Bố đồng ý thưởng “nóng” nếu con trai đậu cấp 3 nhưng lại hối hận vì điều này
Người bố lo lắng việc cậu con trai lại muốn dùng số tiền thưởng để mua thứ này sẽ ảnh hưởng tới việc học.
Kỳ thi tuyển sinh cấp 3 ở Trung Quốc cuối cùng đã trôi qua. Nếu con cái làm bài không tốt, có lẽ cả gia đình sẽ rất buồn. Ngược lại, nếu con cái đạt được thành tích cao, đậu vào trường mình mơ ước, nhiều cha mẹ sẽ thưởng “nóng” cho con mình.
Vào ngày 10/7 vừa qua, tại thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc xảy ra một sự việc làm xôn xao cộng đồng mạng. Có một cậu bé và cha mình đã cãi nhau gay gắt về vấn đề liên quan tới tiền thưởng sau khi cậu đậu cấp 3.
Cậu bé và bố cãi nhau vì số tiền thưởng 1000 tệ.
Được biết, trước kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông, người cha đã hứa với con trai mình rằng, nếu cậu đạt hơn 650 điểm sẽ được thưởng 1.000 tệ (3,5 triệu đồng).
Nghe cha mình nói như vậy, cậu con trai rất vui và yêu cầu cha phải giữ lời hứa. Cậu còn vô tư nói rằng, mình sẽ lấy 1.000 tệ này mua máy chơi game và thư giãn sau chuỗi ngày dài chỉ biết thi cử.
Không ngờ người cha nghe tin con trai muốn mua máy chơi game, ông lập tức hối hận, sợ con bỏ bê chuyện học nên đã nói: “Nếu con mua máy chơi game, bố sẽ không cho con 1.000 tệ nữa”. Cậu con trai nghe xong rất tức giận về hành vi không giữ lời hứa của cha mình. Cậu nói rằng: “Bố đừng có ỷ mình có nhiều tiền mà muốn làm gì cũng được. Nếu bây giờ con cũng có thể làm việc, con chắc chắn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn bố”.
Người cha liên tục yêu cầu con trai từ bỏ ý định mua máy chơi game, cuối cùng cuộc thương lượng giữa 2 cha con đã thất bại.
Cư dân mạng cho rằng, những gì cậu bé này nói trong lúc tức giận với cha mình không phải hoàn toàn vô lý. Như cậu đã nói, mình còn là học sinh, chưa kiếm được tiền, chưa có khả năng độc lập tài chính, nhưng người cha đã nỡ “quay lưng” lại với con mình, không giữ lời hứa và kiểm soát mọi thứ. Điều này khiến cậu từ nay về sau không còn tin tưởng vào bất kỳ điều gì với cha mình nữa. 1000 tệ không đáng để hủy đi lòng tin của con cái đối với cha mẹ mình.
Bên cạnh đó, có một số ý kiến trái chiều xoay quanh sự việc này. Một số cư dân mạng bình luận rằng, cha mẹ không thể ủng hộ việc con cái lấy tiền mua máy chơi game. Họ còn dẫn chứng về một số người quen của mình từng đạt điểm cao trong kỳ thi cấp 3 nhưng sau đó quá mê game mà bỏ học. Lúc đó thực sự đã quá muộn để hối hận.
Thực ra, những gì cư dân mạng nói đều có lý, chúng ta cũng có thể hiểu lý do tại sao người cha lại không muốn con mình mua máy chơi game như vậy. Thế nhưng, vì điều này mà người cha đã thất hứa với con mình thì không đáng chút nào. Họ cần hiểu rằng, một đứa trẻ đã phải vất vả như thế nào để chuẩn bị cho kỳ thi vào cấp 3.
Thế nhưng, sau tất cả người cha lại thất hứa. Đối với một đứa trẻ còn đang tuổi đi học, 1000 tệ còn là sự khích lệ, khi nó cảm thấy mệt mỏi có thể nhớ về phần thưởng mình từng nhận được mà sẽ cố gắng hơn. Cuối cùng, những gì cậu bé này nhận về chỉ là những lời hứa hão huyền và sự can thiệp quá mức của người cha.
Là cha mẹ, trong quá trình giáo dục con cái và đồng hành cùng chúng lớn lên, chúng ta nên thực hiện những gì mình đã hứa. Nếu cha mẹ lo lắng con chơi game ảnh hưởng đến việc học, sau khi đã thực hiện lời hứa, khi thưởng cho con cần nói rõ: “Bố đã hứa với con rồi nên sẽ giữ lời nhưng bố khuyên con không nên dùng số tiền này để mua máy chơi game. Con có thể dùng vào những việc khác có ý nghĩa hơn”.
Trong khi thực hiện lời hứa, bạn đồng thời bày tỏ quan điểm của mình, trước tiên hãy cố gắng thuyết phục trẻ xem có thể sử dụng tiền vào mục đích khác không. Nếu không hãy đưa ra điều kiện như chơi game để thư giãn, không bỏ bê việc học để chơi game, thời gian chơi chỉ được phép 1 tiếng mỗi ngày, nếu điểm số sụt giảm do chơi game thì sẽ bị tịch thu.
Quả thực có thể có nhiều cám dỗ khác nhau trên con đường trưởng thành của trẻ, cha mẹ không nên tước đi cơ hội thử sức vì sợ trẻ đi chệch hướng. Điều này còn vô tình phá hủy cảm giác tin cậy giữa cha mẹ và con cái. Bạn biết đấy, một khi đứa trẻ không còn tin tưởng vào cha mẹ, dù họ có nói gì đi chăng nữa cũng đều vô ích.
Nguồn: [Link nguồn]
Những hành vi khôn lỏi này của trẻ tưởng là lợi nhưng hại vô cùng.