Bỏ điểm cộng ưu tiên: Không nên cào bằng giữa các ngành xét tuyển

Cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đã được đưa ra bàn để xem xét lại từ lâu. Các chuyên gia giáo dục cho rằng một chính sách nhân văn cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn, công bằng với thí sinh.

Mùa tuyển sinh 2021 đã gây xôn xao dư luận khi có những thí sinh đạt đến 30 điểm vẫn trượt ĐH. Ngành Sư phạm Ngữ Văn, Trường ĐH Hồng Đức, điểm chuẩn tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) là 30,5 điểm, trong khi đó, cả nước không có thí sinh nào đạt thủ khoa tuyệt đối 30/30 điểm đối với tổ hợp này. Tất cả các thí sinh trúng tuyển đều được cộng ít nhất là 2,75 điểm ưu tiên khu vực (0,75 điểm) và ưu tiên đối tượng (2 điểm).

Tương tự, ngành Hàn Quốc học của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội không có thí sinh khu vực 3 nào trúng tuyển đối với tổ hợp C00 khi điểm chuẩn của ngành là 30/30. Và không khó để nhận thấy một số ngành học hot như Khoa học Máy tính, Trí tuệ nhân tạo... của trường ĐH Bách khoa Hà Nội rất hiếm hoi có sinh viên người Hà Nội.

Nhìn lại lịch sử vấn đề điểm cộng ưu tiên khu vực, năm nay không phải là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT điều chỉnh chính sách này. Trước năm 1988, Bộ quy định điểm xét tuyển thích hợp đối với từng khu vực, từng địa phương sau khi có kết quả điểm thi với mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 1 điểm.

Giai đoạn từ năm 1989-1998, các khu vực ưu tiên được quy định thành khu vực 1, khu vực 2 và khu vực 3 và chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 1 điểm.

Giai đoạn 1999-2017, Quy chế Tuyển sinh quy định có 4 khu vực ưu tiên: khu vực 1, khu vực 2-NT (nông thôn), khu vực 2 và khu vực 3. Trong đó, từ năm 1999-2003, mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 1 điểm. Từ năm 2004-2017, mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp giảm xuống còn 0,5 điểm. Từ năm 2012-2017, các thí sinh tại khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ được xét điểm trúng tuyển thấp hơn điểm chuẩn 1 điểm.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, để có cách giải quyết tốt nhất về điểm ưu tiên đang gây tranh cãi, Bộ GD&ĐT nên tiến hành khảo sát đầy đủ về việc này ở mọi góc độ để xem chính sách có thật sự công bằng. Cùng với thực tế đề thi như những năm gần đây, Bộ cần xem xét về khoảng cách điểm ưu tiên sao cho hợp lý hơn hoặc thay điểm ưu tiên bằng các chế độ chính sách kèm theo trong quá trình đào tạo.

Đến năm 2018, sau gần 15 năm duy trì ổn định chính sách ưu tiên khu vực, Bộ GD&ĐT lần thứ hai quyết định giảm 50% mức điểm ưu tiên.

Cụ thể, mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp giảm xuống chỉ còn mức 0,25 điểm và mức điểm ưu tiên khu vực cao nhất (thí sinh khu vực 1) là 0,75 điểm. Bộ cũng quyết định bỏ quy định chính sách ưu tiên riêng đối với học sinh ở các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ.

Vẫn cần có điểm ưu tiên

Thống kê cho thấy, năm 2016, chỉ có 99 thí sinh đỗ vào Trường ĐH Y Hà Nội mà không có điểm cộng (ưu tiên, khuyến khích), chiếm khoảng 8%. Năm 2017, số thí sinh đỗ vào ĐH Y Hà Nội thuộc đối tượng này là 99 thí sinh, chiếm 8,4%. Nếu chỉ tính riêng ngành Y khoa (cơ sở Hà Nội), chỉ có 24/476 thí sinh thuộc khu vực 3 (không được cộng điểm ưu tiên khu vực) đỗ vào ngành này của Y Hà Nội năm đó (chiếm 5%). Cũng trong năm đó, nếu tính theo điểm thi, chỉ có 84/476 thí sinh có tổng điểm 3 môn thi đạt từ mức điểm chuẩn 29,25 trở lên trúng tuyển vào ngành Y khoa. Như vậy, 392 thí sinh còn lại trúng tuyển nhờ điểm ưu tiên, khuyến khích, chiếm 82%.

Các chuyên gia khẳng định, vẫn cần duy trì điểm ưu tiên trong tuyển sinh để đảm bảo công bằng cho thí sinh. Ảnh: Như Ý

Các chuyên gia khẳng định, vẫn cần duy trì điểm ưu tiên trong tuyển sinh để đảm bảo công bằng cho thí sinh. Ảnh: Như Ý

Năm 2018, khi mức điểm ưu tiên khu vực giảm một nửa, số thí sinh khu vực 3 trúng tuyển vào ĐH Y Hà Nội đã tăng đáng kể. Chỉ tính riêng thí sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội đã có 247/1.000 thí sinh trúng tuyển. Đến nay, số thí sinh không được cộng điểm ưu tiên trúng tuyển vào Trường ĐH Y Hà Nội đã đạt gần 50%.

ThS. Nguyễn Quang Trung, Phó phòng Đào tạo - Tuyển sinh, Trường ĐH Thương mại cho hay, những năm gần đây điểm chuẩn tăng lên rất nhanh. Thời gian trước, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển vào trường phần lớn đến từ khu vực 1 và khu vực 2, khu vực 2 nông thôn. Những năm gần đây, khi điểm chuẩn tăng lên cùng với mức điểm ưu tiên giảm, tỷ lệ giữa các nhóm thí sinh đã không còn chênh lệch nhiều. ThS. Trung cho rằng không nên cào bằng điểm ưu tiên giữa các ngành. Các ngành Y dược, hay một số ngành trong các trường Công an, Quân đội không nên cộng điểm ưu tiên.

Đồng quan điểm, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho rằng phải có sự ưu tiên để phát triển nguồn lực cho những vùng khó khăn hơn. Tuy nhiên, thực hiện ưu tiên bằng cách cộng thêm điểm vào các kỳ thi đang có vấn đề như hiện nay là không ổn. Có tình trạng nhiều em đạt điểm cao ngất ngưởng, thậm chí thủ khoa vẫn trượt, còn những thí sinh điểm thấp hơn do được cộng ưu tiên nên trúng tuyển là rất vô lý về mặt chuyên môn. Vì vậy, để không có sự vô lý này cần điều chỉnh từ các trường ĐH, các đơn vị tuyển sinh. Những thí sinh được ưu tiên sẽ nằm trong nhóm ưu tiên, và ngược lại, không còn tình trạng chen ngang, chiếm chỗ như hiện nay.

Nguồn: [Link nguồn]

Mốc thời gian dự kiến trong tuyển sinh đại học năm 2022

Bộ GD - ĐT đưa ra các mốc thời gian dự kiến lịch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN