Bộ GD-ĐT lên tiếng về thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung
Bộ GD-ĐT khẳng định, tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, học sinh có thể chọn học tiếng Nga, Pháp, Nhật hoặc tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ hai.
Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ không ép buộc học sinh lựa chọn tiếng Nga, tiếng Trung để học trong nhà trường
Sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra Đề án thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung từ lớp 3, có nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề này. Có người cho rằng, giới trẻ muốn hội nhập cần giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp, việc dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc trong trường phổ thông là lạc hậu. Vì vậy, Bộ GD-ĐT hãy tập trung phổ cập ngôn ngữ này, thay vì dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc.
Trước luồng tranh luận, Bộ GD-ĐT đã chính thức lên tiếng xung quanh Đề án thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung.
Bộ GD-ĐT cho biết, học sinh đã học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất thì có thể chọn học tiếng Nga, Pháp, Nhật hoặc tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ hai, Bộ GD-ĐT không ép buộc học sinh phải học các ngoại ngữ này.
Bộ GD-ĐT cho biết, chỉ có “Ngoại ngữ thứ nhất” là ngoại ngữ bắt buộc. Theo Quy định, học sinh được lựa chọn một trong bốn ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc làm ngoại ngữ thứ nhất. Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung dạy và học tiếng Nhật trong trường phổ thông như ngoại ngữ thứ nhất hoặc ngoại ngữ thứ hai tùy theo nhu cầu và lựa chọn của các địa phương và trường học.
Trong khi đó, “Ngoại ngữ thứ hai” là ngoại ngữ tự chọn, không bắt buộc. Tùy theo nhu cầu của người học và điều kiện dạy học, các trường phổ thông có thể bố trí dạy học đáp ứng nhu cầu của học sinh.
Căn cứ vào ngoại ngữ thứ nhất, học sinh có thể chọn một trong năm ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật) là ngoại ngữ thứ hai.
Chẳng hạn: Học sinh đã học tiếng Anh là ngoại ngữ thứ nhất thì có thể chọn học tiếng Nga, Pháp, Nhật hoặc tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ hai.
Gần đây, tiếng Đức và tiếng Hàn được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép dạy học thí điểm như ngoại ngữ thứ hai ở các địa phương, trường học có nhu cầu và có đủ điều kiện dạy - học.
Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ sẽ tổ chức xây dựng các chương trình ngoại ngữ phổ thông 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12, biên soạn sách giáo khoa, tài liệu học tập, giảng dạy, phù hợp với quy định về năng lực trình độ của mỗi cấp, lớp học. Khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng, thực hiện các chương trình song ngữ, bồi dưỡng nâng cao trong các cơ sở của mình.
Ngoài chương trình đào tạo môn ngoại ngữ bắt buộc (ngoại ngữ 1), học sinh có thể tự chọn học thêm một ngoại ngữ khác (ngoại ngữ 2). Việc bố trí dạy môn ngoại ngữ 2 chỉ thực hiện từ lớp 6 đến lớp 12 với trình độ đạt tương đương.
“Việc xây dựng chương trình này nhằm đảm bảo người học khi hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt được các chuẩn đầu ra quy định”, Bộ GD-ĐT khẳng định.