Bí quyết đạt giải cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 46 năm 2017

Sự kiện: Tin ngắn

Ban tổ chức Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 46 năm 2017 tại Việt Nam vừa đưa ra một số gợi ý liên quan đến chủ đề cũng như kỹ thuật viết một bức thư để các em thanh thiếu niên trên cả nước cùng tham khảo.

Sáng 9/11/2016, Ban tổ chức Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 46 tại Việt Nam chính thức công bố chủ đề của cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 46, đó là: “Hãy tưởng tượng bạn là cố vấn cho Tổng Thư  ký mới của Liên hợp quốc; vấn đề toàn cầu nào bạn sẽ giúp ông ấy xử lý trước tiên và cách giải quyết vấn đề đó như thế nào?”.

Lưu ý thời gian nhận bài dự thi từ ngày 14/11/2016 đến 20/2/2017 (theo dấu Bưu điện),

Đặc biệt, Ban tổ chức đã đưa ra một số gợi ý liên quan đến chủ đề cũng như kỹ thuật viết một bức thư để các em thanh thiếu niên trên cả nước cùng tham khảo trong việc thể hiện sự sáng tạo, những ý tưởng độc đáo của mình trong khi viết.

Bí quyết đạt giải cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 46 năm 2017 - 1

Nhà thơ Trần Đăng Khoa gợi ý cách viết thư UPU năm 2016 cho các em học sinh tại trường THCS An Thới, TP. Cần Thơ.

Về kỹ thuật viết thư

- Bức thư cần được viết dưới dạng văn xuôi. Chủ đề năm nay mang các yếu tố của một bài văn nghị luận, mong muốn các em thể hiện sự hiểu biết và quan tâm đến các vấn đề nổi bật trong thế giới mà chúng ta đang sống. 

Các em nên đưa ra lý lẽ, quan điểm của cá nhân rồi tìm các dẫn chứng thuyết phục để chứng minh cho các quan điểm đó của mình. Hãy cố gắng thể hiện khả năng phân tích, đánh giá và đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề mà thế giới hiện nay đang phải đối mặt. 

- Sau khi đã lựa chọn được “vấn đề toàn cầu” nóng bỏng nhất theo quan điểm của mình, các em hãy chọn một kết cấu cho bức thư thật độc đáo và sáng tạo để thể hiện ý tưởng đó. Nên tránh cách viết thư theo kiểu trình bày tư liệu khô khan, liệt kê hay kể lể chung chung.

- Hãy viết bức thư của mình bằng những câu văn  rõ ràng, mạch lạc và có cảm xúc. Nếu trong bức thư có nhiều hình ảnh sinh động, hoặc cách so sánh hợp lý thì càng lôi cuốn, hấp dẫn và thuyết phục người đọc. 

Nếu chọn lối đối thoại trực tiếp với ông Tổng Thư ký mới để trình bày sự tư vấn của mình về một vấn đề toàn cầu mà mình lựa chọn đầu tiên và trình bày cách giải quyết nó, chắc chắn bức thư sẽ rất thuyết phục và ấn tượng. 

Những bức thư đoạt giải cao thường là những bức thư làm lay động trái tim người đọc không chỉ bởi ý tưởng, kết cấu bức thư mà còn bởi những cảm xúc chân thành mà người viết thể hiện.

- Không viết bức thư dài quá 1000 từ.

Về chủ đề của cuộc thi

- Chủ đề cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU năm nay vẫn là dạng đề mở với các nội dung rộng lớn để các em dễ dàng lựa chọn. Tuy nhiên, chủ đề đưa ra những giới hạn rất cụ thể: Phải viết thư với vai trò là cố vấn cho Tổng Thư ký mới của Liên hợp quốc; phải chọn được một vấn đề nào đó mà em cho là Tổng thư ký mới phải xử lý trước tiên khi ông bắt đầu nhiệm kỳ của mình, một vấn đề mang tầm cỡ toàn cầu; phải đưa ra được các giải pháp cụ thể để giải quyết được vấn đề mà em đã lựa chọn.

