“Bí kíp” làm bài thi lớp 10 môn ngữ văn: 4 sai lầm cần tránh
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) chỉ ra 4 sai lầm mà học sinh cần tránh trước khi làm bài thi môn ngữ văn, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới
Theo thầy Võ Kim Bảo lưu ý trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10, học sinh cần lưu ý để tránh mắc phải các sai lầm. Cụ thể:
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đang ôn thi cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10
- Học sinh (HS) tuyệt đối không đoán đề. Vì lười học và có thói quen học vẹt, học tủ, nhiều học sinh thường hay đoán đề hoặc nhờ thầy cô đoán đề. Đây là việc làm rất sai lầm, đặc biệt là trong năm học này. Năm nay đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn không ra một tác phẩm cụ thể mà ra chủ đề. Dựa vào đó, học sinh tự lựa chọn tác phẩm phù hợp với chủ đề đó. Tác phẩm được chọn cũng chỉ được lấy một phần nhỏ tương ứng với chủ đề chứ không thể phân tích toàn bộ tác phẩm. Chính vì vậy, trước thời điểm thi mà HS còn đoán đề chứng tỏ HS đã hoàn toàn ôn tập sai hướng, sai phương pháp và có thể sẽ không đủ thời gian để bắt đầu ôn tập lại.
- Viết đoạn văn không rõ chủ đề, chức năng trong bài văn, mỗi đoạn văn có một nhiệm vụ và chức năng riêng. HS có hai thói quen khi viết đoạn khiến cho bài văn bị điểm thấp. Một là viết đoạn văn không rõ chủ đề. HS không có kỹ năng tạo câu chủ đề cho đoạn văn. Nếu chọn cách viết đoạn song hành (đoạn không cần câu chủ đề) thì cũng cần phải thể hiện thật rõ các từ ngữ chủ đề, cách lập luận hướng vào một nội dung nhất định. Hai là tách đoạn tùy tiện không rõ chức năng của đoạn văn là gì. Các câu trong đoạn văn thiếu liên kết với nhau và thiếu liên kết với đoạn trước, không giải quyết được bất kì một vấn đề cụ thể nào trong bài văn. Chính vì vậy, học sinh nếu cảm thấy mình không giỏi viết văn nên học kĩ về mặt phương pháp làm bài, cách viết một đoạn văn đơn giản, rõ chủ đề, rõ chức năng.
- Thiếu kĩ năng đọc và phân tích đề vì thói quen học vẹt, học tủ, đặc biệt là lệ thuộc vào văn mẫu, học sinh thường sử dụng đáp án của đề bài cũ hoặc bài văn mẫu đã học để chép vào bất kì một đề văn nào có các dấu hiệu liên quan đến bài mình đã làm, đã học. Đề bài chắc chắn vừa sức hoặc dễ chứ không khó, vấn đề là đề bài sẽ yêu cầu học sinh thể hiện kiến thức, kỹ năng của mình ở một vài phương diện cụ thể. Đáp án đã nằm trong chính yêu cầu của đề bài, HS cần luyện tập cách đọc đề, phân tích yêu cầu của đề để hiểu trong bài văn mình cần viết gì và không nên viết gì. Tránh viết những nội dung không liên quan đến đề mà mục đích chỉ để cho bài dài.
- Quan niệm viết hay, viết dài thì điểm mới cao. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn ở TP HCM chú trọng kĩ năng nhiều hơn cả, HS chỉ cần có kiến thức nền tảng được dạy trong chương trình là có thể đáp ứng được yêu cầu về kiến thức của đề thi. Tất nhiên, trong bài thi, HS cần thể hiện được kĩ năng viết văn của mình. Thang điểm chấm cho kỹ năng khá cao. Thay vì chỉ tập trung viết cho bài văn dài thật dài, còn vài phút cuối mới viết kết bài thì HS nên tập trung rèn luyện các kĩ năng, phương pháp làm bài.
Đề thi tuyển sinh lớp 10 không khó, không đòi hỏi HS phải có năng khiếu nhất định như đề thi học sinh giỏi. Chính vì vậy học sinh không cần quá áp lực về việc viết văn hay, có kiến thức quá phong phú về văn chương…
Nguồn: [Link nguồn]
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 những năm trước vẫn có thí sinh quên giấy tờ, đến chậm, nhầm điểm thi… Để tránh những sai sót đáng tiếc, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường...