Biên soạn SGK: Sở GD-ĐT nên đứng ngoài cuộc

Sự kiện: Giáo dục

"Các Sở GD&ĐT không nên đứng ra tổ chức biên soạn sách giáo khoa, vì nếu như vậy, các trường học trên địa bàn sẽ không có quyền lựa chọn", GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới nhận định.

Biên soạn SGK: Sở GD-ĐT nên đứng ngoài cuộc - 1

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, hiện nay, Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) được giao chủ trì phối hợp cùng một số đơn vị liên quan xây dựng thông tư quy định tiêu chuẩn, tổ chức được phép biên soạn sách giáo khoa (SGK), tiêu chí đánh giá SGK và tổ chức hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, các Sở GD&ĐT không nên đứng ra tổ chức biên soạn SGK, vì nếu như vậy, các trường học trên địa bàn sẽ không có quyền lựa chọn. 

“Nếu 63 Sở GD&ĐT cùng đăng k‎ý tổ chức biên soạn SGK sẽ dẫn đến tình trạng 63 “sứ quân” rất khó kiểm soát”- GS Thuyết nhấn mạnh.Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, trong quá trình biên soạn chương trình, Ban Phát triển Chương trình đã phải tiến hành dạy thực nghiệm. Trên cơ sở đó, bộ phận biên soạn SGK sau này sẽ hoàn thiện để có bộ sách mới theo đúng kế hoạch. 

GS Thuyết cũng lưu‎ ý thêm là việc dạy sẽ theo hình thức cuốn chiếu, không phải lập tức phải có sách giáo khoa cho cả 12 lớp.

 Cụ thể về lộ trình thực hiện, GS Thuyết cho rằng, sau khi có chương trình tổng thể sẽ biên soạn chương trình môn học. Trên thực tế, sau khi dư luận, chuyên gia thấy cơ bản chương trình tổng thể "đứng" được, việc xây dựng chương trình bộ môn đã được tiến hành. 

Chương trình bộ môn cố gắng trong 1 - 2 tháng nữa sẽ đưa ra xin ‎ kiến chuyên gia, thẩm định vòng 1, sau đó đến thẩm định vòng 2 cả chương trình tổng thể và chương trình môn học.

“Song song với đó, chúng tôi cũng kiến nghị với Bộ GD&ĐT, khoảng 1 – 2 tháng nữa cho công bố trên các phương tiện thông tin, thông báo mời các tổ chức, cá nhân đăng ký‎ viết sách”- GS Thuyết nói.

Trước mắt, giáo viên môn nào vẫn dạy môn đó

Trước câu hỏi, hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc... trong đó có các môn học tích hợp. Vậy liệu đội ngũ giáo viên của chúng ta có đáp ứng được việc giảng dạy môn học tích hợp trong chương trình mới?
GS Thuyết cho rằng, trước mắt, giáo viên của môn nào vẫn dạy những nội dung của môn đó, còn những giáo viên đã được bồi dưỡng, tập huấn tốt có thể đảm nhiệm toàn bộ môn tích hợp và đảm nhiệm những chuyên đề tích hợp. "Ở một số nước, khi đào tạo giáo viên người ta đào tạo nhiều môn, không đào tạo đơn môn. Chúng ta có thể theo hình thức đào tạo nhiều môn như vậy; cũng có thể theo hình thức chia ra các học phần, mô đun, giáo viên nào học hết các học phần sẽ thực hiện dạy tích hợp", GS Thuyết nhấn mạnh.

Tham khảo chỉ tiêu tuyển sinh các trường Đại học, Cao đẳng 2017 tại đây

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Hợp (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN