“Bình bầu” để có giấy khen: Đừng ép học sinh “đấu đá”
Theo PGS Văn Như Cương, theo quy định của Bộ GD&ĐT cho giáo viên tổ chức cho học sinh tiểu học “bình bầu” nhau để có giấy khen là hết sức lạ lùng, không phù hợp với lứa tuổi của các em. Quy định này cũng vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình từ phía nhà trường và các bậc phụ huynh.
Phức tạp và… lạ lùng
Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục và cũng từng chứng kiến rất nhiều quy định “chẳng giống ai” của Bộ GD&ĐT, nhưng lần này theo đánh giá của PGS Văn Như Cương về việc giáo viên tổ chức cho học sinh tiểu học bình bầu lẫn nhau làm căn cứ để tặng giấy khen, khen thưởng là hết sức lạ lùng, thiếu thực tiễn và không phù hợp với tâm lý, nhận thức của lứa tuổi học sinh tiểu học.
PGS Văn Như Cương cho biết, nếu quy định này áp dụng cho các lứa tuổi học sinh trung học cũng đã không phù hợp rồi, huống chi là học sinh tiểu học còn rất nhỏ. Nếu áp dụng cách này sẽ rất phức tạp. Ngay cả chuyện xếp loại đạt hay không đạt cũng đã bộc lộ những bất cập rồi. “Trước hết, chúng ta phải xét trên yêu tố tâm lý của học sinh, chuyện xếp loại chưa hẳn là xấu, mà theo tôi nó còn mang yếu tố tích cực. Học sinh dù còn nhỏ nhưng cũng cũng cần được cạnh tranh lành mạnh, tâm lý vươn lên trong học tập không phải là xấu. Chẳng hạn, khi các em thi kéo co, ai cũng muốn bên mình thắng nên ra sức kéo để mang về chiến thắng. Chúng ta đừng “cào bằng” trong xếp loại, đánh giá mà tạo ra tư tưởng muốn học thế nào cũng được, miễn không dốt là được”, PGS Văn Như Cương nói.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định học sinh bình bầu nhau để tặng giấy khen, khen thưởng đối với học sinh tiểu học là không phù hợp. Ảnh minh họa: Q.Anh
Vì thế, PGS Văn Như Cương cảm thấy rất băn khoăn trong chuyện đánh giá giữa học sinh với nhau, theo học lực, tiếp thu bài tập, tự phục vụ bản thân… Bởi làm sao các em phân biệt được bạn nào có đầy đủ các yếu tố ấy? Làm sao các em nhận ra được những điểm tốt ấy của từng bạn? Như thế, các giáo viên sẽ phải làm công tác hướng dẫn, chẳng hạn: Bạn A thế này, các con có thấy đúng không? Bạn B thế kia, các con thấy thế nào? Và giáo viên cho học sinh giơ tay nếu đồng ý… Như vậy, việc bình bầu dễ rơi vào xuê xoa, làm cho xong.
“Việc bình bầu này nếu là cho các em phát biểu, đóng góp lẫn nhau thì dễ rơi vào căng thẳng, lôi những chuyện không hay ho của nhau ra để phản đối. Tôi đã từng chứng kiến chuyện bầu lớp trưởng, lớp phó cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề không nên rồi. Vì thế mà có trường đã áp dụng lớp trưởng, lớp phó luân phiên theo tuần, theo tháng để tránh những vấn đề rắc rối nảy sinh. Những học sinh giận nhau, thù nhau thì sao, chắc chắn các em sẽ chẳng bao giờ bầu tốt cho nhau cả”, PGS Văn Như Cương e ngại.
Nhà trường rối, giáo viên mệt
Sau một học kỳ thực hiện theo quy định thay đổi cách đánh giá, nhận xét học sinh tiểu học, bà Phạm Thị Minh – Hiệu trưởng Trường tiểu học Liên Ninh (Thanh Trì, Hà Nội) đánh giá, mặc dù quy định bỏ chấm điểm học sinh tiểu học đã không gây áp lực cho học sinh, tuy nhiên đối với các giáo viên lại vất vả hơn trước rất nhiều vì mỗi ngày phải thực hiện một chồng sổ sách, nhận xét học sinh. Phụ huynh cũng quen thuộc với điểm số, chưa quen với nhận xét và cũng khó hiểu với nhận xét của giáo viên, nên giáo viên lại phải giải thích thêm.
Và bây giờ, theo bà Phạm Thị Minh, giáo viên còn tiếp tục vất vả hơn trong đánh giá, khen thưởng học sinh. Ngoài quá trình tổng hợp đánh giá học sinh theo nhiều tiêu chí, giáo viên còn phải tổ chức cho học sinh tự bình bầu, lấy ý kiến phụ huynh… “Trẻ con theo cảm tính là nhiều. Ví dụ, cô hay khen bạn này, bạn kia nhưng chưa chắc là bạn ấy học giỏi, mà khen ở đây là chi tiết nhỏ, các bạn ấy cũng có tiến bộ. Lứa tuổi học sinh tiểu học còn nhỏ, nên các em khó phân biệt được như vậy. Ý kiến từ phụ huynh cũng muôn màu muôn vẻ, hầu như ai cũng cho con mình là học tốt, ngoan ngoãn”, bà Phạm Thị Minh chia sẻ.
