Bí mật của những đứa trẻ lớn lên thành công nằm ở một hành động của cha mẹ
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại MIT, Harvard và Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã phát hiện ra điều tốt nhất mà các bậc cha mẹ có thể làm cho trẻ.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra cha mẹ thường xuyên trao đổi qua lại với con (nhất là giai đoạn 4 - 6 tuổi) sẽ giúp phát triển, bồi dưỡng và cải thiện một trong những kỹ năng quan trọng nhất góp phần đem đến thành công trong cuộc sống cũng như kỹ năng giao tiếp.
Chúng ta nói với con mọi lúc, kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp: "Ngồi đây", "Nhanh lên, nếu không ta sẽ bị muộn", "Làm tốt lắm", "Đừng làm thế", "Đọc truyện cho ba/mẹ nghe trước khi đi ngủ nào"... Tuy nhiên, bí mật chính là những cuộc trò chuyện qua lại.
Các nhà nghiên cứu đã chụp cộng hưởng từ chức năng để đánh giá 36 trẻ, nhận dạng sự khác biệt trong cách não bộ phản ứng với những kiểu trò chuyện khác nhau. Họ nhận ra rằng ở nhóm trẻ có trò chuyện qua lại, khu vực Broca (não tập trung sản xuất lời nói và xử lý ngôn ngữ) hoạt động nhiều hơn. Trẻ được kích hoạt nhiều hơn ở vùng não bộ này thường được điểm cao hơn trong các bài kiểm tra ngôn ngữ, lý luận.
"Đây là bằng chứng đầu tiên rằng các cuộc trò chuyện tại nhà có liên quan đến sự phát triển não bộ của trẻ nhỏ", John Gabrieli, trưởng nhóm nghiên cứu, nói với MIT News. Theo ông, thật kỳ diệu khi cuộc trò chuyện của cha mẹ lại có ảnh hưởng đến sự phát triển sinh học của não.
Cha mẹ thường xuyên trao đổi qua lại với con (nhất là giai đoạn 4 - 6 tuổi) sẽ giúp phát triển khả năng giao tiếp ở trẻ. Ảnh minh hoạ
Những cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái giúp trẻ học cách tự lập, phát triển ngôn ngữ tốt hơn. Bên cạnh đó, trẻ cũng có những phản xạ tốt hơn như khéo léo trong việc trò chuyện, giao tiếp và dễ dàng kết nối với bạn bè hay gia đình.
Trẻ cũng dễ dàng tạo thiện cảm với người đối diện bởi cách hành xử, câu từ và khả năng đối đáp. Đây cũng là một trong những điều đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ, giúp trẻ hoàn thiện bản thân mình hơn.
Học cách giao tiếp sẽ giúp trẻ tăng khả năng ngôn từ cũng như biết cách thể hiện rõ những cảm xúc của mình. Các chuyên gia tâm lý đã gợi ý cho các ông bố bà mẹ 2 kỹ năng cơ bản để dạy trẻ giao tiếp. Đó là học cách chào hỏi mọi người xung quanh và đừng quên gửi lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ của ai đó, dù cho là điều nhỏ nhất.
Khi đã ghi nhớ và nắm rõ 2 kỹ năng cơ bản trên, trẻ sẽ tự điều chỉnh thái độ và nhanh chóng biết cách ứng dụng các bài học giao tiếp trong cuộc sống của mình.
Điểm cốt yếu không phải có những cuộc trò chuyện triết học, sâu sắc với con, mà là những cuộc trò chuyện mang tính đối thoại, tương tác. Không khó để thực hiện bước nhảy vọt này, và trẻ sẽ hưởng lợi đáng kể về lâu dài, bởi các cuộc trò chuyện tương tác giúp cải thiện toàn bộ các kỹ năng giao tiếp, và điều đó là cần thiết cho bất kỳ sự nghiệp nào trong tương lai.
Hơn thế nữa, một số nghiên cứu đã ủng hộ quan điểm trẻ có kỹ năng giao tiếp mạnh mẽ sẽ có được những mối quan hệ lành mạnh hơn, hôn nhân bền vững hơn, lòng tự tôn cao hơn và sự hài lòng với cuộc sống.
Việc dạy cho trẻ kỹ năng giao tiếp ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp các bé học cách tự lập. Ảnh minh hoạ
Vậy bố mẹ nên trò chuyện với con thế nào để tăng khả năng giao tiếp của trẻ?
Khuyến khích trẻ mô tả trải nghiệm mỗi ngày
Khuyến khích trẻ kể cho bạn biết ngày hôm đó diễn ra như thế nào, càng chi tiết càng tốt là một trong những cách giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Người lớn đặt câu hỏi "Điều vui nhất và chán nhất ở trường hôm nay là gì?" có thể giúp trẻ nhớ lại, sắp xếp trình tự - hai kỹ năng mà trẻ thường gặp khó khăn trong giao tiếp. Kể lại các sự kiện trong ngày cũng là một cách chia sẻ giúp thúc đẩy sự kết nối giữa cha mẹ và con cái.
Lắng nghe và phản ánh
Cha mẹ nên thực hành mô hình trò chuyện: lắng nghe và mở rộng những gì người đối diện nói để giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp. Sau khi bé chia sẻ với bạn điều gì đó, hãy lặp lại một phần câu chuyện, sau đó tiếp nối bằng câu hỏi mở rộng.
Phương pháp này giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng, lắng nghe, đồng thời có thể phát triển góc nhìn từ gợi ý của người lớn.
Trò chuyện bằng tình huống
Cha mẹ có thể đặt ra các tình huống, khuyến khích trẻ tưởng tượng, bày tỏ quan điểm của mình. Thay phiên đóng giả từng người trong cuộc trò chuyện để bé có thể suy nghĩ về các tình huống, chủ đề trò chuyện, cách phản ứng khác nhau. Những điều này có thể thảo luận với trẻ trong khi cùng nấu ăn, đi bộ hoặc trong bữa ăn.
Ảnh minh hoạ
Dạy ngôn ngữ cơ thể
Những đứa trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp có thể không nhận ra những tín hiệu phi ngôn ngữ hay ngôn ngữ cơ thể của người khác. Cha mẹ nên cân nhắc việc thể hiện, giải thích ngôn ngữ cơ thể cho trẻ. Chẳng hạn, hành động liếc mắt có thể khiến người đối diện cảm thấy không được tôn trọng, khoanh tay trước ngực có thể là biểu hiện của sự tức giận.
Đọc sách cùng trẻ
Đọc gì cho con nghe không quan trọng, điều quan trọng là cha mẹ và con làm điều đó cùng nhau. Nếu trẻ chỉ muốn nghe hoặc đọc một truyện giống nhau mỗi đêm, có nghĩa là trẻ đang phát triển sự hiểu biết về nhân vật, các tình huống, từ ngữ được sử dụng.
Sau khi đọc xong một câu chuyện hoặc xem xong một chương trình truyền hình, hãy thảo luận về bối cảnh, cốt truyện, nhân vật hoặc bất kỳ từ mới nào xuất hiện trong câu chuyện.
Hỏi ý kiến của trẻ
Giao tiếp đòi hỏi trẻ phải bày tỏ cảm xúc. Do đó cha mẹ nên hỏi con về quyết định, mong muốn của chúng, chằng hạn: "Con thích ăn món nào", "Con muốn làm gì trong kỳ nghỉ hè", "Con có muốn đi siêu thị cùng bố mẹ không"...
Hỏi ý kiến của con về các chủ đề đa dạng, làm mẫu việc sử dụng các cụm từ bày tỏ ý kiến như "Tôi nghĩ", "Tôi cảm thấy" là một phương pháp hữu ích để cải thiện khả năng ngôn ngữ của trẻ.
Không có công thức cụ thể cho việc nuôi dạy những đứa trẻ thành công, tuy nhiên các nhà tâm lý học đã chỉ ra một số yếu tố dự đoán điều đó, trong đó có cha mẹ.
Nguồn: [Link nguồn]