Bộ GD&ĐT nói gì về phổ điểm môn tiếng Anh bất thường?
Với phổ điểm không theo chuẩn hình chuông mà hình lạc đà, môn tiếng Anh được cho là môn thi có kết quả “dị” nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, môn tiếng Anh năm nay có số thí sinh đạt điểm 10 tăng khoảng 18 lần so với năm 2020, với 4.345 bài thi, trong khi năm 2020 chỉ có 225 bài.
Cũng chính vì tăng phi mã như thế nên phổ điểm môn tiếng Anh cũng là phổ điểm duy nhất có 2 đỉnh.
Tại đề thi hay tại đâu?
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, phổ điểm năm nay phản ánh trình độ ngoại ngữ, cách dạy và học của học sinh giữa các vùng miền chênh lệch quá lớn, nhất là khi chuyển sang học online do dịch bệnh. Các em vùng sâu gần như không có Internet và thiết bị di động để học.
Điều đó thể hiện rõ ở kết quả thi với số học sinh điểm tiếng Anh dưới trung bình và số điểm cao đều lớn. Phụ huynh khu vực thuận lợi hiện nay đầu tư rất nhiều tiếng Anh cho con em còn học sinh ở nông thôn chủ yếu học sách giáo khoa chưa kể ngoài trình độ giáo viên cũng yếu hơn giáo viên khu vực thuận lợi, nhất là các thành phố lớn.
“Đây là sự bất công và bất cập rất lớn mà tất cả chúng ta kể cả những người trong ngành giáo dục phải giải quyết và hỗ trợ các em học sinh nghèo trong những năm tới”, PGS, Dũng nhận định.
Nguồn: Moet
Trong khi đó, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, thành viên Hội đồng Quốc gia giáo dục, cho biết phân bố điểm thi tiếng Anh với hai điểm cực trị kiểu hình yên ngựa, các nhà thống kê gọi là phân bố hai mode (bimodal) cũng thường xuất hiện trong phân bố thống kê.
Một số ý kiến cho rằng ở đây có sự chênh lệch vùng miền rất lớn về chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Ở vùng thành phố hoặc vùng kinh tế phát triển tiếng Anh được đầu tư tốt hơn. Tuy nhiên, nếu so sánh điểm thi ngoại ngữ từ nhiều năm trước sẽ thấy những bất thường về hình dáng phân bố điểm tiếng Anh của năm nay.
TS. Hoàng Ngọc Vinh đặt câu hỏi, phải chăng năm nay mới có sự chênh lệch chất lượng vùng miền; tại sao các môn thi khác lại không có hiện tượng chênh lệch vùng miền để xuất hiện phân bố tương tự như môn thi tiếng Anh? Thêm vào đó điểm 10 thi ngoại ngữ năm nay tăng gấp 18 lần thì có phải là bất thường không?
Vì vậy, theo TS. Hoàng Ngọc Vinh chưa phân tích, bóc tách các câu trắc nghiệm ở các nhóm thí sinh trên địa bàn khác nhau và trên cùng một địa bàn thì mọi nhận định chỉ là phỏng đoán... Nhưng TS. Hoàng Ngọc Vinh cho rằng đã là đề thi chuẩn hóa (standardized test ) thì mọi phân bố bất thường (không phải phân bố hình chuông), phải được nhìn nhận và xem xét, trong đó, đề thi cần được hiệu chỉnh lại cho chuẩn.
“Một số ý kiến cho rằng khâu coi thi thiếu nghiêm túc ở địa phương này nhưng lại nghiêm túc ở địa phương khác. Tôi không nghĩ như vậy. Nếu thiếu nghiêm túc trong coi thi thì sẽ xuất hiện phổ điểm kiểu yên ngựa ở các môn thi khác nữa”, TS. Hoàng Ngọc Vinh nói.
Không bất thường
Trả lời báo Tiền Phong về phổ điểm môn tiếng Anh năm nay, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết Bộ đã phân tích chi tiết phổ điểm môn tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo đó, phổ điểm chung của cả nước đối với môn thi này xuất hiện 2 đỉnh và dường như là phép cộng của 2 phổ điểm chuẩn. Một phổ điểm ứng với vùng có số điểm thấp, một phổ điểm ứng với vùng có số điểm cao hơn.
Cũng cần nói thêm rằng, phổ điểm môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của cả nước khá đồng dạng với phổ điểm thi tiếng Anh của một số tỉnh thành phố lớn vốn có sự khác biệt rõ về điều kiện dạy học, nhất là điều kiện dạy học môn ngoại ngữ giữa các quận, huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.
Theo ông Trinh, để có cách nhìn toàn diện, chính xác với phổ điểm môn tiếng Anh, Cục Quản lý chất lượng đã phân tích phổ điểm của từng nhóm thí sinh ở các vùng miền khó khăn và vùng miền có điều kiện dạy học thuận lợi. Đối với nhóm thí sinh thuộc vùng miền khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…, đặc biệt 2 năm qua bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, các em phải học trực tuyến khiến việc học ngoại ngữ bằng hình thức này có những thiệt thòi nhất định.
Kết quả phân tích phổ điểm của nhóm thí sinh thuộc vùng miền này cho thấy điểm trung bình thấp hơn nhưng dạng phổ điểm gần với phân bố chuẩn. Tương tự phân tích với nhóm thí sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi hơn thì kết quả điểm trung bình tốt hơn, có nhiều điểm cao hơn và phổ điểm cũng gần với phân bố chuẩn.
Từ việc phân tích như vậy cho thấy rằng, đề thi môn Tiếng Anh năm nay đã phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh cũng như phản ánh trung thực điều kiện dạy học của các nhà trường là khác nhau, đặc biệt giữa các nhà trường ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Cũng cần bình luận thêm rằng, chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ trong trường phổ thông thời gian gần đây đang được chú trọng, đầu tư hơn, xu hướng đổi mới dạy học ngoại ngữ những năm gần đây đã thu hút nhiều học sinh đầu tư vào học tiếng Anh.
Số lượng học sinh dùng điểm thi môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển vào các trường đại học khá nhiều,trong đó có cả trường tốp cao. Bên cạnh đó, cũng có nhiều học sinh phấn đấu để đạt được chứng chỉ ngoại ngữ uy tín để sử dụng tuyển sinh trong nước và du học nước ngoài. Điều này dẫn đến có nhiều học sinh đạt kết quả cao môn Ngoại ngữ trong Kỳ thi năm nay.
Tuy nhiên, trước câu hỏi của phóng viên về việc ý kiến của chuyên gia về đề thi đã “mất chuẩn” nên dẫn đến tình trạng phổ điểm môn tiếng Anh năm nay có biểu hiện “dị biệt”, ông Trinh đã không trả lời.
Theo thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán (Hà Nội), dựa vào điểm chuẩn các khối, dự đoán điểm chuẩn các trường...
Nguồn: [Link nguồn]