Bộ đội mang chữ về cho người Rục

Người Rục ở bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vẫn thân mật gọi thiếu tá Trương Thanh Lưu là “thầy Lưu”, bởi anh vừa là cán bộ cắm bản, vừa dạy cho người Rục biết đọc, biết viết.

Lớp học trong đêm

Là cán bộ ở Đồn Biên phòng Cà Xèng, thiếu tá Trương Thanh Lưu đã có thâm niên hơn 10 năm cắm bản. “3 cùng” với bà con, anh không chỉ đến từng gia đình tuyên truyền, vận động người Rục vượt khó, tích cực lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống, mà còn động viên mọi người đưa con em đến lớp học chữ.

Đầu năm 2012, qua khảo sát, chỉ huy Đồn Biên phòng Cà Xèng thấy ở bản Ón vẫn còn nhiều người mù chữ và có nguy cơ tái mù. Trên cơ sở đó, đơn vị đã họp bàn và xin ý kiến cấp trên rồi quyết định mở lớp học xóa mù chữ tại bản. Lớp học tất nhiên là được giao cho “thầy Lưu” vì theo bà con, “thầy dạy người Rục mau tiếp thu được cái chữ nhất”.

Bộ đội mang chữ về cho người Rục - 1

Lớp học xoá mù chữ cho người Rục của thầy giáo Lưu

Lớp học của thầy Lưu vừa mở đã thu hút được 35 học sinh từ 15 đến xấp xỉ 50 tuổi. Lớp học được tổ chức vào các buổi tối, vì ban ngày học sinh còn phải... lên rẫy. Đêm đêm từ lớp học của thầy Lưu ở giữa bản Ón, tiếng đánh vần của học sinh cứ vang lên đều đặn.

Theo thiếu tá Lưu, phần lớn bà con đều tỏ ra e ngại, xấu hổ vì lớn tuổi rồi mà còn đi học. Thế là anh phải đến từng nhà vận động bà con: “Người Rục cũng như tất cả các dân tộc khác ở Việt Nam đều là anh em ruột thịt. Phải học cho được cái chữ Bác Hồ thì mới đẩy lùi được giặc đói và giặc dốt. Ngay trong bản Ón, nhiều người có đời sống kinh tế khấm khá, hiểu biết xã hội là nhờ trước đây họ rất chăm chỉ học cái chữ”. Mưa dầm thấm lâu, bà con bắt đầu theo anh đến lớp.

Học sinh nòng cốt

Hiểu được tâm lý của người Rục nên trong quá trình soạn giáo án, anh Lưu nghiên cứu khá kỹ lưỡng để tìm ra cách giảng dạy sao cho phù hợp với khả năng tiếp thu của từng người, phù hợp với đặc điểm địa lý, đời sống văn hóa của đồng bào.

Đặc biệt, anh Lưu đã vận động được nhiều người biết chữ, có uy tín trong bản cùng tham gia lớp học. “Những người này là những học sinh nòng cốt giúp tôi duy trì lớp học, cũng như hỗ trợ những người chưa biết chữ tiếp thu nhanh hơn” – anh Lưu chia sẻ.

Anh Lưu cho biết, nhiều người khi vào học không hề biết lấy một con chữ, nhưng nay 100% học sinh của lớp đều đọc, viết thông thạo, thậm chí làm được các phép tính cộng, trừ, nhân, chia phức tạp.

Trong bản, chị Cao Thị Thuỷ đã tốt nghiệp lớp 9, đọc thông viết thạo rồi nhưng đều đặn đêm nào cũng đến lớp học xoá mù. Đến đây, chị Thuỷ đã giúp anh Lưu rất nhiều trong việc dạy chữ cho bà con. Tối nào cũng vậy, Thuỷ đến sớm hơn mọi người, thấy ai chưa đến là chị chạy lại nhà hỏi thăm…

Theo anh Lưu, chính nhờ sự nhiệt tình của những học sinh đặc biệt như chị Thuỷ mà lớp học được duy trì tốt. Có người buổi đầu đến lớp học chữ chỉ vì thấy trong bản có nhiều người đi học, bản thân không đi thì xấu hổ với mọi người. Dần rồi quen, nên bây giờ ai cũng hăng hái đi học... Chị Cao Thị Tiến (37 tuổi), đã có 3 con tâm sự: “Trước đây, miềng đã từng học hết lớp 5 rồi bỏ học. Chừ phải đi học tiếp để khỏi quên cái chữ, hiểu biết thêm về xã hội chứ”.

Còn chị Trần Thị Hiền (33 tuổi) chia sẻ: “Biết được cái chữ hiểu thêm được nhiều thứ lắm. Trước đây không biết chữ, ai vô bản mua bán chi, miềng cũng không biết tính răng để lấy tiền cả. Giờ thì khác rồi, bà con đã biết tính toán làm ăn, đời sống khá hơn trước”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Phương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN