Bộ GD&ĐT có kịch bản nào cho học sinh vùng lũ lụt ở miền Trung?
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi học sinh đi học trở lại, các trường có thể giãn chương trình, xây dựng kế hoạch dạy bù.
Các tỉnh miền Trung vừa phải chống lại cơn lũ lịch sử, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Mọi hoạt động thường ngày của người dân, bao gồm cả việc học của học sinh bị đình trệ.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh và chương trình học, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT vẫn đang theo dõi sát tình hình cụ thể. Đến thời điểm hiện nay, với lượng thời gian học sinh đã nghỉ thì quỹ thời gian dự phòng năm học 2020-2021 hiện vẫn đủ để bù.
Mưa lũ gây thiệt hại nặng tại miền Trung. (Ảnh: PLO)
Trong chương trình khung kế hoạch năm học mà Bộ GD&ĐT ban hành đầu năm có 2 tuần làm quỹ dự phòng. Như vậy, mỗi học kỳ, các trường có 1 tuần dự phòng trường hợp thiên tai, dịch bệnh.
Với thực tế một số tỉnh như Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị cho học sinh nghỉ học dài ngày để phòng chống lũ lụt, đại diện cho biết, các địa phương phải căn cứ khung thời gian năm học, cộng thời gian thực tế học sinh đã nghỉ để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của trường cho phù hợp thực tế.
“Nếu bão chồng bão, lũ chồng lũ như hiện nay, các địa phương cũng phải tính đến phương án học sinh nghỉ quá quỹ thời gian dự phòng. Khi đó, các trường sẽ phải xây dựng phương án dạy bù trong năm học để đảm bảo hoàn thành chương trình.
Điều này có thể thực hiện vì chương trình hiện hành thiết kế dạy học 1 buổi/ngày, các trường sẽ vẫn có thời gian 1 buổi để dạy bù mà không gây áp lực cho học sinh.
Các trường vận dụng chỉ đạo năm học của Bộ GD&ĐT về việc giao quyền tự chủ cho nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục; linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục không chỉ trong lớp học mà có thể thực hiện cả ngoài giờ lên lớp, trong phòng thí nghiệm, làm dự án học tập…”, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết.
Bên cạnh đó, các trường vận dụng chỉ đạo năm học của Bộ GD&ĐT về việc giao quyền tự chủ cho nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục; linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục không chỉ trong lớp học mà có thể thực hiện cả ngoài giờ lên lớp, trong phòng thí nghiệm, làm dự án học tập.
Với những trường bị lũ cuốn trôi sách vở, đồ dùng học tập, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ đã và đang kêu gọi các nhà xuất bản, nhà hảo tâm cung cấp sách giáo khoa, vở, thiết bị dạy học cho các trường học, đảm bảo học sinh vùng lũ khi đến trường có đủ sách vở, đồ dùng học tập tối thiểu.
Nguồn: [Link nguồn]
Các cơ sở giáo dục cần có phương án để đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên và giảng viên.