Bộ GD&ĐT kiên quyết xử lý lạm thu tiền trường
Tiền trường luôn là nỗi ám ảnh của nhiều bậc cha mẹ khi bước vào năm học mới. Phát biểu trước toàn ngành Giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đặt mục tiêu quyết liệt xử lý lạm thu trong năm học 2018 - 2019.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành quy định mới về xã hội hóa trong các cơ sở giáo dục nhằm ngăn chặn lạm thu. Ảnh minh họa: Q.Anh
Lạm thu - ranh giới mong manh
Theo Bộ GD&ĐT, khi ngân sách nhà nước hạn chế thì việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục là chính đáng, hết sức cần thiết. Tuy nhiên, do chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp tại cơ sở giáo dục. Đây là lý do dẫn tới tình trạng một số nơi xảy ra tình trạng lợi dụng hội phụ huynh học sinh, tình trạng áp đặt “cào bằng” để thu tiền như: Hải Phòng, Thanh Hóa hay mới đây nhất là Trường tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội).
Chỉ ra một thực tế phát sinh lạm thu hiện nay, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, những người làm giáo dục không ai muốn phải trực tiếp đi thu tiền, huy động đóng góp tiền của cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, do đầu tư ngân sách hạn hẹp nên có chủ trương xã hội hóa trong việc huy động các nguồn lực xã hội. Nhưng ranh giới xã hội hóa cho đầu tư và lạm thu rất mỏng manh nên nếu không cẩn thận, có thể bị lạm dụng hoặc làm một việc xã hội hóa nhưng lại thành lạm thu.
Cũng theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, hiện có các trường hợp lạm thu, đó là: Thu những khoản thu không được phép thu, không có trong quy định dù có thể mục đích là tốt, chẳng hạn việc lắp đặt điều hòa dưới hình thức “bổ đầu”. Trường hợp khác, thu có thể đúng theo quy định nhưng việc sử dụng tiền thu ấy là không đúng theo quy định, đó là sai phạm về mặt tài chính. Nếu trầm trọng hơn là dùng tiền đó vào mục đích tư lợi cá nhân thì phải xử lý nặng hơn.
“Để dứt điểm, tôi cho rằng phải có quy định rõ ràng chặt chẽ về việc thu - chi về tài trợ trong các cơ sở giáo dục. Tôi được biết, Bộ GĐ&ĐT vừa ban hành Thông tư quy định rõ nội dung của xã hội hóa. Thông tư đưa hoạt động tài trợ trong các cơ sở giáo dục vào khuôn khổ, nề nếp, qua đó góp phần hạn chế, ngăn chặn lạm thu. Tuy nhiên, cần thông tin tuyên truyền cho hội cha mẹ học sinh hiểu rất rõ về nội dung xã hội hóa và vai trò tham gia, giám sát trong công việc xã hội hóa để không xảy ra tình trạng lạm thu”, PGS.TS Hoàng Văn Cường đề nghị.
Quy định mới có “trị” được lạm thu?
Theo Bộ GD&ĐT, để đưa hoạt động đầu tư xã hội hóa cho các cơ sở giáo dục công lập vào nề nếp, tạo hành lang pháp lý quản lý, khuyến khích hoạt động đầu tư, năm 2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các sơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Sau 5 năm thực hiện, Thông tư cũng đã bộc lộ một số tồn tại hạn chế. Vì vậy, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT (gọi tắt là Thông tư 16) thay thế để khắc phục những bất cập trên để hoạt động tài trợ đảm bảo đúng mục tiêu, ý nghĩa và việc quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài trợ.
Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo Thông tư mới, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ đóng vai trò phối hợp, giám sát việc quản lý và sử dụng tài trợ của cơ sở giáo dục; cử đại diện tham gia quá trình tiếp nhận tài trợ, nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng các khoản tài trợ bằng hiện vật hoặc phi vật chất. Ban đại diện cha mẹ học sinh không trực tiếp đứng ra tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục, đồng thời các khoản tài trợ phải được phản ánh trên sổ sách kế toán của đơn vị.
Cũng theo ông Khánh, việc quy định rõ ràng sẽ ngăn chặn tình trạng nhà trường, tổ chức cá nhân lợi dụng hình thức đầu tư xã hội hóa để vận động những nguồn tài chính, tài sản không phù hợp, không chính đáng. Đây cũng là căn cứ để xử phạt nếu cá nhân, tổ chức nào vi phạm. Với các quy định cụ thể sẽ chấm dứt tình trạng Ban đại diện cha mẹ học sinh tự đặt ra các khoản thu áp đặt, cào bằng gây bức xúc dư luận như trong thời gian vừa qua.
“Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, sự chung tay góp sức của toàn xã hội có ý nghĩa rất lớn đối với cơ sở giáo dục nói riêng và ngành Giáo dục nói chung. Thông tư 16 nêu rõ khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ để phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy-học, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục. Cơ sở giáo dục hay cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định”, ông Trần Tú Khánh chia sẻ.
Bộ GD&ĐT cho biết, quy định về tài trợ tại các cơ sở giáo dục (xã hội hóa) phải được phê duyệt, công khai và không...