Bộ GD&ĐT nói gì về quy định mới ngăn chặn lạm thu?

Sự kiện: Giáo dục

Bộ GD&ĐT cho biết, quy định về tài trợ tại các cơ sở giáo dục (xã hội hóa) phải được phê duyệt, công khai và không được quy định mức đóng góp.

Ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm 2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các sơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Sau 5 năm thực hiện Thông tư số 29 đã đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Thông tư 29 đã bộc lộ một số tồn tại hạn chế như: còn quy định chung chung mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, dẫn đến khó triển khai. Phía các cơ sở giáo dục chưa có kế hoạch vận động tài trợ, xây dựng quy trình tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài trợ một cách công khai minh bạch.

Do đó, Bộ GD&ĐT đã vừa ban hành Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thông tư có hiệu lực từ ngày 18/9/2018 thay thế Thông tư số 29. Đây được coi là biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu tiền trường núp bóng danh nghĩa tiền “xã hội hóa”.

Bộ GD&ĐT nói gì về quy định mới ngăn chặn lạm thu? - 1

Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định cụ thể về hoạt động "xã hội hóa" tiền trường. Ảnh: TL

Cũng theo ông Trần Tú Khánh, việc ban hành Thông tư mới đã quy định rõ ràng nội dung, quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ, tạo ra kênh huy động tài trợ công khai minh bạch. Sẽ ngăn chặn tình trạng nhà trường, tổ chức cá nhân lợi dụng hình thức đầu tư xã hội hóa để vận động những nguồn tài chính tài sản không phù hợp, không chính đáng. Đây cũng là căn cứ để xử phạt nếu cá nhân, tổ chức nào vi phạm.

Yêu cầu phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ, kế hoạch phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và kế hoạch phải cụ thể đến từng khâu của quá trình tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ. Như vậy, việc huy động, tiếp nhận đầu tư sẽ phải được tổ chức một cách có kế hoạch, và đều được công khai minh bạch, có sự giám sát của các cá nhân, tổ chức ngoài nhà trường.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng yêu cầu phải quản lý các khoản tài trợ tập trung tại cơ sở đào tạo để đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm. Các tổ chức, cá nhân khác như: Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội học sinh, sinh viên… không được quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục. Với các quy định cụ thể trên sẽ chấm dứt tình trạng Ban đại diện cha mẹ học sinh tự đặt ra các khoản thu áp đặt, cào bằng gây bức xúc dư luận như trong thời gian vừa qua.

“Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, sự chung tay góp sức của toàn xã hội cho ý nghĩa rất lớn đối với cơ sở giáo dục nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Thông tư 16 nêu rõ khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ để phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy - học, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục” - ông Trần Tú Khánh chia sẻ thêm.

Thu 8 triệu đầu năm: Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Đồng bị xử lý nghiêm

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, Hà Nội cho rằng lãnh đạo Trường Tiểu học Sơn Đồng đã không trung thực và sẽ bị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN