Bộ GD&ĐT xem xét lại việc dùng chứng chỉ ngoại ngữ thay cho điểm thi tốt nghiệp THPT
Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC là một trong những yếu tố góp phần vào quá trình hội nhập, song cũng cần đánh giá lại mức độ của việc dùng kết quả này để thay thế điểm thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.
Khoảng 5 năm gần đây, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đặc biệt là tiếng Anh, được ưa chuộng trong tuyển sinh. Hiện Bộ GD&ĐT xét miễn thi và tính điểm 10 tốt nghiệp môn Ngoại ngữ với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên hoặc tương đương. Tuy nhiên việc này gây ra không ít tranh cãi, nhiều giáo viên, học sinh cho rằng không hợp lý, công bằng.
Ngoài ra, rất nhiều trường Đại học dùng chứng chỉ IELTS, TOEFL... kết hợp với điểm thi để tuyển đầu vào. Riêng trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm nay tuyển 2.800 sinh viên theo phương thức này nhưng có đến 11.000 thí sinh nộp hồ sơ có chứng chỉ IELTS. Việc xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thuộc thẩm quyền của các trường do được tự chủ tuyển sinh theo Luật giáo dục Đại học.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học mới trong công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra với các Sở GD&ĐT, ông Huỳnh Văn Chương (Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT) đánh giá các địa phương "cơ bản làm tốt" việc quản lý văn bằng, chứng chỉ ở cấp phổ thông. Công tác chấn chỉnh hoạt động liên kết, tổ chức thi cùng được chuẩn hóa, tinh gọn hơn. Theo ông, chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC là một trong những yếu tố góp phần vào quá trình hội nhập, song cũng cần đánh giá lại mức độ của việc dùng kết quả này để thay thế điểm thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ. "Chắc chắn thông tư sắp tới của Bộ sẽ bàn thêm cái này", ông Chương nói tại hội nghị.
Về những tồn tại trong hoạt động quản lý thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, ông Chương cho rằng nhiều địa phương chưa sát sao, không thực hiện đúng quy định và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Điều này dẫn tới việc nhiều đơn vị phải hoãn thi IELTS và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác hồi tháng 9/2022, gây lộn xộn và ảnh hưởng quyền lợi người thi. Ông nhấn mạnh vai trò của địa phương trong việc giám sát, tổ chức thi, nên các Sở phải chủ động và lưu ý hơn.
Sau khi các trường đại học chính thức công bố điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tâm trạng chung của đông đảo thí sinh là sốc nhẹ vì sự tăng...
Nguồn: [Link nguồn]