Mặc dù cho rằng quy định đánh giá, khen thưởng học sinh theo quy định mới của Bộ GD&ĐT sẽ không ảnh hưởng gì đến tỷ lệ học sinh xếp loại trong trường như những năm học trước, nhưng bà Phạm Thị Minh cũng cho rằng, chuyện các em bình bầu, hay ý kiến từ phụ huynh cũng chỉ là một kênh tham khảo để giáo viên đề xuất giấy khen, khen thưởng. Bà Minh cũng không loại trừ việc bình bầu, nhận xét này dễ rơi vào hình thức.
Còn cô giáo Lương Nga - giáo viên lớp 5, Trường tiểu học Liên Ninh chia sẻ: “Theo quy định mới, chắc chắn dịp cuối học kỳ hoặc cuối năm học giáo viên sẽ vất vả hơn vì vừa phải tổng hợp điểm thi học kỳ, nhận xét của từng học sinh… rồi lại phải lấy ý kiến của học sinh, cha mẹ học sinh nữa. Học sinh tiểu học vẫn còn nhỏ nên việc lựa chọn, bình bầu cũng chưa thật chính xác. Do đó, giáo viên phải thật công bằng trong lựa chọn học sinh xứng đáng nhận giấy khen hoặc được đề nghị khen thưởng”.
Theo ghi nhận của PV Báo GĐ&XH, rất nhiều phụ huynh có con đang học cấp tiểu học cho biết, họ không đồng tình với quy định mới nói trên của Bộ GD&ĐT. Không nên để lứa tuổi học sinh còn rất nhỏ lại tham gia bình bầu, nhận xét danh hiệu giống như của người lớn. Bên cạnh đó, việc phụ huynh tham gia nhận xét cũng không chính xác, mất thời gian. Chưa kể, nếu nhà trường nặng yếu tố thành tích, giáo viên thiên vị trường hợp nào đó... chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều tới tâm lý của học sinh.
Chiều 6/1, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi Giám đốc các Sở GD&ĐT về việc đánh giá, khen thưởng học sinh tiểu học theo Thông tư 30. Theo đó, Bộ đề nghị các Sở tiếp tục chỉ đạo các phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường tiểu học tổ chức tốt công tác khen thưởng học sinh cuối học kì I và cuối năm học. Trong đó, các trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá (theo Thông tư 30) trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác; Tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh; tổng hợp và lập danh sách đề nghị Hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng. Trong đó có khen thưởng về các môn học hoặc khen thưởng về năng lực, phẩm chất. Việc ghi vào Giấy khen (nếu có) về nội dung khen thưởng học sinh là hết sức linh hoạt do giáo viên chủ nhiệm và Hiệu trưởng quyết định, không áp dụng theo khuôn mẫu có sẵn. Mục đích khen thưởng nhằm động viên, khuyến khích khả năng của mỗi học sinh, giúp động viên các em phấn đấu vươn lên, mang lại niềm vui và hứng thú học tập, rèn luyện cho các em. Phụ huynh cảm thấy “choáng” Phụ huynh Trần Đức Tuấn (Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) có con học lớp 2: “Tôi cho rằng, việc áp dụng các hoạt động biểu dương, khen thưởng học sinh là điều nên làm. Nhưng tôi thấy Bộ GD&ĐT cũng đừng áp dụng các khái niệm về thi đua, bình bầu, xếp loại, xuất sắc hay yếu kém cho các cháu quá sớm. Các cháu còn nhỏ, chưa hiểu các khái niệm này là gì, huống chi phải nhận xét, bình bầu bạn của mình, liệu các cháu có vui không khi ai đó nhận xét mình yếu kém, học dốt?”. Phụ huynh Ngô Thùy Trang (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) có con học lớp 1: “Đã bỏ chấm điểm nhưng vẫn còn có chuyện nặng nề thành tích trong quy định của Bộ GD&ĐT. Theo tôi, thà rằng cứ tiếp tục chấm điểm, cho điểm, xếp loại như trước là xong. Giờ bắt các cháu phải “đấu đá”, bình chọn sớm như thế chỉ làm hại trẻ. Ở cấp tiểu học, trẻ chơi mà học là chủ yếu, sao nỡ bắt ép các cháu phải loại nhau chỉ vì tấm giấy khen. Con tôi học lớp 1 thôi nhưng thấy chương trình nặng quá, tối về phải rèn thêm mới theo kịp chương trình”. Phụ huynh Nguyễn Thu Hương (Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) có con học lớp 4: “Các cháu học tốt, có điểm mạnh hay yếu thì giáo viên là người hiểu nhất vì thời gian ở trường của các cháu khá nhiều. Đưa các cháu vào chuyện bình bầu là quá nhiêu khê, không phù hợp với lứa tuổi. Đã thế, còn thêm vào tiêu chí lấy ý kiến phụ huynh để làm gì, phụ huynh nhận xét về con mình chắc chắn là “thiên vị” rồi, còn nhận xét về các cháu khác thì có học cùng, chơi cùng các cháu đâu mà biết? Tôi thấy choáng với cái quy định vô lý này của Bộ GD&ĐT”. T.Hằng (ghi) |