Bộ GD&ĐT công bố những ngành có tỷ lệ tuyển sinh cao nhất
Bộ GD&ĐT cho hay tỷ lệ tuyển sinh giữa các nhóm ngành có sự chênh lệch khá lớn. Nhiều cơ sở đào tạo có tỷ lệ tuyển cao so với chỉ tiêu nhưng cũng không ít trường tuyển sinh rất khó khăn.
Ngành kinh doanh và quản lý chiếm tỷ lệ cao nhất
Phát biểu tại Hội nghị tuyển sinh 2023 sáng 3/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chia sẻ, tuyển sinh luôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng năm, với toàn ngành và là sự quan tâm của toàn xã hội.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, tuyển sinh không chỉ là việc riêng của mỗi trường đại học mà là sân chơi chung của các trường đại học trong hệ thống, là trách nhiệm của toàn ngành, không chỉ là của hệ thống giáo dục đại học.
Bộ GD&ĐT cho rằng, nhiều phương thức xét tuyển gây nhiễu loạn và không hiệu quả đối với cả thí sinh lẫn các trường. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, công tác tuyển sinh năm 2022 có một số điều chỉnh kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho thí sinh và cơ sở đào tạo (CSĐT).
Tỷ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các CSĐT tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố. Năm 2022, tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263 đạt 83,39%, thấp hơn số nhập học của năm 2021, 2020.
Trong số 330 CSĐT, có 194 CSĐT (58,8%) có tỷ lệ nhập học đạt trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.
Theo Bộ GD&ĐT, tỷ lệ tuyển sinh giữa các nhóm ngành có sự chênh lệch khá lớn, trong đó nhóm ngành kinh doanh và quản lý chiếm tỷ lệ cao nhất, 24,54%; máy tính và công nghệ thông tin đứng thứ 2 với 11,79%; công nghệ kỹ thuật 9,18%; nhân văn 8,68%; sức khỏe 6,35%; sư phạm 5,09%... Trong khi đó, những nhóm ngành như khoa học tự nhiên chỉ chiếm 0,44%; toán và thống kê 0,40%.
Đáng chú ý, về công tác tuyển sinh của một số ngành, lĩnh vực và CSĐT, báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy có nhiều bất hợp lý. Phần lớn CSĐT đã tuyển được số lượng đạt tỷ lệ cao so với chỉ tiêu, bên cạnh đó cũng có một số CSĐT tuyển sinh khó khăn, nhất là ở một số lĩnh vực và ngành đào tạo.
Những ngành nào tuyển sinh kém nhất?
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2022, số cơ sở đào tạo tuyển kém là 64/330 tổng số ngành; số ngành tuyển kém/tổng số ngành là 94/440.
Cũng theo bà Thủy, trong 3 năm liền, bốn lĩnh vực: nông lâm nghiệp và thủy sản; khoa học sự sống; khoa học tự nhiên; dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.
Cụ thể, nông lâm nghiệp và thủy sản chỉ tuyển sinh đạt 49,10%; khoa học sự sống 57,92%; khoa học tự nhiên 59,43%; dịch vụ xã hội 61,36%.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, các cơ sở đào tạo tuyển kém chủ yếu do một số nguyên nhân: chưa đủ uy tín, thương hiệu để hấp dẫn thí sinh, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội, ngành đào tạo hẹp, ngành mới thí điểm đào tạo, ngành thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.
Mức độ cạnh tranh giữa các trường đại học cũng như giữa các ngành ngày càng gia tăng. Đây là vấn đề mà các trường cũng như cơ quan quản lý nhà nước phải nhận diện, có giải pháp điều chỉnh để bảo đảm cân đối, nhu cầu nhân lực.
Bà Thủy cho rằng, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải thực hiện nghiêm việc báo cáo lên hệ thống chung; không gọi thí sinh nhập học sớm mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống làm mất cơ hội khác của thí sinh khi không được tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, các trường đại diện cần tập trung điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo để thu hút thí sinh, đây là giải pháp đường dài để tạo niềm tin cho người học, cho xã hội.
Bộ GD&ĐT công bố tỉ lệ tuyển sinh theo các lĩnh vực đào tạo:
TT | Lĩnh vực | Tỉ lệ tuyển sinh |
1 | Kinh doanh và quản lý | 24,54% |
2 | Máy tính và công nghệ thông tin | 11,79% |
3 | Công nghệ kỹ thuật | 9,18% |
4 | Nhân văn | 8,68% |
5 | Sức khỏe | 6,35% |
6 | Khoa học xã hội và hành vi | 5,46% |
7 | Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên trình độ đại học | 5,09% |
8 | Kỹ thuật | 4,86% |
9 | Pháp luật | 3,99% |
10 | Kiến trúc và xây dựng | 3,69% |
11 | Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân | 3,55% |
12 | Báo chí và thông tin | 2,21% |
13 | An ninh, quốc phòng | 1,59% |
14 | Sản xuất và chế biến | 1,38% |
15 | Nghệ thuật | 1,36% |
16 | Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng | 1,28% |
17 | Môi trường và bảo vệ môi trường | 0,99% |
18 | Nông lâm nghiệp và thủy sản | 0,86% |
19 | Dịch vụ vận tải | 0,74% |
20 | Khoa học sự sống | 0,64% |
21 | Thú y | 0,51% |
22 | Khoa học tự nhiên | 0,44% |
23 | Toán và thống kê | 0,40% |
24 | Dịch vụ xã hội | 0,36% |
25 | Khác | 0,07% |
Nguồn: [Link nguồn]
Sau ánh hào quang của những ngành học “nóng” là những áp lực, khó khăn mà mỗi thí sinh trước khi lựa chọn đăng ký học cần phải chuẩn bị để đối mặt.