Bộ GD-ĐT lý giải vì sao bỏ điểm sàn xét tuyển đại học năm 2017

Bỏ điểm sàn giúp việc chuẩn bị cơ sở dữ liệu không quá gấp, mặt khác giúp thí sinh có nhiều thời gian lựa chọn nguyện vọng phù hợp.

Bộ GD-ĐT lý giải vì sao bỏ điểm sàn xét tuyển đại học năm 2017 - 1

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lý giải vì sao Bộ bỏ điểm sàn trong xét tuyển đại học năm 2017.

Ngày 16/12, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2017. Đáng chú ý trong Dự thảo này, Bộ GD-ĐT dự kiến không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) như mọi năm.

Nhiều người thắc mắc, tại sao Bộ GD-ĐT lại bỏ điểm sàn, chiều 16/12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã lý giải cụ thể xung quanh nội dung này.

Các trường tự cân nhắc điểm đầu vào

Theo ông Bùi Văn Ga, việc đổi mới công tác tuyển sinh không thể thực hiện cùng một lúc được mà phải từng bước cho phù hợp với điều kiện thực tế. Qua mỗi mùa tuyển sinh, Bộ thấy những điểm bất cập đối với thí sinh, nhà trường, dư luận xã hội. Vì thế, buộc Bộ GD-ĐT phải điều chỉnh, dự kiến bỏ điểm sàn trong xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2017.

“Bỏ điểm sàn vì hai năm vừa qua, Bộ GD-ĐT bắt đầu giao cho các trường xét tuyển kết quả học tập phổ thông nhưng trên thực tế các trường không tuyển được nhiều thí sinh theo cách này”, ông Ga nói.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT phân tích, năm 2016, dù có điểm sàn nhưng vẫn còn hơn 100.000 thí sinh trên ngưỡng này không nộp đơn đăng ký xét tuyển dù rất nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu. Điều này cho thấy thí sinh đã có sự tính toán, lựa chọn nhất định chứ không phải vào bất cứ trường đại học nào là xong.

Vì vậy, năm nay Bộ quy định điều kiện cần chung nhất là điểm tốt nghiệp THPT. Còn các trường tự cân nhắc khi đặt điều kiện đầu vào của mình cho phù hợp để đảm bảo chất lượng, xây dựng uy tín.

“Điều này giúp cho việc chuẩn bị cơ sở dữ liệu không quá gấp, mặt khác giúp thí sinh có nhiều thời gian lựa chọn nguyện vọng phù hợp”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thông tin.

Quy trình xét tuyển thực hiện như thế nào?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho biết, việc điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi được thực hiện trực tuyến với tài khoản và mã số thí sinh đã được cung cấp khi đăng ký dự thi. Thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất.

Bộ GD-ĐT lý giải vì sao bỏ điểm sàn xét tuyển đại học năm 2017 - 2

 Bỏ điểm sàn giúp thí sinh có nhiều thời gian lựa chọn nguyện vọng phù hợp.

Trong đợt 1, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng. Tuy nhiên, thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.

Chẳng hạn: Ngành A lấy điểm chuẩn 20 điểm thì tất cả những thí sinh đã đăng ký vào ngành A có điểm thi từ 20 điểm trở lên dù đăng ký bất kỳ nguyện vọng nào cũng được xếp vào danh sách trúng tuyển.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết, để giúp các trường loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh trúng tuyển vào nhiều trường, Bộ đã xây dựng cổng thông tin tuyển sinh để các trường thực hiện động tác thống kê nguyện vọng của thí sinh để lọc ra danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức.

Quy trình xét tuyển được thực hiện như sau: Sau khi hết thời hạn thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT, các trường/nhóm trường khai thác thông tin (của trường/nhóm trường mình và của các trường/nhóm trường khác có liên quan) trên cổng thông tin tuyển sinh để dự kiến điểm trúng tuyển, dự kiến danh sách thí sinh trúng tuyển.

Sau đó các trường/nhóm trường nhập lên cổng thông tin tuyển sinh danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến trong thời gian quy định để hệ thống tự động loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh dự kiến trúng tuyển nhiều nguyện vọng.

Các trường/nhóm trường xem danh sách thí sinh trúng tuyển sau khi đã lọc ảo so với chỉ tiêu cần tuyển để điều chỉnh điểm trúng tuyển cho phù hợp.

Các trường có thể điều chỉnh điểm trúng tuyển nhiều lần trong thời gian quy định để có được danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức (các thí sinh này chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN