Bộ GD-ĐT thừa nhận còn rất nhiều hạn chế trong năm học 2018 – 2019
Năm 2018, ngành giáo dục vẫn còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi ở một số địa phương (như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La).
Sáng 6/8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020.
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.
Tại Hội nghị, bên cạnh làm rõ các kết quả trong năm học vừa qua Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn các đại biểu thảo luận về những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, trong đó làm rõ trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương.
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Trong báo cáo của Bộ GD&ĐT thừa nhận còn rất nhiều hạn chế như: Sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương vẫn còn bất cập.
Đặc biệt, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để, đặc biệt là giáo viên mầm non.
Bên cạnh đó, số lượng giáo viên được tuyển dụng hằng năm chưa tương xứng với số lượng trẻ tăng thêm, trong khi mỗi năm toàn ngành có khoảng 3000 giáo viên nghỉ hưu.
Một số địa phương chưa đáp ứng kịp do thiếu biên chế, thiếu kinh phí, vướng mắc về tính pháp lý khi ký hợp đồng lao động.
Về giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống.
Một số giáo viên hạn chế về năng lực, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp dạy học, chậm đổi mới; cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức, lối sống, chưa thể hiện vai trò nêu gương đối với học sinh.
Năm học 2018-2019, còn tồn tại nhiều nội dung, thông tin “xấu”, “độc”... trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông, tác động tiêu cực đến nhận thức, đạo đức, hoàn thiện nhân cách, hành vi, lối sống của học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, vẫn còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi năm 2018 ở một số địa phương (như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La).
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những nhận định cụ thể về kết quả ngành Giáo dục đạt được trong năm học vừa qua, cũng như vấn đề còn tồn tại, hạn chế.
Một số giải pháp lớn được Thủ tướng nêu ra, trong đó có việc địa phương phải rà soát lại quy hoạch mạng lưới trường lớp, nhất là hệ thống các trường mầm non, phổ thông, tạo điều kiện cho con em và người dân.
Cùng với đó, đẩy mạnh sắp xếp các trường sư phạm, tập trung vào các trường sư phạm trọng điểm; các trường khác có lộ trình làm vệ tinh trong bồi dưỡng giáo viên cho địa phương. Trường sư phạm phải đào tạo ra nhà giáo dục, không phải là thợ dạy.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những nhận định cụ thể về kết quả ngành Giáo dục đạt được trong năm học vừa qua, cũng như vấn đề còn tồn tại, hạn chế.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ đóng cửa một số cơ sở giáo dục ĐH kém chất lượng kéo dài; kiểm tra và dừng đào tạo các ngành đào tạo kém chất lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấn chỉnh…
Về giáo viên, Thủ tướng yêu cầu địa phương phải rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng thừa thiếu hiện nay…
Đặc biệt, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho HSSV, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của gia đình – nhà trường và xã hội; trong đó nhà trường đóng vai trò trung tâm. Thủ tướng đồng thời đưa ra yêu cầu cụ thể cho các bộ, ban, ngành đoàn thể liên quan nhằm làm tốt vấn đề này.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tự chủ đại học, trong đó có vấn đề hội đồng trường; nghiên cứu cơ chế thí điểm trường mầm non, phổ thông có điều kiện thực hiện tự chủ chi thường xuyên, trong đó lưu ý không phải vì tự chủ mà bị thị trường chi phối, bỏ qua các nguyên lý giáo dục ….
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thay mặt ngành Giáo dục tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự hội nghị.
Liên quan đến sự việc Hiệu trưởng trường Đại học Đông Đô bị bắt, Bộ GD-ĐT đã lên tiếng.