Bộ GD-ĐT không cấm dạy thêm chính đáng, tự nguyện

Sự kiện: Thời sự

Trước vấn đề chất vấn về việc dạy thêm học thêm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ GD-ĐT chỉ cấm dạy thêm học thêm tràn lan, biến tướng.

Bộ GD-ĐT không cấm dạy thêm chính đáng, tự nguyện - 1

Bộ trưởng GD-ĐT trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về dạy thêm, học thêm

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, vấn đề dạy thêm, học thêm cũng được nhiều đại biểu chất vấn và giơ bảng tranh luận.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) nêu vấn đề: Chuyện dạy thêm, học thêm vốn là mối quan tâm của mọi nhà. Vì thế, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có những giải pháp để chấn chỉnh?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Dạy thêm học thêm có từ rất lâu gây bức xúc trong dư luận. Đây trước hết là nhu cầu tự thân, nhưng cái cần chấn chỉnh là dạy thêm học thêm tràn lan”.

Cũng theo ông Nhạ, Bộ GD-ĐT đã ra quy định để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Hiện nay, việc dạy thêm học thêm đã được chấn chỉnh từng bước nhưng vẫn còn gây biến tướng. Vì thế, để hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm phải có sự phối hợp với địa phương giám sát chứ Bộ GD-ĐT cũng không đi đến từng giáo viên để giám sát được. Tuy vậy, giải pháp gốc vẫn là nội dung chương trình.

“Hiện chúng tôi đang định hướng rà soát chương trình, làm sao lược bớt chương trình không cần thiết để chương trình học nhẹ hơn, phù hợp hơn”, ông Nhạ nói.

Trước câu trả lời của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) giơ biển tranh luận và bày tỏ không đồng tình.

Bộ GD-ĐT không cấm dạy thêm chính đáng, tự nguyện - 2

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Phương Hoa đề nghị Bộ trưởng đưa giải pháp để chấn chỉnh dạy thêm, học thêm.

Bà Hoa nêu ý kiến: “Bộ trưởng nói dạy thêm học thêm ổn định hơn, vậy ổn định thế nào? Hiện có tình trạng bắt ép học thêm? Việc này đã quyết liệt chưa? Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục tình trạng trên?”

Tiếp tục tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đưa ra nhận định: “Vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng trả lời chưa thỏa đáng. Bộ trưởng nói rằng không cấm dạy thêm học thêm, tôi không hoàn toàn đồng ý”.

Đại biểu phân tích: Tôi cho rằng không cấm dạy thêm học thêm là đúng, nhưng phải cấm tình trạng lợi dụng dạy thêm học thêm gây bức xúc xã hội. Chẳng hạn, một số thầy cô không dạy hết nội dung chương trình ở lớp mà để về nhà dạy, hoặc là khi kiểm tra học sinh thì lại kiểm tra kiến thức dạy thêm.

“Đề nghị Bộ trưởng có trách nhiệm, giải pháp chấn chỉnh việc này, tránh gây bức xúc cho xã hội, gánh nặng cho gia đình và học sinh”, đại biểu Tâm nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời: “Có lẽ tôi diễn đạt chưa làm đại biểu hiểu rõ. Tôi đồng ý hoàn toàn với việc cấm dạy thêm học thêm bị lợi dụng, còn không cấm việc dạy thêm học thêm hợp lý, có nhu cầu chính đáng và tự nguyện”.

“Còn về trách nhiệm của Bộ trưởng, tôi đã nhận thức rằng thời gian qua đã có chỉ đạo, nhưng tới đây cần chỉ đạo sâu sát hơn, quyết liệt hơn, trong đó có phối hợp với chính quyền địa phương”, Bộ trưởng GD-ĐT nói thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN