Bỏ điểm cộng ưu tiên khu vực với thí sinh tự do: Nhiều ý kiến trái chiều
Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến, thí sinh tự do (những thí sinh xét tuyển lại đại học) sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực như những năm trước. Chính sách này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Dự thảo Quy chế quy định điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp), còn những thí sinh đã tốt nghiệp THPT (thí sinh tự do) khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng sẽ không được tính điểm ưu tiên khu vực (như thí sinh khu vực 3). Với quy định này, thí sinh tự do ở khu vực 1 sẽ mất 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn mất 0,5 điểm; khu vực 2 mất 0,25 điểm. Trong khi đó, tuyển sinh ĐH lấy điểm theo độ dốc, thí sinh chỉ cần hơn nhau 0,2 điểm đã phân rõ trượt - đỗ.
Nếu không có gì thay đổi, thí sinh tự do xét tuyển ĐH năm nay có thể bị mất từ 0,25 - 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Ảnh Như Ý
Nhận được thông tin này, Lò Văn Hùng, thí sinh tự do đến từ Lai Châu, cảm thấy hụt hẫng. Năm nay là năm thứ 3 Hùng thi lại để lấy kết quả xét tuyển vào các trường ĐH Y Dược, ĐH Thái Nguyên. Những năm trước, Hùng thiếu 0,25 - 1 điểm vào ngành Y khoa. Năm nay, nếu không được cộng điểm ưu tiên khu vực, cánh cửa trường ĐH Y lại càng xa với em.
“Việc đột ngột bỏ điểm cộng ưu tiên khu vực đối với thí sinh tự do năm nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn tới tâm lý của các em nên Bộ GD&ĐT cần có sự tính toán kỹ lưỡng”. Cô Nguyễn Tuyết Thanh, giáo viên trường THPT Hải Hậu A, Nam Định |
Trong khi đó, Nguyễn Thị Khánh An (hộ khẩu ở Hà Nội) lại thấy yên tâm hơn với kế hoạch ôn tập và thi sắp tới. Năm 2021, Khánh An dự thi tốt nghiệp THPT và không đủ điểm xét tuyển vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân. “Việc không cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh tự do đã cho chúng em một sân chơi công bằng hơn. Năm trước, em đạt 27 điểm đối với tổ hợp D01 nhưng vẫn trượt, còn nhiều bạn điểm thi thấp hơn nhưng đã trúng tuyển vì có điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng”, Khánh An nói.
Thực tế, điểm cộng ưu tiên khu vực, đối tượng là phao cứu sinh với nhiều thí sinh ở khu vực khó khăn. Điều này cũng tạo ra nhiều ý kiến về việc giữ hay bỏ điểm cộng ưu tiên khu vực. Năm qua, tại các trường ĐH ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều thí sinh đạt điểm cao như thủ khoa trường, thủ khoa ngành là thí sinh được cộng điểm ưu tiên. Nhiều em được cộng tối đa 2,75 điểm ưu tiên khu vực và đối tượng. Số điểm này còn chưa kể điểm cộng khuyến khích quy đổi từ các giải thưởng các em đạt được theo quy định của từng trường, có thí sinh được cộng tới gần 5 điểm.
Thí sinh có mất quyền lợi?
Theo PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), quy định mới nhằm đảm bảo tính công bằng hơn nữa cho thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ. Bởi thí sinh đã tốt nghiệp những năm trước sẽ có lợi thế, có cơ hội học tập, ôn luyện với thời gian nhiều hơn hẳn so với thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp lần đầu. Nhiều trường hợp các thí sinh này đã chuyển tới các địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn, tập trung để ôn thi một số ít môn phục vụ xét tuyển vào ĐH. Trong khi đó, các thí sinh chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT (và xét tuyển vào ĐH, CĐ tại năm tuyển sinh đó) phải học nhiều môn và chịu áp lực nhiều hơn để vừa thi tốt nghiệp, vừa đăng ký xét tuyển vào ĐH.
Tuy nhiên, nhận định này được đánh giá là khá phiến diện vì cũng có nhiều thí sinh có hoàn cảnh khó khăn vừa học vừa phải đi làm. Hơn nữa, thi lại thường là những thí sinh lực học không thuộc loại khá, giỏi. Vấn đề điểm cộng ưu tiên chỉ có ý nghĩa khi số lượng thí sinh được hưởng đủ lớn và như vậy chỉ có giá trị cạnh tranh đối với những thí sinh năm đó tốt nghiệp THPT. Vì theo tính toán của các trường, số thí sinh tự do mỗi năm chỉ chiếm khoảng 2%.
Lãnh đạo Phòng Đào tạo một trường ĐH kỹ thuật tại Hà Nội cho rằng nếu muốn bỏ điểm cộng ưu tiên khu vực đối với thí sinh tự do, Bộ GD&ĐT cần có lộ trình để thí sinh chuẩn bị tâm lý và năng lực. “Những năm trước, trong quy chế cũng như trong tất cả các văn bản chỉ đạo của Bộ công khai trước dư luận không có nội dung nào nói đến chuyện này. Năm nay, Bộ đưa vào dự thảo quy chế định thực hiện ngay là không công bằng. Đối với các trường khi điều chỉnh phương án tuyển sinh, Bộ cũng yêu cầu phải có lộ trình. Một chính sách nhân văn như điểm cộng ưu tiên, tại sao Bộ lại đưa ra một cách cấp tập như thế”, vị chuyên gia này đặt câu hỏi.
PGS. TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, khẳng định bỏ ưu tiên khu vực thực chất là tạo điều kiện cho con nhà giàu và các em ở thành phố lớn chiếm chỗ trong trường ĐH, tước bỏ cơ hội của học sinh khu vực khó khăn. Hơn nữa, theo ông, điểm ưu tiên còn nhằm mục đích đào tạo cán bộ cho vùng sâu vùng xa và giải quyết bài toán phát triển kinh tế cho các vùng khó khăn. Sau tốt nghiệp, các em quay về phục vụ địa phương hoặc ở lại các thành phố lớn làm việc gửi tiền về nâng cao đời sống cho người thân. “Hằng năm số thí sinh tự do không nhiều nên để điểm ưu tiên khu vực cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh khác”, ông Dũng nhận định.
Bộ GD&ĐT vừa đưa ra dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022. Dự thảo này kết cấu thay đổi căn bản theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu và áp dụng lâu dài.
Nguồn: [Link nguồn]