“Bỏ điểm sàn xét tuyển đại học vẫn là vòng luẩn quẩn trong giáo dục”

Đó là ý kiến của Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

“Bỏ điểm sàn xét tuyển đại học vẫn là vòng luẩn quẩn trong giáo dục” - 1

Lãnh đạo một số trường cho rằng, Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn sẽ bị các trường lợi dụng để tuyển sinh ồ ạt

Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2017. Đáng chú ý trong Dự thảo này, Bộ GD-ĐT dự kiến không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) như mọi năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bỏ điểm sàn sẽ nâng cao quyền tự chủ cho các trường, tuy nhiên, sẽ có một số trường lợi dụng quy định này để tuyển sinh ồ ạt dẫn tới chất lượng đầu vào thấp.

Dễ lợi dụng để tuyển sinh ồ ạt

Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh bày tỏ: “Nếu Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn thì việc xét tuyển vào các trường đại học sẽ tạo ra vòng luẩn quẩn trong giáo dục”.

Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh lý giải, bỏ điểm sàn, đối với những trường tốp trên sẽ không có gì phải lo lắng bởi những trường thường xét tuyển trên điểm sàn từ 2 điểm đến 3 điểm.

Tuy nhiên, điểm sàn là một ngưỡng nhất định để thí sinh có thể vào đại học, khi mà hệ thống giáo dục của Việt Nam đã được phân luồng theo thứ tự từ trung cấp, cao đẳng, đại học…

Hơn nữa, đầu vào của các trường sẽ thấp, sinh viên học trong trường không tiếp thu được kiến thức dẫn đến chất lượng kỹ sư, cử nhân ra trường kém nên không tìm được việc. Khi lượng cử nhân, kỹ sư ra trường thất nghiệp nhiều xã hội sẽ lên án việc đào tạo trong các trường.

Bên cạnh đó, nếu Bộ GD-ĐT không còn quy định điểm sàn trong xét tuyển đại học một số trường kém chất lượng sẽ lợi dụng quy định này để tuyển sinh ào ạt.

Ông Dũng đề xuất, việc bỏ điểm sàn chỉ diễn ra khi tất cả các trường đại học của Việt Nam được kiểm định chất lượng. Tuy vậy, hiện chỉ có khoảng 10 trường đại học trong cả nước thực hiện kiểm định chất lượng, trong khi đó, hệ thống đại học của Việt Nam khoảng hơn 300 trường.

Ngoài ra, nếu bỏ điểm sàn sẽ ảnh hưởng đến những bậc đào tạo thấp hơn, như việc tuyển sinh của các trường cao đẳng sẽ gặp khó khăn.

Đại diện một số trường cao đẳng, trung cấp cho rằng, nếu dự thảo thành hiện thực, các trường sẽ “chết”, đồng thời phá vỡ chính sách phân luồng giáo dục nghề nghiệp nhiều năm qua.

Ông Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng trường CĐ Bách Việt TPHCM dự đoán kỳ tuyển sinh 2017 của các trường cao đẳng, trung cấp sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

“Với quy định chỉ cần đậu tốt nghiệp là có thể vào đại học cộng với dự kiến rút ngắn thời gian đào tạo đại học thì rõ ràng người dân với tâm lý ưa chuộng bằng cấp sẽ đổ xô đi học đại học nhiều hơn”, ông Thành nói.

Bỏ điểm sàn là đi đúng hướng?

Trái với các ý kiến không đồng tình với việc bỏ điểm sàn trong quy chế, ông Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) nói: Việc Bộ GD-ĐT có chủ trương bỏ điểm sàn là đúng.

Ông Thiệp lý giải, không quy định điểm sàn các trường sẽ được tự chủ trong tuyển sinh. Cụ thể: Điểm sàn của thí sinh là khi tốt nghiệp THPT, còn việc thí sinh đó có vào được đại học hay không là tùy thuộc ở các trường.

Ngoài ra, các trường được tự chủ tuyển sinh nhưng phải chịu trách nhiệm chất lượng đào tạo của nhà trường đối với xã hội. Do vậy, khi tuyển sinh các trường phải công bố minh bạch điều kiện xét tuyển, theo tiêu chuẩn nào, điểm xét tuyển là bao nhiêu, từ đó, xã hội biết được chất lượng đào tạo của từng trường.

Hơn nữa, chất lượng đào tạo của mỗi trường khác nhau nên phải công bố điều kiện tuyển sinh để xã hội đánh giá các trường, đồng thời là điều kiện để phụ huynh và thí sinh đăng ký xét tuyển.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, Dự thảo quy chế đã đi đúng hướng để các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh.

Ông Sơn lý giải, việc đưa ra một mức điểm sàn cho tất cả các trường, tất cả các ngành là không còn phù hợp với sự đa dạng hóa ngành nghề đào tạo hiện nay; bởi tự chủ tuyển sinh của các trường đã được luật hóa.

Các trường tự quyết định điều kiện đầu vào, được quyền lựa chọn phương án xét tuyển đầu vào theo học bạ hoặc tổ chức thi riêng, như vậy vô hình chung việc quy định điểm sàn của kỳ thi này không còn ý nghĩa như trước đây.

Cũng theo ông Sơn, Bộ không quy định điểm sàn nhưng yêu cầu các trường công bố công khai, minh bạch điều kiện xét tuyển buộc các trường phải cân nhắc để giữ thương hiệu. Các trường tùy yêu cầu đảm bảo chất lượng, xây dựng uy tín, tính chất ngành nghề sẽ đưa ra các điều kiện nhận đăng ký xét tuyển cụ thể.

“Chúng ta hình dung một trường nào đó đưa nếu ra ngưỡng xét tuyển là 11 hay 12 điểm liệu có thu hút được thí sinh hay chỉ làm hạ thấp uy tín chất lượng của mình?”, ông Sơn nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN