Bộ GD&ĐT 'tung chiêu' chống gian lận trong thi THPT quốc gia

Sự kiện: Giáo dục

Năm 2019, các trường ĐH thuộc cấp tỉnh sẽ không được làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi tại địa phương.

Mới đây, PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh như vậy khi triển khai tập huấn công tác thi THPT quốc gia 2019 và xét tuyển ĐH-CĐ và trung cấp khối ngành sư phạm.

Theo ông Trinh, để hạn chế những tiêu cực trong thi cử như năm qua, năm nay Bộ sẽ có nhiều giải pháp nhằm tăng cường vai trò của các trường ĐH-CĐ trong quá trình tổ chức thi cũng như chấm thi.

Thứ nhất, nếu hai năm trước kỳ thi THPT quốc gia do các Sở GD&ĐT đóng vai trò chính, còn các trường ĐH chỉ tham gia hỗ trợ thì năm 2019 này, các trường ĐH tham gia nhiều hơn, đặc biệt ở khâu chấm thi. Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho các trường ĐH-CĐ chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Mỗi trường cử 5 - 8 cán bộ tham gia chấm thi trắc nghiệm. Còn Sở GD&ĐT địa phương sẽ chịu trách nhiệm về chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống máy tính và các thiết bị phụ trợ... nhằm đáp ứng tốt nhất về mọi mặt cho công tác thi cũng như chấm thi.

Bộ GD&ĐT 'tung chiêu' chống gian lận trong thi THPT quốc gia - 1

Thứ hai, Bộ GD&ĐT quy định năm nay các trường ĐH thuộc cấp tỉnh sẽ không làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi tại địa phương mà phải di chuyển sang địa phương khác. Việc này sẽ do Bộ GD&ĐT điều phối.

Đối với chấm bài thi tự luận là môn Ngữ văn, ông Trinh cho biết năm nay vẫn chấm kiểm tra các bài thi tự luận cùng tiến độ chấm vòng 1 vòng 2 với số lượng tối thiểu 5%. Việc lựa chọn các bài chấm kiểm tra là ngẫu nhiên, nhưng trong đó những bài thi điểm cao của hội đồng thi sẽ được chọn ra để chấm kiểm tra ngay trong quá trình chấm bài tự luận để kịp thời phát hiện tiến độ chấm có đều tay hay không, có gian lận gì không.

Ở công đoạn bảo quản bài thi, Bộ cũng cho biết các túi đựng bài thi sau khi được niêm phong bằng tem dùng một lần, dễ rách thì sẽ được dán thêm băng dính trong phủ lên tem để nếu bị can thiệp sẽ dễ phát hiện hơn. Bộ còn nâng cấp hệ thống máy tính dùng cho chấm thi trắc nghiệm, cải tiến phần mềm chấm thi trắc nghiệm.

Ngoài ra, các giải pháp khác cũng được tăng cường để hạn chế tiêu cực cũng như đảm bảo kỳ thi trung thực, khách quan và đạt chất lượng. Như thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên xếp thi chung với thí sinh THPT; đưa ra hàng rào kỹ thuật về việc niêm phong, quản lý bài thi, dùng camera giám sát, phân rõ trách nhiệm các thành viên trong hội đồng trong công tác coi thi; việc xét tốt nghiệp THPT cũng thay đổi theo tỷ lệ 70% (bài thi THPT quốc gia) và 30% (điểm trung bình cả năm lớp 12)....

Cũng theo ông Trinh, do công tác chấm thi năm nay sẽ làm rất kỹ lưỡng nên việc công bố điểm thi THPT quốc gia dự kiến sẽ chậm hơn bốn ngày so với năm ngoái, tức dự kiến sẽ vào ngày 15-7. Tuy nhiên việc này sẽ không ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các trường.

Infographic: Các mốc thời gian quan trọng của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019

Trước kỳ thi THPT Quốc gia, thí sinh cần phải lưu ý những mốc thời gian sau đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN