Biết con dùng móng tay bấm hỏng những quả táo ngon lành của bà bán hàng, người mẹ đã có hành động khác người để con không tái phạm
Nghe con nói "vì ghét bà bán táo nên đã bấm ngón tay vào nhiều quả táo", người mẹ đã có hành động khác người để dạy con không bao giờ tái phạm.
Có câu chuyện người mẹ đón con đi học về, tiện tạt vào vệ đường mua túi táo. Trong lúc người mẹ đang chọn quả và mặc cả với bà bán hàng khó tính thì cô con gái nhỏ dùng móng tay bấm vào những quả táo trong sọt.
Về nhà cô bé hồn nhiên kể lại việc "ghét bà bán hàng nên bấm những quả táo" cho mẹ nghe. Người mẹ bảo con lên xe và chở con trở lại hàng táo. Sau khi giải thích sơ qua với bà bán hàng khó tính, người mẹ đã mua hết những quả táo có dấu móng tay rồi chở con về nhà mới nói:
- Con đã làm hư đồ của người khác, và phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Mẹ cũng liên quan đến điều này vì mẹ chưa dạy con chu đáo. Vì vậy tối nay mẹ con mình phải ăn hết những quả táo này.
Con đã làm hỏng những quả táo của bà bán hàng thì phải chịu trách nhiệm về hành động đó. Ảnh minh họa.
Táo quá nhiều, hai mẹ con ăn mãi không hết. Nhìn mấy đĩa táo mà cô bé sợ quá òa khóc xin lỗi mẹ, nói rằng đã nhớ kỹ bài học này rồi, từ nay về sau cô bé không bao giờ dám tái phạm nữa.
Từ bé nhiều bố mẹ đã dạy trẻ khi mắc lỗi phải nói lời xin lỗi như một câu cửa miệng, lớn lên bố mẹ không cần nhắc nhở trẻ vẫn biết nói lời xin lỗi. Nhưng nhiều khi trẻ nói xin lỗi đấy mà không nhận thức được lỗi mình gây ra, như thế có xin lỗi bao nhiêu lần cũng không được xem là xin lỗi bởi sau đó trẻ tiếp tục lặp lại. Cách buộc trẻ phải nói lời xin lỗi khi làm điều gì sai mà không biết vì sao sai, tổn thương gì... sẽ làm trẻ không phát triển các kỹ năng xã hội và tình cảm.
Vì vậy điều quan trọng là cha mẹ cần dạy trẻ biết được lý do tại sao phải xin lỗi, từ đó giúp trẻ nhận ra lỗi lầm của mình.
4 bước giúp trẻ nhận ra lỗi lầm và tự nguyện xin lỗi
Ở câu chuyện trên từ đầu đến cuối người mẹ không hề trốn tránh trách nhiệm, mà dùng hành động cụ thể để giáo dục con "biết lỗi", "xin lỗi", "sửa lỗi" và "không tái phạm". Nếu người mẹ ép buộc con nói: "Con xin lỗi" thì trẻ sẽ nói, nhưng lần sau trẻ vẫn lặp lại lỗi tương tự vì không ý thức được sai lầm đã mắc phải.
Người mẹ ở trên bằng hành động cụ thể để dạy con mình phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, không thể đổ lỗi cho "bà bán hàng khó tính" mà hãy tự xét lại lỗi mình để tự nhận lỗi, sửa lỗi, không tái phạm mới là điều quan trọng hơn cả.
Dùng hành động cụ thể để giáo dục con xin lỗi, sửa lỗi, không tái phạm. Ảnh minh họa.
Sau đây là 4 bước bố mẹ có thể ứng dụng để giúp trẻ nhận ra lỗi lầm và tự nguyện xin lỗi, sửa lỗi:
1. Giúp trẻ biết đã làm sai những gì:
Ví dụ sáng ra trẻ thích ăn mì úp với xúc xích. Nhưng khi bạn bê tô mì ra, nó đập thìa rồi hét váng lên đòi xúc xích. Bạn hãy nói cho trẻ biết cảm giác của mình: "Bố/mẹ rất buồn khi con đập thìa, la hét thế. Sáng ra bố/mẹ rất vội, chỉ kịp làm mì thôi, chưa làm được xúc xích".
Hay khi trẻ tức giận giẫm đồ chơi, ném vào người khác, nói hỗn hoặc đuổi người khác... thì dù lý do gì bố mẹ cũng cần dạy trẻ nói hoàn chỉnh câu: "Con xin lỗi vì…" - lý do càng cụ thể trẻ càng hiểu cảm giác bị tổn thương của người khác - là cách giúp trẻ hiểu hành động làm ảnh hưởng tới người khác - để trẻ tự nguyện nói lời xin lỗi kèm theo lý do. Nếu lý do phù hợp với hành động tiêu cực của trẻ thì tốt, nhưng nếu trẻ không chịu xin lỗi, không hiểu vì sao phải xin lỗi - thì bố mẹ phải kiên nhẫn hơn để giải thích về thái độ và hành vi sai của trẻ.
2. Giúp con thoát ra khỏi cảm giác tiêu cực:
Sau khi trẻ xin lỗi thường rơi vào cảm giác có lỗi, hoặc thất vọng. Lúc này bố mẹ cần giúp con thoát khỏi tình trạng đó bằng cách dẫn dắt cho trẻ giải quyết vấn đề theo hướng tích cực. Thay vì nói: "Con sẽ không ném đồ vật vào bố/mẹ nữa", hãy hỏi xem con thích chơi gì? Con có muốn hai bố con mình cùng chơi không?". Tùy tâm lý và độ tuổi của trẻ mà ứng xử dễ hiểu, vì lúc này trẻ cần được giúp đỡ để vui vẻ trở lại.
Sau khi trẻ xin lỗi hãy giúp con sớm thoát khỏi tình trạng thất vọng, tiêu cực. Ảnh minh họa.
3. Dạy trẻ biết tha thứ:
Trẻ (hay bất cứ ai) đều muốn được tha thứ sau khi làm người khác tổn thương. Giải thích sự tha thứ với trẻ rất quan trọng (vì đôi khi có người không thể tha thứ cho trẻ). Giúp trẻ có tấm lòng bao dung, rộng lượng với mọi người, linh hoạt chuyển hóa các tình huống thì hai bên sẽ cảm thấy tốt hơn.
Muốn vậy, bố mẹ luôn phải làm gương vị tha trước những lỗi lầm của trẻ, những hành động tiêu cực của người xung quanh gây ra. Khi trẻ thấy bố mẹ sống tốt, rộng lượng, bao dung sẽ học theo được dễ dàng.
4. Dạy trẻ "xin lỗi" thành thói quen
Với 3 bước trên mỗi khi trẻ có hành động sai, thái độ sai sẽ tự biết nói lời xin lỗi - những lời xin lỗi có lý do, là cảm giác hối lỗi, muốn nhận lỗi và sửa chữa sai lầm - dần thành thói quen của trẻ.
Vì vậy việc giải thích cho trẻ biết đã làm sai ở đâu, tại sao lại sai, cảm giác bị tổn thương của người khác... rất cần thiết giúp trẻ dám chịu trách nhiệm về hành vi, thái độ của mình. Dạy trẻ biết tự nhận lỗi, sửa lỗi, không tái phạm quan trọng hơn cả, có như thế trẻ mới biết cư xử tốt hơn trong tương lai, mới trưởng thành và làm nên sự nghiệp.
Nguồn: [Link nguồn]
Dù là diễn viên, ca sĩ nổi tiếng nhưng những người này cũng đều là ông bố bà mẹ như bao người khác. Mỗi người sẽ...