lớp bé Trường Mầm non MX ở Hà Nội cũng bị một phen bẽ bàng vì sự phản ứng bất ngờ của phụ huynh. Nguyên do là hồi mới đi học, bé C nhất định không chịu ăn sáng. Đến giờ ăn, bé cứ nghịch ngợm, khóc không chịu ngồi vào bàn ăn. Cháu không chịu ăn sáng như vậy trong vòng 2 tuần liền. Cô giáo đưa chuyện này trao đổi với phụ huynh và có nói một câu trong lần nói chuyện đó rằng: “Ở nhà mẹ cho con ăn sáng thế nào chứ đến lớp con không chịu ăn. Hôm nay con không chịu ăn cháo nên cô đành cho cháu ăn một chiếc bánh ngọt”.

Ngay lập tức, mẹ bé C tuôn một tràng, không để cho ai giải thích: “Không. Con chị ở nhà ăn bình thường mà. Mà con không ăn thì cô giáo phải có cách để con ăn, chứ ai lại cho cháu ăn bánh ngọt thế kia. Thế này thì không ổn rồi. Ăn ngọt bữa sáng thì cháu lớn thế nào được đây. Cái này tôi sẽ phản ánh với nhà trường…”.

Sai có… hệ thống

Theo TS Tâm lý giáo dục Nguyễn Thị Kim Quý, người từng có nhiều thời gian làm cố vấn tâm lý cho một số trường mầm non ở Hà Nội thì những phản ứng như trên của phụ huynh là không hiếm, đặc biệt xảy ra ở hệ thống trường tư thục. Cách ứng xử này của phụ huynh thực tế là đã “làm khó” không ít cho giáo viên trong công việc của họ.

Phụ huynh thường hay xót con nên khi có vấn đề họ thường mất bình tĩnh và có lối ứng xử không tốt với giáo viên. Yêu cầu giáo viên thực hiện đúng quy chuẩn là đúng và đó là quyền của mình. Thế nhưng, việc phản ứng một cách thái quá như vậy nó giống như một gáo nước lạnh dội vào bầu tâm huyết của giáo viên. Thậm chí, lối ứng xử đó nếu áp dụng với các giáo viên còn quá trẻ, chưa có kinh nghiệm, nhà trường lại không có những chiến lược phát triển rõ ràng thì có thể sẽ gây nên tâm lý hoang mang, nỗi chán nản hoặc lâu dần chuyển sang sự thờ ơ ở người giáo viên.

Đề cập đến vấn đề trẻ mầm non bị bạo lực, TS Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng, bản thân người giáo viên không bao giờ muốn mình trở nên hung dữ, xấu xí như vậy. Khi họ sử dụng bạo lực cũng có nghĩa là họ bất lực trong công việc của mình, trong vấn đề mà trẻ và bản thân cô giáo đang gặp phải. Ngay các trường học, bất cứ người quản lý nào đều muốn giáo viên của mình không vi phạm những nguyên tắc tối thiểu như không được bạo lực trẻ nhưng trên thực tế điều đó vẫn xảy ra. Một số vụ bạo lực trẻ mầm non là do đạo đức, nhân cách của người giáo viên đó có khiếm khuyết. Nhưng cũng có những vụ bạo lực là do giáo viên bị rơi vào trạng thái căng thẳng, stress lâu ngày do những áp lực như chương trình dạy quá tải, áp lực từ thu nhập, áp lực từ nhà trường và có cả áp lực từ phía phụ huynh. Nhưng tất cả những áp lực trên chỉ là phần ngọn. Cái sai trong giáo dục ở ta là sai có… hệ thống, mà nguyên nhân căn bản nhất là do chúng ta chưa có phương pháp luận đúng trong giáo dục.

“Việc các giáo viên ở hệ thống các trường mầm non tư thục phải chịu áp lực từ phụ huynh là có thật. Ở đây chưa bàn đến phương pháp giáo dục của giáo viên hay của nhà trường, nhưng xét cho cùng lối ứng xử xúc phạm đến giáo viên như vậy là không nên. Câu “tôn sư trọng đạo” không bao giờ lỗi thời. Cô giáo sai thì tìm cách trao đổi rõ ràng trên tinh thần xây dựng, thậm chí khi họ sai nghiêm trọng thì có thể đề nghị nhà trường thay giáo viên, hoặc nặng hơn nữa thì tố cáo ra pháp luật chứ không nên có hành vi xâm phạm và xúc phạm đến người thầy”.

TS Nguyễn Thị Kim Quý

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mạc Vi (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN