Bỏ điểm sàn: Ngưỡng nào cho chất lượng đầu vào?
Kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ đang đến rất gần nhưng còn nhiều điều vẫn chưa rõ ràng. Bỏ điểm sàn (ĐS) tuyển sinh nhằm mở cửa tối đa cho các trường, ngành GD&ĐT lại rơi vào một thế “bí” khác: Ngưỡng nào để đảm bảo chất lượng trong 5 phương án hiện nay.
Bỏ điểm sàn, chất lượng đầu vào sẽ được kiểm soát bằng các tiêu chí nào là điều dư luận đang hết sức quan tâm. Ảnh: Như Ý
Chuyện điểm sàn không chỉ nằm ở nội tại vấn đề mà còn liên quan đến câu chuyện thừa thầy, thiếu thợ, đến câu chuyện của 72.000 cử nhân thất nghiệp đang có nguy cơ nối dài hơn.
Phóng viên báo Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Hóa, nguyên GĐ Học viện Tài chính hiện là Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ HN.
Lúc đầu Bộ đưa ra 4 phương án, sau lần thảo luận thứ nhất, phương án thứ 5 ra đời. Với kinh nghiệm của mình, ông nghĩ kỳ thi tuyển sinh năm nay nên đi theo phương án nào?
Trong 5 phương án, theo tôi, ngành GD&ĐT nên theo phương án số 1. Theo đó, căn cứ vào kết quả chấm thi tuyển sinh 2014, dựa trên phổ điểm, để quyết định lấy được bao nhiêu thí sinh, rồi quyết định 3 mức ĐS cao, trung bình và thấp; các trường ĐH chỉ được tuyển ở 2 mức đầu và căn cứ điểm sàn của từng trường, chọn ra một môn cơ bản cho từng ngành đào tạo, nhân hệ số. Môn nhân hệ số cộng với ĐS sẽ làm nên điểm chuẩn của trường ĐH.
Ông từng nói, các trường ngoài công lập (NCL) kêu nhiều nhất, vì sao lại như vậy? Theo ông phương án này có làm thỏa mãn các trường NCL không?
Ở nhóm trường NCL, nhiều trường thiếu chỉ tiêu trong khi, thí sinh, dù có trên ĐS cũng không đến học… Nguyên nhân không phải là nới lỏng hay thu hẹp ĐS mà chính là cơ sở vật chất, giáo viên, thương hiệu… không thu hút được người học. Điều đáng nói là họ kêu nhiều thì Bộ cũng… “chiều” và nới lỏng.
Mùa tuyển sinh 2014 đang tới gần. Ảnh: Hồ Thu
Hệ quả của việc mở tối đa như thế này là gì, thưa ông?
Dần sẽ bão hòa giữa tổng số thí sinh dự thi và số được tuyển vào ĐH: Hai con số này sẽ tương đương nhau. Thử làm một con tính nhỏ: Tổng số học sinh thi tốt nghiệp năm nay là trên dưới 800.000; chỉ tiêu đào tạo Bộ GD&ĐT duyệt cho các trường là trên dưới 700.000; như vậy, chỉ còn hơn 100.000 thí sinh sẽ vào học CĐ nghề và các hệ đào tạo trung cấp khác.
Nếu chỉ còn 100.000 người đi học nghề thì sẽ làm trầm trọng thêm căn bệnh thừa thầy thiếu thợ?
Đúng vậy, căn bệnh này hiện hữu vài chục năm rồi không khỏi và còn có nguy cơ nặng hơn. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một cách khách quan là “bệnh” này liên quan đến chính sách cán bộ; đặc biệt, chính sách thu nhập đối với người lao động: cùng học ĐH, nhưng vào cơ khí, điện, điện tử rất ít vì lương thấp; vào học quản lý kinh tế là nhiều vì “ngồi” nơi mát mẻ, lương cao. Câu chuyện đãi ngộ là một trong những nguyên nhân làm mất thêm cân đối ngành nghề là thế. Phải thay đổi chính sách thì mới thay đổi được cơ cấu cán bộ, mới giảm bớt tình trạng thừa thầy thiếu thợ vốn tồn tại lâu nay, chứ không hoàn toàn tại GD&ĐT.
Với chính sách tuyển sinh như năm nay, nếu thí sinh thi ba chung trượt thì xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp và điểm học tập THPT. Về mặt nào đó, thí sinh chỉ tốt nghiệp THPT là có thể được học ĐH. Dù vậy, vẫn có những trường không thêm được nhiều học sinh lắm vì có những thí sinh trên sàn cũng không vào học các trường này. Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng trường ĐH Thăng Long. H.T |
Như vậy, việc tuyển sinh mở toang như hiện nay đã tách rời chính sách phát triển nguồn nhân lực?
Đó là… lỗi hệ thống: từ thượng tầng, là đào tạo, không quan sát hạ tầng, không biết doanh nghiệp cơ cấu như thế nào để mở các ngành đào tạo, cứ mở ào ạt một lúc! Ai đời từ 2004 đến 2007, hàng loạt ngân hàng thương mại thành lập (trên các phố lớn, cứ 150- 200 mét là thấy một trụ sở ngân hàng); rồi thị trường chứng khoán nở bung như nấm.
Từ lỗi hệ thống đó đẻ ra hệ thống khác: do cần cán bộ nên cứ mỗi tuần cho ra một trường ĐH; một đất nước không lớn như VN có 450 trường ĐH, CĐ, mỗi tỉnh 5-6 trường thì lấy đâu ra người học và học ra để làm gì. Đến khi kinh tế đi xuống, ngân hàng, chứng khoán…“chết”; người có việc làm còn trở nên thất nghiệp nữa là cử nhân vừa tốt nghiệp.
Có cách nào giải quyết được lỗi hệ thống này không?
Thực ra vấn đề đã được nhận biết, không chỉ ở Bộ GD&ĐT, nhưng đây là vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà phải mất ba bốn thập kỷ và phải đặt vấn đề giải quyết ngay từ bây giờ. Phải làm lại quy trình, xem xét cơ sở hạ tầng, xem nền sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ chiếm bao nhiêu phần trăm, dự kiến 20 năm tới phát triển thế nào… Từ đó mới hoạch định chính sách đào tạo cán bộ, phân bố cơ cấu cán bộ thế nào, cơ chế đãi ngộ ra sao…
Đặc biệt với GD&ĐT phải cải cách từ bây giờ để 20 năm sau số học sinh khoảng 1,5 triệu/ năm vào các trường học theo đúng ý đồ, đảm bảo cơ cấu như đã nói ở trên; chứ không phải mỗi người đi xem Anh làm gì, Mỹ làm gì rồi về nhà cop nhặt một ít - phải tự lực cánh sinh, xem hoàn cảnh nước ta thế nào để hoạch định chính sách đúng với thực tế. Người ta chỉ giả nghèo được, không thể giả giàu được!
Xin chân thành cám ơn ông.