Bỏ biên chế giáo viên: Cần có lộ trình cụ thể
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết từng bước giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xóa bỏ biên chế trong các đơn vị công lập nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người lao động để thuận lợi cho việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp. Quan điểm này của Bộ GD&ĐT nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Bỏ biên chế giáo viên đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TS Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội: Nên làm nhưng làm không dễ
Đây là một chủ trương mới, hay. Lâu nay ngành giáo dục chưa vận dụng được nhiều mặt tích cực của cơ chế thị trường nhưng lại bị mặt trái của kinh tế thị trường làm méo mó. Trong kinh tế thị trường, sức lao động cũng cần phải được đối xử sòng phẳng mới mong có người tài. Nhiều ngành của chúng ta không tuyển được người tài mà khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hút hết. Tại sao chúng ta không vận dụng tích cực của cơ chế thị trường để xây dựng lại đội ngũ nhà giáo cho có hiệu quả. Thứ hai, chất lượng của giáo dục có nhiều yếu tố tác động. Trong đó, tác động lớn nhất là đội ngũ nhà giáo. Thứ ba chúng ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng chỉ là trên nghị quyết, còn thực tế, nhiều năm nay không có sinh viên giỏi vào học ngành sư phạm. Vì đội ngũ không được chọn lọc, không được đãi ngộ một cách thỏa đáng. Do đó, tôi ủng hộ đổi mới không tuyển giáo viên vào biên chế.
Nhưng vấn đề đặt ra, đây là công việc tốt, nên làm nhưng không dễ. Theo tôi, đã sử dụng quy luật kinh tế thị trường trong xây dựng giáo viên thì tất cả đội ngũ của ngành giáo dục phải được tuyển chọn và chung một quy chế. Bước đầu tiên phải làm từ cán bộ quản lý là hiệu trưởng, hiệu phó. Cấp phòng, cấp sở, cấp bộ cũng phải thay đổi theo. Bất cứ một mắt xích nào vẫn còn loanh quanh, luẩn quẩn với bao cấp thì cuộc cách mạng đội ngũ nhà giáo không bao giờ thành công. Ngành giáo dục có thể đi trước để thí điểm nhưng thực sự toàn bộ đội ngũ công chức, viên chức của cả đất nước phải đi theo, không phải biến đội ngũ của ngành giáo dục thành chuột bạch, cô độc, nhiều thứ khác không thay đổi.
Ông Phạm Hiệp, trường ĐH Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan: Bỏ biên chế để xóa “hôn nhân cận huyết” trong nghiên cứu khoa học
Trên thế giới, các nước chia biên chế giảng viên ĐH thành trường phái. Một là gắn liền với viên chức, công chức nhà nước như các nước Tây Âu. Giảng viên vẫn là viên chức của Chính phủ. Trường phái thứ hai của Bắc Mỹ. Biên chế sinh ra không phải thuộc công chức nhà nước mà biên chế là một thiết chế sinh ra để đảm bảo quyền tự do học thuật của giáo sư, phó giáo sư. Nên chỉ những ai phó giáo sư, giáo sư mới được vào biên chế. Tức là vào biên chế để họ yên tâm nghiên cứu những vấn đề dài hơi mà không lo bị mất việc, độc lập khỏi chính trị hoặc các nhóm lợi ích. Ở ĐH công lập của Việt Nam theo trường phái Tây Âu.
Nhưng quy trình tuyển dụng viên chức (giảng viên) ở Việt Nam đang có một nội dung rất oái oăm. Đó là tách biệt giữa tuyển dụng mới và thuyên chuyển giảng viên đã vào biên chế. Ví dụ khi 1 ĐH công lập A tuyển dụng thì chỉ có những người chưa phải viên chức (biên chế như cách gọi thông thường) được phép đăng ký. Nếu một giảng viên X đã là viên chức ở ĐH B, thấy ĐH A tuyển người, muốn đăng ký thì nói chung sẽ không được; bởi vì thủ tục tuyển giảng viên X này sẽ theo một cách khác, gọi là tiếp nhận viên chức. Theo đó, giảng viên X sẽ phải trải qua 4 bước rất phức tạp, tù mù, nó đôi khi dẫn đến tình trạng khóc dở mếu dở đối với giảng viên muốn thuyên chuyển. Điều này cũng giải thích hiện tượng “hôn nhân cận huyết thống” trong nghiên cứu khoa học của các trường ĐH Việt Nam. Vì quy trình tuyển dụng của các trường đơn giản nhất là sinh viên học xong, được giữ lại trường, họ ở đó làm việc đến lúc nghỉ. Việc thuyên chuyển khó khăn góp phần làm cho chuyện “hôn nhân cận huyết” trầm trọng thêm. Do đó, chuyên môn bị bó hẹp trong một trường, không có giao lưu. “Hôn nhân cận huyết” trong khoa học là một lực cản trong phát triển khoa học. Cơ chế tuyển dụng của chúng ta sinh ra làm cản trở sự thuyên chuyển công việc một cách linh động giữa giảng viên các trường ĐH với nhau.
Chính vì vậy, bỏ biên chế trong giáo dục, nhất là các trường ĐH là một thành tố của quá trình tự chủ ĐH. Hội đồng trường được toàn quyền quyết định vấn đề nhân sự. Nếu biên chế vẫn còn, vô hình trung làm giảm quyền tự quyết của Hội đồng trường. Không đuổi được người, không tuyển được người.
Nhưng đó là giải pháp cho thời điểm hiện nay và thời gian tới để tăng quyền tự chủ của các trường và giải phóng sức lao động của các nhà khoa học. Tuy nhiên, về lâu dài, biên chế phải được thiết lập lại theo một cách khác, giống như các trường ĐH của Mỹ. Trong ngắn hạn tôi ủng hộ bỏ biên chế nhưng về lâu dài tôi cho rằng cần thiết lập lên thiết chế để đảm bảo quyền tự do học thuật.
Một giảng viên của một trường ĐH Sư phạm phía Bắc lo ngại sinh viên giỏi sẽ “quay lưng” lại với các trường sư phạm nếu bỏ biên chế trong tuyển dụng giáo viên. Vì lâu nay, thứ níu kéo thí sinh đến các trường sư phạm không phải là miễn học phí mà chính là biên chế, là công việc ổn định khi được tuyển dụng. Thứ hai, trường học là nơi dạy người, không phải là công xưởng. Người thầy còn được gắn trách nhiệm dạy người chứ không phải chỉ vì trách nhiệm công việc. Nên không thể có chuyện làm tốt thì ở lại, không làm tốt thì vào làm vài ba tháng rồi ra ngoài. |
Đón xem đề thi thử THPT mới nhất 2017 cùng những mẹo mùa thi hữu ích cho các sĩ tử và thư giãn sau mỗi buổi học bằng những truyện cười mùa thi vô cùng thú vị được cập nhật thường xuyên tại DIEMTHI.24H.COM.VN. |
"Hiện nay không ít giáo viên có tâm lý cố vào bằng được biên chế, cố bám lấy biên chế. Khi được vào biên chế thì...