- Trước hết, cần biết được bối cảnh ra đời và tính thời sự của chủ đề năm nay. Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ngài Antonio Guterres, sẽ kế nhiệm Tổng Thư ký Liên hợp quốc hiện tại là ông Ban Ki-moon (nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc). 

Ông Tổng Thư ký mới sẽ  nhận nhiệm vụ mới vào tháng 1/2017. Ông nguyên là Thủ tướng Bồ Đào Nha, đồng thời lãnh đạo tổ chức Cao ủy về người Tị nạn của Liên hợp quốc trong nhiều năm.

Chủ đề cuộc thi Viết thư quốc tế UPU năm nay muốn tạo cho các em cơ hội được tham gia thảo luận, đề xuất ý kiến và suy nghĩ của mình về những vấn đề toàn cầu nóng bỏng cần được ưu tiên xử lý trong thế giới hiện đại.

- Sau đó, nên tìm hiểu kỹ về những vấn đề nóng bỏng toàn cầu hiện nay là gì? “Địa chỉ” thông tin đầu tiên cần tìm hiểu là “Các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc” (UN Sustainable Development Goals, SDGs).

Có 17 mục tiêu mà Liên Hợp Quốc hướng tới hiện nay: Xóa nghèo; xóa đói; sức khỏe tốt và cuộc sống hạnh phúc; giáo dục có chất lượng; bình đẳng giới; nước sạch và vệ sinh; năng lượng sạch và giá hợp lý; tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; công nghiệp, sáng tạo và hạ tầng; giảm bất bình đẳng; thành phố và cộng đồng bền vững; tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm; hành động bảo vệ khí hậu; cuộc sống dưới nước; cuộc sống trên mặt đất; xã hội hòa bình; quan hệ đối tác toàn cầu.

Mỗi mục tiêu đều chứa đựng bên trong đó những nội dung vô cùng ý nghĩa và nhân văn, hướng tới một mục tiêu chung là chấm dứt đói nghèo, bất bình đẳng, đem lại hòa bình, hạnh phúc, sự thịnh vượng cho con người và bảo vệ hành tinh một cách bền vững của chúng ta.

- Ngoài ra, cũng nên tham khảo thêm các nguồn tư liệu đáng tin cậy khác từ các trang web chính thống, sách, báo… để có thêm những thông tin mới, những quan điểm mới, giúp các em có một cái nhìn đầy đủ, chính xác hơn về thế giới đương đại của chúng ta.

Sau khi đã hình dung được một bức tranh toàn cảnh về những vấn đề toàn cầu, các em hãy lựa chọn một vấn đề mà em cho là quan trọng và cấp bách nhất. Hãy lý giải thật rõ ràng, sáng tỏ vì sao em chọn vấn đề đó; vấn đề đó đang có tác động như thế nào tới con người và có sức ảnh hưởng như thế nào trong thế giới chúng ta đang sống.  

- Một phần vô cùng quan trọng của bức thư là đưa ra được những giải pháp cụ thể và đầy sức thuyết phục để giải quyết vấn đề mà em đã lựa chọn. Đó có thể là những giải pháp khả thi, áp dụng được vào cuộc sống hiện thực; nhưng cũng có thể là những giải pháp lâu dài, cần một ý chí, cần một sự phấn đấu bền lâu hay sự chung tay gánh vác của toàn thể cộng đồng, của toàn nhân loại. Nói tóm lại là phải có ý tưởng về một giải pháp để thực hiện vấn đề mà em lựa chọn tư vấn cho Tổng Thư ký mới.

- Các em nên theo dõi chuyên mục “Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU đồng hành cùng bạn” trên báo Thiếu niên Tiền phong và trên trang web: www.thieunien.vn. 

Ở chuyên mục này có nhiều thông tin bổ ích và bí quyết thú vị, giúp các em viết được những bức thư hay như: các bạn đoạt giải cao trong các cuộc thi Viết thư quốc tế UPU sẽ tiết lộ những “điều bí mật” khi viết thư; các cô giáo dạy văn có nhiều học trò đoạt giải chia sẻ kinh nghiệm; các thành viên Ban Giám khảo trao đổi, gợi ý hoặc trả lời các thắc mắc; cung cấp thêm các thông tin mới về chủ đề cuộc thi năm nay…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Minh (Infonet)
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN