Bỏ cộng điểm nghề phổ thông: Nên chăng?
Khi điểm số biến thành mục tiêu thì quá trình thực hiện mục tiêu ấy sẽ sai lệch ngay lập tức: Hầu hết học sinh đi học nghề chỉ quan tâm đến mình xếp loại gì và được cộng bao nhiêu điểm.
Bắt đầu từ năm 2014, việc tuyển sinh lớp 10 trên cả nước thực hiện theo Thông tư 11 - Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ GD&ĐT, trong đó Bộ phân cấp Sở GD&ĐT quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và THPT mà Bộ GD&ĐT mới công bố đã bỏ quy định Sở GD&ĐT cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10. Như vậy, đồng nghĩa với việc Bộ không giao cho cho các sở quy định đối tượng và mức cộng điểm khuyến khích nữa. Do đó, thi vào lớp 10 thí sinh sẽ không được cộng điểm khuyến khích, trong đó có điểm thi nghề phổ thông ở cấp THCS.
Nhiều năm qua, học sinh lớp 7, 8 ở TP.HCM đã phải dùng mùa hè của mình để đi học nghề. Việc học nghề này có ý nghĩa hết sức tốt đẹp và đúng tinh thần giáo dục toàn diện của giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, một yếu tố phụ của chương trình này được đưa vào để khuyến khích học sinh đi học nghề lại trở thành mục tiêu chính: Cộng điểm thi chuyển cấp lớp 9.
Khi điểm số biến thành mục tiêu thì quá trình thực hiện mục tiêu ấy sẽ sai lệch ngay lập tức: Hầu hết học sinh đi học nghề chỉ quan tâm đến mình xếp loại gì và được cộng bao nhiêu điểm. Vì thế những câu chuyện hết sức trớ trêu đã xảy ra, những cách tổ chức học và thi nghề trở thành hình thức để hợp thức hóa điểm số.
Con trai tôi cũng từng học nghề nấu ăn, cháu được loại giỏi và được cộng 1,5 điểm. Để đạt được loại giỏi, con tôi chỉ cần chăm chỉ đi học đủ để điểm danh. Hôm thi viết, cháu được dặn học đúng những bài đề sẽ hỏi để viết đúng công thức nấu. Còn thực hành, cháu đã chịu khó xung phong mang chén bát, muỗng, đũa. Chỉ vậy thôi và không cần nấu được món nào vì các cháu làm theo nhóm, có bạn làm thay cho cả rồi (!).
Con gái tôi thì được học nhiếp ảnh, bởi cháu học bán trú nên môn này giáo viên có thể đến trường dạy trực tiếp. Tôi thấy khó hiểu ở chỗ chiếc máy và kiến thức cháu được học quá lạc hậu so với cách chúng ta chụp ảnh ngày nay.
Tuy nhiên, không phủ nhận có những trường nghề dạy và học rất nghiêm túc và hiệu quả. Nhiều trường nghề đã tổ chức dạy và thi đánh giá đúng khả năng của các em. Rất nhiều người đã nói với tôi rằng nhờ học nghề ở phổ thông mà biết làm điện cho nhà vô cùng hiệu quả.
Như vậy việc dạy nghề nếu được tổ chức tốt, mục tiêu hướng đến kỹ năng người học thì hoàn toàn nên ủng hộ. Chúng ta chỉ bỏ đi quy định cộng điểm để quy định này không làm méo mó mục đích của dạy nghề phổ thông mà thôi.
Bộ quyết định bỏ cộng điểm vào thi tốt nghiệp cũng có nghĩa là sẽ giải thể các trung tâm dạy nghề phổ thông ở cấp THCS. Giải pháp nào cho những trung tâm này? Chúng ta hoàn toàn có thể dùng những cơ sở dạy nghề ấy chuyển đổi thành các trung tâm dạy về STEM hoặc dạy lập trình.
Bất cứ một sự thay đổi nào cũng sẽ vấp phải sự phản đối. Bước giao thoa giữa cái cũ và mới hôm nay sẽ phải có những người chịu thiệt thòi, mà nếu chúng ta không đủ can đảm bước qua, xóa bỏ cái cũ bất cập thì đến khi nào chúng ta mới có thể tạo ra những giá trị mới tốt đẹp hơn?
Chưa nói đến việc cộng điểm theo kiểu ai cũng được cộng thì việc chúng ta bỏ đi điểm cộng ấy vẫn giữ nguyên giá trị của kết quả học tập.
Tôi và nhiều nhà giáo ủng hộ việc điều chỉnh quy chế bỏ cộng điểm vào điểm thi lớp 10 này để hướng đến một nền giáo dục thực chất, không lấy điểm số làm mục tiêu và làm thước đo năng lực của học sinh.
Nhiều trường, lượng hồ sơ nộp vào đã xấp xỉ chỉ tiêu, ngành hot đã thừa hồ sơ.